Được và mất trong tham vọng 'thông minh hóa đô thị' ở Ấn Độ

Trong bối cảnh phải đối mặt với những thách thức từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng, Chính phủ Ấn Độ đã đề ra Sứ mệnh Thành phố thông minh nhằm thúc đẩy phát triển đô thị toàn diện và bền vững.

Theo báo Economic Times, tầm quan trọng của các thành phố đối với nền kinh tế Ấn Độ là không thể phủ nhận. Chúng đóng góp tới 60% vào GDP quốc gia ở thời điểm hiện tại, và dự kiến sẽ tăng lên hơn 70% vào năm 2050.

Một nghiên cứu năm 2022 của Niti Aayog - nhóm chuyên gia hoạch định chính sách của Chính phủ Ấn Độ, chỉ ra rằng trung bình tỷ lệ dân của một quận thành phố tăng 1% thì GDP của quận đó tăng thêm 2,7%. Điều này nhấn mạnh các thành phố là động lực lớn cho sự phát triển kinh tế và đổi mới sáng tạo của quốc gia tỷ dân này.

Các thành phố đóng góp tới 60% vào GDP Ấn Độ thời điểm hiện tại, và dự kiến sẽ tăng lên hơn 70% vào năm 2050. Ảnh minh họa: Geospatial World

Các thành phố đóng góp tới 60% vào GDP Ấn Độ thời điểm hiện tại, và dự kiến sẽ tăng lên hơn 70% vào năm 2050. Ảnh minh họa: Geospatial World

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng mang lại nhiều thách thức. Việc mở rộng địa giới thành phố mà không có quy hoạch bài bản dẫn đến cơ sở hạ tầng quá tải, ô nhiễm môi trường và suy giảm chất lượng sống của người dân.

Để giải quyết những vấn đề này, Ấn Độ đã triển khai Sứ mệnh Thành phố thông minh (SCM) ngay từ năm 2015, nhằm thúc đẩy phát triển các đô thị theo hướng toàn diện và bền vững.

Tạo diện mạo mới cho các thành phố

SCM có 2 khía cạnh phát triển chính: theo khu vực dựa trên 3 hướng — tái phát triển, cải tạo và mở rộng, và trên toàn thành phố dựa trên các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Những giải pháp này bao gồm quản trị điện tử, quản lý chất thải, nước và năng lượng, điều tiết giao thông đô thị và phát triển tay nghề của cư dân.

Ngoài ra, để sứ mệnh thêm hiệu quả, một mô hình quản trị mới được áp dụng thay thế các mô hình quản trị thành phố hiện có ở Ấn Độ. Mô hình này gọi là SPV (viết tắt của "phương tiện có mục đích đặc biệt"), được thành lập và đăng ký theo Đạo luật công ty của Ấn Độ, và do một viên chức hoặc đại diện của một công ty đa quốc gia hay các bên liên quan khác điều hành.

Khoảng 2.000 tỷ rupee đã được chính phủ Ấn Độ đầu tư cho sứ mệnh đầy tham vọng này, với mục tiêu phát triển 100 thành phố thông minh trên khắp cả nước. SCM dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành vào năm 2020, song đã được gia hạn 2 lần đến tháng 6/2024.

Tính đến ngày 26/4, Bộ Nhà ở & sự vụ đô thị Ấn Độ ghi nhận 8.033 dự án trong khuôn khổ SCM đã được phê duyệt, với chi phí giảm từ mức dự kiến là 2 nghìn tỷ rupee xuống còn khoảng 1,67 nghìn tỷ rupee, ít hơn 16% so với dòng vốn dự kiến tại 100 thành phố.

Bộ này cũng nêu rõ 5.533 dự án với tổng giá trị khoảng 650 tỷ rupee đã hoàn thành, trong khi 921 dự án có tổng giá trị khoảng 210 tỷ rupee vẫn đang được triển khai. Tuy nhiên, có tới 400 dự án thuộc SCM được triển khai ở khoảng 10 thành phố chưa thể hoàn thành trước thời điểm hạn chót là tháng 6 năm nay.

