Đường cứu nạn cứu nguy hàng trăm xe mất phanh trong năm 2021

Trong thời gian qua nếu địa phương nào quyết liệt vào cuộc, người dân đồng thuận ủng hộ giải phóng mặt bằng để xây dựng được đường cứu nạn đều đã phát huy ngay tác dụng và đã cứu nguy hàng trăm xe mất phanh.

Thông tin từ ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ) cho biết, trong năm 2021 (tính đến ngày 14/12), trên đường bộ cả nước đã xảy ra 1.169 vụ tai nạn giao thông khiến 555 người tử vong và làm bị thương 839 người.

Hiện trường chiếc xe ô tô chở khách mất phanh trên Quốc lộ 6 (qua tỉnh Hòa Bình) đã tránh được vụ tai nạn thảm khốc nhờ đường cứu nạn. Ảnh: TL

Hệ thống an toàn giao thông được tăng cường như sơn kẻ đường, biển báo, đinh phản quang, tiêu phản quang. Vận động các địa phương cùng lắp dựng đèn chiếu sáng tại các nút giao, ủng hộ giải phóng mặt bằng để xây dựng đường cứu nạn. Nhiều vị trí được bổ sung hộ lan tôn sóng, tường lốp.

Từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục đã xử lý 81 điểm đen, điểm tiềm ẩn tại nạn giao thông, sơn kẻ 1.262km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 1.418 biển báo; sửa chữa, bổ sung 140 km hộ lan tôn sóng.

Các đường cứu nạn đã mang lại hiệu quả trên một số tuyến đường đèo dốc. Thực tế từ các địa phương cho thấy việc lựa chọn vị trí xây dựng đường cứu nạn trên các tuyến đường đèo dốc là rất khó khăn do địa hình núi cao vực sâu, vướng giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư lớn.

Tuy nhiên, trong thời gian qua nếu địa phương nào quyết liệt vào cuộc, người dân đồng thuận ủng hộ giải phóng mặt bằng để xây dựng được đường cứu nạn, đều đã phát huy ngay tác dụng đã cứu nguy hàng trăm xe mất phanh.

Chủ yếu là các xe container, xe đầu kéo, xe khách lao xuống vực sâu, đâm vào các xe đi ngược chiều hoặc lao vào vách đá, không có thiệt hại về người. Điển hình như trên Quốc lộ 6 với Dốc Cun, Đèo Thung Khe, Đèo Thung Nhuối, Đèo Chiềng Đông thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình, Sơn La.

Đường Hồ Chí Minh với Đèo Lò So thuộc địa phận tỉnh Kon Tum. Quốc lộ 12A với đèo dốc cửa khẩu Cha Lo, tỉnh Quảng Bình. Quốc lộ 34B (tỉnh Cao Bằng), Quốc lộ 2C (Đèo Làng và đèo Cổ Yểng, tỉnh Tuyên Quang), Quốc lộ 279 (Đèo Bén, tỉnh Lạng Sơn).

Đặc biệt, có đường cứu nạn cứu 3 xe mất phanh/ tháng như tại Quốc lộ 6 (Hòa Bình), Quốc lộ 34B (Cao Bằng). Như vậy, hiệu quả mà đường cứu nạn mang lại là rất lớn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ) khẳng định.

Với công tác phòng chống thiên tai, năm 2021 cả nước đã xảy ra 8 cơn bão diễn biến không phức tạp và chủ yếu do 6 đợt mưa lớn, dài ngày gây ngập lụt một số khu vực tại Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...

Các quốc lộ bị hư hỏng nặng như Quốc lộ 1, Quốc lộ 19, Quốc lộ 9C, Quốc lộ 27C, Quốc lộ 40B, Quốc lộ 49, đường Trường Sơn Đông, đường Hồ Chí Minh. Kinh phí khắc phục bảo đảm giao thông bước 1 tính đến ngày 14/12/2021 khoảng 220 tỷ đồng.

Đối với công tác kiểm soát tải trọng xe, tình trạng xe quá tải trên các Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, Quốc lộ 37, đường Hồ Chí Minh,...có dấu hiệu bùng phát trở lại và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa.

Việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục do cần phải có sự phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương, dẫn đến kết quả còn hạn chế.

Một số địa phương có cảng, mỏ vào cuộc chưa quyết liệt trong việc kiểm soát xếp hàng hóa lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ mỏ, chủ cảng vi phạm.

“Vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ và các quy định về vận tải đường bộ chưa nghiêm.

Doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi Tổ kiểm tra tải trọng xe hoặc khi bị kiểm tra thì không chấp hành như đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở các lực lượng làm công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.

Một số Ban Quản lý dự án, Nhà thầu thi công, Nhà đầu tư BOT, Doanh nghiệp cảng, mỏ, nhà máy sản xuất thép, xi măng,...mặc dù đã ký cam kết với Bộ GTVT và UBND các tỉnh về không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện vận tải hàng hóa quá tải trọng quy định. Nhưng thực tế vẫn vi phạm, nguyên nhân do thiếu chế tài pháp lý để xử lý”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/duong-cuu-nan-cuu-nguy-hang-tram-xe-mat-phanh-trong-nam-2021-post172852.html