Đường Hạnh Phúc con đường của tinh thần dám nghĩ, dám làm!

Kỷ niệm 65 năm, ngày khởi công đường Hạnh Phúc (10.9.1959 – 10.9.2024)

BHG - Trước thập kỷ 60 của thế kỷ trước, một trong những khó khăn bậc nhất của Hà Giang là đường giao thông. Khi ấy, đường lên phía Bắc, đường sang phía Tây của tỉnh chỉ là những con đường mòn nhỏ bé. Đảng bộ tỉnh Hà Giang với tinh thần dám nghĩ, dám làm đã xác định, muốn phát triển phải có đường. Đề xuất táo bạo làm đường Hà Giang - Đồng Văn của cấp ủy, chính quyền tỉnh đã được Khu ủy Việt Bắc và Trung ương đồng ý.

Ngày 10.9.1959, đánh dấu một sự kiện đặc biệt, ngày khởi công đường Hà Giang - Đồng Văn. Con đường kỳ tích dài 185km, với điểm đầu từ thị xã Hà Giang, điểm cuối là huyện Mèo Vạc đã trải qua nhiều năm tháng gian khổ thi công và cho đến tháng 3.1965 mới hoàn thành. Con đường vượt qua Cao nguyên đá hùng vĩ, vì thế có người còn gọi đó là con đường đá. Đã có 14 người hy sinh, bao người bị thương do quá trình thi công con đường đầy gian khổ và nguy hiểm. Thành quả lao động vĩ đại này cho thấy ý chí của thanh niên xung phong các tỉnh Cao - Bắc - Lạng – Thái – Tuyên – Hà và các tỉnh Nam Định, Hải Dương…, cùng với công sức của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Qua đó, đã thực hiện hơn 2,24 triệu ngày công đào, phá gần 3 triệu mét khối đá, đất. Với giá trị, ý nghĩa con đường đem lại cho cuộc sống đồng bào Hà Giang, con đường được gọi tên là đường Hạnh Phúc. Đây là một trong những con đường có tên gọi đẹp nhất và có nhiều cảnh quan đẹp nhất cả nước.

Đường Hạnh Phúc đoạn qua Mã Pì Lèng (Mèo Vạc). Ảnh: Bang Phúc

Đường Hạnh Phúc đoạn qua Mã Pì Lèng (Mèo Vạc). Ảnh: Bang Phúc

Nhiều năm trước, khi đồng chí Phạm Đình Dy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang còn sống, tôi có dịp được nghe ông kể lại câu chuyện dài về đường Hạnh Phúc. Đồng chí Phạm Đình Dy cho biết, ý tưởng xây dựng con đường là một sự trăn trở, tính toán rất lớn của Đảng bộ, chính quyền khi ấy. Bởi trong điều kiện một tỉnh khó khăn và nhiều yếu tố xã hội vùng Cao nguyên đá thời điểm đó, việc làm đường thực sự là một thách thức cực lớn. Nhưng với sự quan tâm của Trung ương và Khu ủy Việt Bắc, sự quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, của lực lượng thanh niên xung phong cùng đồng bào Hà Giang, chúng ta đã hoàn thành một trong những công trình lớn nhất miền Bắc khi ấy.

Từ sau khi con đường được khởi công, các huyện vùng Cao nguyên đá cũng được chia tách, hình thành 4 huyện như bây giờ. Đời sống đồng bào đã phát triển vượt bậc, từ năm 1963 đã có những chuyến xe ô tô đầu tiên đến thị trấn Đồng Văn và đến 1965 xe đã đến được trung tâm huyện Mèo Vạc. Hạnh Phúc dần về khi cái đói, cái nghèo dần lùi xa. Nhiều năm qua, những công trình điện, đường, trường trạm đã có ở tất cả các xã, thị trấn; nước sinh hoạt đã về đầy những chiếc “hồ treo” giải “cơn khát”; con trẻ nô nức đến trường thắp sáng tương lai. Đặc biệt, miền đá đã trở thành địa điểm du lịch đầy hấp dẫn. Con đường đá huyền thoại đã trở thành một di sản dẫn du khách đến các di sản của Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn. Con đường cũng dẫn bao bước chân của người dân Việt Nam với niềm tự hào dân tộc trong trái tim lên với Cột cờ Quốc gia Lũng Cú.