SCM đặt mục tiêu phát triển 100 thành phố thông minh trên khắp Ấn Độ. Hình minh họa: Economic Times

SCM đặt mục tiêu phát triển 100 thành phố thông minh trên khắp Ấn Độ. Hình minh họa: Economic Times

Qua gần 1 thập kỷ triển khai, SCM đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện chất lượng sống của người dân các thành phố ở Ấn Độ thông qua việc cung cấp các dịch vụ công cộng hiện đại và tiện lợi.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất ở các thành phố thông minh giúp việc quản lý tài nguyên và các dịch vụ công, từ giao thông đến năng lượng và nước, trở nên hiệu quả hơn. Những giải pháp này có thể thu hút đầu tư và tạo ra nhiều cơ hội việc làm, góp phần vào sự phát triển kinh tế của các thành phố.

Khoảng cách giữa ý tưởng và thực tiễn

Dù vậy, sứ mệnh vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Việc thí điểm tới 100 thành phố trên khắp Ấn Độ gặp nhiều vấn đề do hướng phát triển dựa theo SCM ở các thành phố này lại khác xa tình hình thực tế.

Thậm chí, một số thành phố chỉ chọn không quá 1% diện tích để phát triển theo định hướng của SCM. Chẳng hạn, thành phố Chandigarh dù nhận được hơn 1,9 tỷ rupee trong đợt tài trợ đầu tiên của SCM, song chỉ dành số tiền trên để phát triển đồng hồ đo nước thông minh, những điểm phát Wi-Fi và các chương trình quản lý chất thải rắn cho một quận duy nhất.

Theo các ghi nhận của công ty tư vấn McKinsey, phải tốn ít nhất 1,2 nghìn tỷ USD (tương đương hơn 100 nghìn tỷ rupee) để biến các thành phố của Ấn Độ trở thành nơi đáng sống trong năm 2030. Trong bối cảnh này, con số 1,67 nghìn tỷ rupee (tương đương dưới 20 tỷ USD) mà Chính phủ Ấn Độ bỏ ra cho các sứ mệnh như SCM còn quá khiêm tốn.

Thêm vào đó, mô hình SPV được áp dụng cho các thành phố thông minh không phù hợp với Tu chính án thứ 74 của Hiến pháp Ấn Độ, dẫn đến nhiều thành phố phản đối cấu trúc quản lý này. Những người chỉ trích cho rằng SPV vận hành theo hướng "từ trên xuống" nên tồn tại nhiều bất cập.

Chẳng hạn, một thị trấn đồi núi có ngân sách hàng năm dưới 1 tỷ rupee, nhưng lãnh đạo SPV của thị trấn lại yêu cầu triển khai các dự án trị giá hơn 25 tỷ rupee. Điều này vừa lãng phí, vừa không phù hợp với nhu cầu của cư dân thị trấn.

Theo Ngân hàng Thế giới, hơn 49% cư dân thành thị ở Ấn Độ sinh sống trong các khu ổ chuột. Dưới danh nghĩa thực hiện các dự án thành phố thông minh, SCM có thể khiến cư dân các khu vực vực này đối diện cảnh vô gia cư. Ngoài ra, những người bán hàng rong cũng có thể mất điểm bán và các điểm sinh hoạt cộng đồng ở thành phố có thể bị phá dỡ.

Một vấn đề lớn khác của SCM là làm gia tăng tình trạng ngập lụt đô thị. Một số thành phố chưa từng bị ngập lụt trong lịch sử giờ đây có nguy cơ thành "rốn lũ", do các dự án phát triển cơ sở hạ tầng làm hỏng hoặc phá hủy hệ thống kênh đào và đường ống thoát nước tại các thành phố này.

Hướng phát triển dựa theo SCM ở nhiều thành phố Ấn Độ còn gặp nhiều vấn đề. Ảnh minh họa: Raconteur

Hướng phát triển dựa theo SCM ở nhiều thành phố Ấn Độ còn gặp nhiều vấn đề. Ảnh minh họa: Raconteur

Tựu chung lại, việc tái thiết các thành phố Ấn Độ theo hướng sáng tạo là chìa khóa để đảm bảo tương lai bền vững và thịnh vượng. Tuy nhiên, giới chức nước này cần phải kết hợp việc học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố thông minh khác trên thế giới và áp dụng kinh nghiệm đó sao cho phù hợp với bối cảnh của địa phương mình.

Bằng cách trên, Ấn Độ mới có thể tạo ra các môi trường đô thị năng động và bền vững, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại và tương lai

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/duoc-va-mat-trong-tham-vong-thong-minh-hoa-do-thi-o-an-do.html