Đường liên thôn A Rom - Pa Ring - Cân Sâm (Thừa Thiên - Huế): Dự án kết thúc nhưng đường vẫn… chưa làm xong

Công trình đường liên thôn A Rom - Pa Ring - Cân Sâm (xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được đầu tư xây dựng từ lâu, dự án đã kết thúc vào cuối 2020, nhưng hiện nay đường vẫn… chưa thể thông tuyến.

Công trình đường giao thông thi công dang dở, nay đã bị hoang hóa, gây lãng phí.

Công trình đường giao thông thi công dang dở, nay đã bị hoang hóa, gây lãng phí.

Thi công dang dở rồi để đó

Công trình giao thông đường liên thôn A Rom và Pa Ring - Cân Sâm được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt thuộc danh sách các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ tại Quyết định 1379/QĐ-UBND ngày 16/7/2015, thuộc dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2, tỉnh Thừa Thiên - Huế (dự án BCC). Công trình do BQL dự án BCC tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư. Cty TNHH Thương mại và Xây dựng Huy Hoàng là đơn vị trúng thầu thi công.

Công trình dài khoảng 500m, nền đường 3,5m, dẫn vào rừng sản xuất của các hộ dân thôn A Rom và Pa Ring - Cân Sâm. Công trình được đầu tư xây dựng từ nhiều năm, nhưng đến nay không được sử dụng do chủ đầu tư chỉ triển khai dự án từ đầu tuyến (giao với QL49) vào đến rừng sản xuất. Khi gặp đoạn khe suối với vực khá sâu, còn 200m nữa, thì ngưng thi công từ đó đến nay.

Việc đầu tư xây dựng đường nhưng không sử dụng đã gây ra sự lãng phí, trong khi đó người dân nơi đây rất cần đường vào khu sản xuất. Một hộ dân ngụ thôn A Rom, trồng rừng tại khu vực này cho biết, khi tuyến đường được xây dựng, bà con nơi đây rất vui mừng vì có đường đi vào nơi sản xuất, vận chuyển keo tràm khi thu hoạch. Tuy nhiên, đơn vị thi công chỉ làm từng đoạn vài chục mét, các đoạn qua khe suối thì không đổ nền. Đặc biệt, đoạn cuối tuyến còn 200m nữa nhưng không thi công. Từ đó đến nay tuyến đường dần bị hoang hóa.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, ông Lê Văn Hợi, tại khu vực thôn A Rom và Pa Ring - Cân Sâm có 135 hộ dân chủ yếu làm rừng sản xuất, nên đường chưa thông tuyến rất khó khăn cho người dân. Khu vực đã được đấu nối với đường sản xuất thuộc Chương trình 135 đầu tư trên địa bàn xã với tổng chiều dài (cả 2 tuyến nối nhau) khoảng 1km. Đây là khu vực có địa hình khá bằng phẳng, ổn định, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xã đã bố trí tái định cư 6 hộ dân ở khu vực này, trong tương lai sẽ tiến hành di, giãn dân đến khu vực này. “Do vậy, tuyến đường thi công dang dở, chưa thông tuyến; vừa gây lãng phí, vừa khó khăn cho việc đi lại, sản xuất của bà con”, ông Hợi nói.

“Trong các kỳ tiếp xúc cử tri, xã đã đề xuất tiếp tục thi công công trình nhằm phục vụ sản xuất và yêu cầu các đơn vị liên quan, khi tiến hành khảo sát các công trình xây dựng trên địa bàn xã phải có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, tránh sự lãng phí, thi công dang dở như dự án trên”, ông Hợi cho biết thêm.

Bổ sung công trình vào danh mục đầu tư công trung hạn

Hiện công trình trên được đánh giá chỉ hoàn thành được 80% khối lượng công việc so với toàn tuyến. Theo BQL dự án BCC Thừa Thiên - Huế, trong quá trình thi công, đơn vị đã tích cực phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan để đẩy nhanh tiến độ công trình, nhưng đến nay không thể thông tuyến được là do hồ sơ thiết kế chưa đảm bảo về an toàn kỹ thuật.

Cụ thể, hiện trạng đoạn đường này băng qua một khe suối, vực sâu từ 4-5m. Về mùa mưa, ở khu vực này nước chảy xiết, tràn qua đường, dẫn đến tình trạng gây xói lở và hư hỏng đường. Tuy nhiên, trong hồ sơ thiết kế thời điểm xây dựng gần 10 năm trước, ở khu vực này lại không có cống thoát nước.

Thời điểm đó, BQL dự án BCC đã phối hợp các cơ quan liên quan, thiết kế lại bản vẽ, đã bổ sung thêm cống thoát nước vào trong hồ sơ thiết kế, gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm tra làm cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện.

Nhưng việc bổ sung thêm cống thoát nước đã làm thay đổi báo cáo kinh tế kỹ thuật và làm tăng tổng mức vốn đầu tư đã được UBND tỉnh và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phê duyệt ban đầu, nên phía ADB không chấp thuận, dẫn đến đơn vị gặp khó khăn trong việc triển khai thi công phần còn lại của tuyến đường. Đến cuối 2020, dự án BCC đã kết thúc.

Để hoàn thiện phần còn lại của tuyến đường, đưa công trình vào phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của cho bà con, vừa qua UBND tỉnh đã giao UBND huyện A Lưới rà soát, bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn cơ sở hạ tầng thuộc Dự án 4, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Khi bổ sung danh mục đầu tư, sẽ tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến còn lại, đưa vào sử dụng.

Dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2 được thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2019, tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Tại Thừa Thiên - Huế, dự án triển khai tại 10 xã của 2 huyện Nam Đông và A Lưới (Thượng Quảng, Thượng Long, Hồng Vân, Hồng Trung, Hồng Kim, Hồng Hạ, Hương Phong, Hương Nguyên, A Roàng, Hương Lâm).

Thùy Nhung

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/duong-lien-thon-a-rom-pa-ring-can-sam-thua-thien-hue-du-an-ket-thuc-nhung-duong-van-chua-lam-xong-post467655.html