Tượng đài thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc. Ảnh: HUY TOÁN

Tượng đài thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc. Ảnh: HUY TOÁN

Lần tìm lại những tư liệu, tìm gặp nhiều nhân chứng, chúng tôi được nghe bao câu chuyện cảm động về tình người trên công trường làm tuyến đường này. Đây thực sự là một đại công trường với ý chí và nghị lực cao ngút đến phi thường của thanh niên xung phong, của đồng bào Hà Giang tay không với chòng, đục, búa, cuốc sắt, với những sợi dây thừng buộc lưng, treo mình trên vách đá cao, những vực sâu thăm thẳm để đẽo từng phân đá mở đường. Từ đó, góp phần làm đẹp hơn, hùng vĩ hơn đại hùng quan ở Mã Pì Lèng - một trong tứ đại đỉnh đèo ở Việt Nam. Suốt toàn tuyến đường kỳ tích này, sự gian khổ vì lao động, bệnh tật, sốt rét, những vách đá treo leo và tai nạn đã khiến 14 người hy sinh. Từ sâu thẳm trong tim, chúng ta mãi ghi nhớ công sức, máu xương của những thanh niên xung phong, dân công đã thấm nhuộm vào con đường Hạnh Phúc.

Tìm lại dữ liệu về đường Hạnh Phúc, thật cảm động và khâm phục khi thấy được bao khó khăn, gian khổ trong những mùa Đông lạnh lẽo trên đá; bao mùa nắng gió nơi công trường khô cằn. Trong một báo cáo năm 1963 của Ty Giao thông Hà Giang gửi UBND tỉnh, có nói lên những khó khăn trên công trường. Đó là ăn vẫn còn thiếu, vì mỗi ngày có 7 lạng lương thực ở nơi khí hậu lạnh, công việc nặng nhọc; mỗi thanh niên xung phong một năm cũng chỉ cấp may được một bộ quần áo, chưa hết năm thì đã rách…

 Ký ức về đường Hạnh Phúc được trân trọng lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: HUY BA

Ký ức về đường Hạnh Phúc được trân trọng lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: HUY BA

Trong những lần hội ngộ của các cựu thanh niên xung phong từng tham gia mở đường Hạnh Phúc tại Hà Giang, lần nào tôi cũng thấy nước mắt rơi. Những giọt nước mắt ấy là hồi tưởng bao kỷ niệm đầy gian khổ và đẹp đẽ của tuổi thanh xuân đã hiến dâng trên miền đá. Những cựu thanh niên xung phong từ Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hải Dương, Nam Định, Hà Giang…, vẫn nhớ như in bao mùa Đông khô khốc, rét tê tái. Đó là khoảng thời gian có lẽ là vất vả nhất trong đời đối với mỗi nam, nữ thanh niên xung phong trên công trường. Nhưng đá núi cao và sắc nhọn, sự khắc nghiệt của thời tiết công trường đã phải khuất phục, nằm dưới chân của những con người có tinh thần cứng cỏi hơn đá – Thực sự đó là tinh thần của “thép đã tôi thế đấy”!.

Một cái kết rất đẹp được một cựu thanh niên xung phong tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Phương Duy kể lại, tôi và bà Nguyễn Thị Ái Thanh yêu nhau khi cùng tham gia mở đường Đồng Văn – Mèo Vạc. Năm 1965 khi hoàn thành con đường, niềm vui khôn tả khi chúng tôi được Ban Chỉ huy công trường tổ chức lễ cưới ngay tại đây, khi đó chúng tôi cùng 22 tuổi. Ngày con đường hoàn thành cũng là ngày hạnh phúc vô cùng với mỗi thanh niên xung phong, mỗi dân công và người dân Cao nguyên đá. Một tấm bia đá được đặt trang trọng tại thị trấn Mèo Vạc ghi lại những con số đầy hào hùng về công trường đá. Đó là những con số lịch sử mà các thế hệ tiếp nối chúng ta và mai sau không được phép quên.

Miền đá “nở hoa”, cuộc sống đồng bào ngày càng ấm no. Thành quả của con đường Hạnh Phúc thuộc về nhân dân như lời đồng chí Phạm Đình Dy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đã nói. Nhưng nhớ lại ngày lịch sử khởi công con đường này (10.9.1959), chúng ta cần phải ghi ơn sâu sắc người kiến trúc sư trưởng của con đường đồng chí Phạm Đình Dy, của người Bí thư Tỉnh ủy với tinh thần dám nghĩ, dám làm khi đó là đồng chí Nguyễn Văn Xã. Tinh thần dám nghĩ, dám làm và quyết tâm trong hoàn cảnh khó khăn khi đó của Đảng bộ, chính quyền, của thanh niên xung phong và nhân dân khi ấy cũng chính là việc học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy; một bài học để các thế hệ tiếp nối noi gương, học tập, để cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển của miền đất cực Bắc Hà Giang.

HUY TOÁN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202409/ky-niem-65-nam-ngay-khoi-cong-duong-hanh-phuc-1091959-1092024-duong-hanh-phuc-con-duong-cua-tinh-than-dam-nghi-dam-lam-c601bf9/