Đường bay thẳng giữa Hà Nội và Cà Mau chính thức đưa vào khai thác
Ngày 29/4, chuyến bay số hiệu QH1281 chở theo 95 hành khách đã hạ cánh xuống sân bay Cà Mau, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử có đường bay thẳng kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và Cà Mau.
Tuyến bay do hãng hàng không Bamboo Airways khai thác, qua đó đánh dấu việc hãng hoàn thành kết nối toàn bộ mạng lưới 22 sân bay nội địa.
Theo đại diện hãng hàng không Bamboo Airways, tuyến đường bay thẳng giữa Hà Nội đi Cà Mau và ngược lại sẽ có thời gian bay hơn khoảng 2 giờ, với tần suất 3 chuyến mỗi tuần.
Cụ thể, hai khung giờ khởi hành của hãng sẽ là 6 giờ 55 phút cất cánh từ Hà Nội; 9 giờ 55 phút cất cánh từ Cà Mau, trong các ngày thứ 3, 5 và 7 hàng tuần. Lưu ý, tần suất chung sẽ tăng dần tùy theo điều kiện thực tế và nhu cầu của hành khách.
Để khai thác đường bay thẳng này, Bamboo Airways sử dụng dòng máy bay phản lực khu vực Embraer 190 với khả năng vận chuyển tối đa 98 hành khách. Đây là dòng máy bay chủ lực đã tạo nên dấu ấn tiên phong của Bamboo Airways trên hàng loạt đường bay thẳng lịch sử, tiếp cận các sân bay nội địa vốn bị hạn chế về năng lực trong suốt thời gian dài như: Côn Đảo, Điện Biên...
Tuyến đường Hà Nội - Cà Mau là một trong những hành trình đường bộ dài nhất cả nước, với khoảng cách lên đến hơn 1.900km. Trước đây, hành khách phải di chuyển nhiều ngày bằng đường bộ kết hợp đường thủy, hoặc bằng các chuyến bay nối chuyến.
Do đó, với việc Bamboo Airways đưa vào khai thác đường bay này không những giúp hành khách có thể rút ngắn thời gian di chuyển mà còn được kỳ vọng góp phần hỗ trợ địa phương gia tăng liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả ngành hàng không.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, hãng kỳ vọng, mạng bay kết nối trung tâm kinh tế - xã hội đầu não của cả nước là Thủ đô Hà Nội với Cà Mau sẽ tạo cầu nối thuận lợi giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội trao đổi, kết nối và đẩy mạnh hợp tác với địa phương, qua đó kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, với việc tuyến đường bay đưa vào khai thác, Cà Mau xác định đây sẽ là động lực to lớn để đưa vùng đất cực Nam Tổ quốc vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. "Mạng lưới bay thẳng mới tiếp cận Cà Mau có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của đại phương. Qua đây không những rút ngắn khoảng cách giữa Cà Mau với các vùng, miền trong nước mà còn tạo điều kiện để địa phương thu hút đầu tư, phát triển du lịch, giao thương thuận lợi, tạo đà để Cà Mau phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo", ông Huỳnh Quốc Việt phấn khởi nói.
Bên cạnh đó, hoạt động này được kỳ vọng sẽ củng cố mạng lưới giao thông qua đường hàng không tại địa phương, cả về năng lực và chất lượng dịch vụ, qua đó tối ưu hóa công suất tại cảng hàng không Cà Mau. Hiện tại, công suất khai thác tại Cảng hàng không Cà Mau ước tính 35.000 - 40.000 khách/năm.
Về chiến lược phát triển trong tương lai, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, có vị trí là tỉnh địa đầu cực Nam Tổ quốc, Cà Mau không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh sắc tuyệt vời, có rừng, có biển… mà ở đây còn có những nét văn hóa rất đặc trưng, độc đáo của người dân Nam Bộ.
"Để khai thác tối đa những tiềm năng to lớn đó, thời gian qua, địa phương đã đặc biệt quan tâm phát triển lĩnh vực giao thông vận tải; trong đó đặc biệt chú trọng mở đường bay kết nối đến địa phương. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng hiện tại, Cảng hàng không Cà Mau cũng chỉ mới đáp ứng được cho các loại máy bay nhỏ khai thác.
Do đó, Cà Mau đã trình và được Trung ương đồng ý quy hoạch, nâng cấp sân bay lên cấp 4C. Hiện, tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để cho các nhà đầu tư đủ điều kiện vào đầu tư, xây dựng, tạo nền tảng thêm các dòng máy bay lớn hơn với lượng khách đi và đến đông hơn", Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định./.