'Dương quang phổ chiếu' - sự đè nén dưới ánh Mặt Trời
'A Sun' - tác phẩm gây tiếng vang lớn của đạo diễn Chung Mạnh Hoành - là đại diện của điện ảnh Đài Loan (Trung Quốc) tại Oscar 2021.
Thể loại: Chính kịch, tâm lý
Đạo diễn: Chung Mạnh Hoành
Diễn viên: Trần Dĩ Văn, Vu Kiến Hòa, Hứa Quang Hán
Đánh giá: 8/10
Thông qua một gia đình gồm bốn người, A Sun (Dương quang phổ chiếu) - bộ phim chính kịch của đạo diễn Chung Mạnh Hoành - khai thác chủ đề tội lỗi và cách mỗi cá nhân đối diện với tội lỗi.
Bộ phim từng gây tiếng vang khi “càn quét” giải thưởng Kim Mã lần thứ 56 với 11 đề cử, giành chiến thắng ở 6 hạng mục, trong đó có Phim truyện và Đạo diễn xuất sắc.
Sức hấp dẫn của câu chuyện đã giúp tác phẩm tiếp tục được chọn làm đại diện của Đài Loan (Trung Quốc) tham gia tranh giải Oscar 2021 tại hạng mục Phim quốc tế xuất sắc.
Tội ác bắt đầu vào một đêm mưa
Cảnh mở màn của A Sun tuy ngắn nhưng đầy bạo lực, phần nào gợi nhớ A Touch of Sin (Chạm đáy tội ác) của Giả Chương Kha. Trong một đêm tầm tã, hai thanh niên khoác áo mưa chở nhau trên chiếc xe môtô vừa đánh cắp, chạy băng băng giữa quốc lộ vắng người. Họ dừng xe tại một nhà hàng, ánh mắt láo liên như đang tìm kiếm ai đó. Máy quay đặt sau lưng một trong hai, và người xem theo chân gã xông thẳng vào nhà bếp rồi tiến tới bàn tiệc.
Rất nhanh sau đó, nam thanh niên không hề do dự, vung dao chém ngay một thực khách. Khán giả không biết chuyện gì xảy ra xung quanh, chỉ nghe thấy tiếng rên la của nạn nhân. Anh ta ôm cánh tay, nằm giãy giụa như một con giun giữa sàn nhà. Phân đoạn kết thúc bằng hình ảnh một bàn tay năm ngón, co rụp lại, rồi nổi bồng bềnh giữa nồi súp đang nghi ngút khói.
Họ là A Hòa (Vu Kiến Hòa) và Thái Đầu (Lưu Quán Đình). Cả hai đều chưa thành niên, sinh ra trong những gia đình lao động phổ thông ở Đài Loan. So với bạn, Thái Đầu có số phận bi đát hơn khi mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang sống với người bà lớn tuổi.
Tối hôm đó, A Hòa thực chất chỉ muốn nhờ Thái Đầu đi cùng để dọa kẻ bắt nạt mình, nhưng không ngờ gã lại ra tay tàn độc. Sự việc khiến cả hai đều bị đưa vào trại giáo dưỡng. A Hòa nhận án phạt một năm rưỡi, còn Thái Đầu thì lâu gấp ba.
Nếu xếp A Sun vào thể loại tội phạm (crime) cũng đúng, mà đặt vào dòng bi kịch gia đình (family drama) cũng chẳng sai. Thay vì tập trung vào Thái Đầu, bộ phim đưa người xem “đột nhập” vào cuộc sống của từng thành viên trong gia đình A Hòa.
Với lối kể chuyện tuyến tính, Chung Mạnh Hoành chia bộ phim thành hai phần: trước và sau khi hai thiếu niên ra khỏi trại giáo dưỡng. Trong đó, nửa đầu thiên về nghiên cứu nhân vật (character study) khi đạo diễn liên tục khai thác tâm lý và số phận của họ kể từ khi sự việc đáng buồn xảy ra.
Nhan đề “Mặt Trời” với nhiều tầng nghĩa
Trong gia đình, mẹ là người gần gũi với A Hòa nhất. Bà Trần (Kha Thục Cần), một thợ làm tóc, thường xuyên vào trại hỏi thăm con trai, bất chấp thái độ trái ngược của chồng, chỉ “mong nó bị giam cho đến khi chết già”.
Ông Trần (Trần Dĩ Văn), một thầy dạy lái xe ôtô, thậm chí còn không màng đến tòa xin cho con một cơ hội. Trong mắt của bố, A Hòa gần như người vô hình. Khi cậu từ trại trở về nhà, ông bình thản ngồi xem TV, chẳng quan tâm đến sự có mặt của con.
Hình ảnh “Mặt Trời” trong nhan đề gợi mở đến những điều tươi sáng, đẹp đẽ, nhưng bộ phim của Chung Mạnh Hoành lại nhuốm màu sắc đen tối, buồn bã. Thực tế, tựa tiếng Anh của tác phẩm mang nhiều ý nghĩa hơn thế.
Từ “sun” (Mặt Trời) trong tiếng Anh có phát âm giống với “son” (con trai). Đạo diễn dùng mạo từ “a” (chỉ điều không xác định) thay vì chữ “the”, dù sự thật hiển nhiên là chỉ có một ngôi sao được gọi là Mặt Trời. Cách tựa đề bị đặt sai ngữ pháp hệt như cách dạy con sai lầm mà ông Trần áp dụng với hai cậu con trai của mình.
Đối với ông Trần, “Mặt Trời” duy nhất của ông là A Hào (Hứa Quang Hán) - anh trai của A Hòa. Mỗi khi có ai hỏi về con trai, ông trả lời mình chỉ có một. Sự hắt hủi của người bố khiến cho A Hòa vô tình rơi vào vòng xoáy tội lỗi, dù bản chất của cậu vẫn rất lương thiện.
Ở trong trại, A Hòa nhờ mẹ mua hộ năm quả trứng sắt để mời bạn cùng phòng - những kẻ vừa đánh mình tơi tả. Ra khỏi trại, cậu nhanh chóng tìm việc làm, quyết tâm sống một cuộc đời tử tế để chuộc lại lỗi lầm.
Ngược lại, A Hào là ánh dương rực rỡ mà A Hòa không bao giờ chạm tới được. Gương mặt điển trai, tương lai sáng sủa, A Hào như tia hy vọng duy nhất của gia đình họ Trần. Người bố lạnh nhạt với cậu con út bao nhiêu, thì lại hồ hởi với cậu con lớn bấy nhiêu. Thậm chí, ông Trần còn chu đáo đến mức tìm đến tận nơi A Hào học để đưa học phí, không quên tặng kèm cuốn sách với khẩu ngữ quen thuộc ở bìa: “Nắm bắt thời gian, quyết định phương hướng”.
Ánh “Mặt Trời” chói chang ở trên cao còn là biểu tượng cho những áp lực mà gia đình và xã hội đè nặng lên vai của hai chàng trai trẻ. Người con sau khi bị bố nhồi nhét quá nhiều tư tưởng bỗng dưng trở nên hoài nghi với cuộc đời của bản thân. Nếu A Hòa đại diện cho con người bình thường với nhiều lầm lỗi, thì A Hào chính là hình ảnh phản chiếu cho sự hoàn hảo nhưng không dễ tồn tại trên đời.
Khác với các nhân vật còn lại, A Hào thường xuất hiện trong phim với những cảnh quay mang đậm tính siêu thực (surreal). Có khi, anh tỉnh dậy sau một giấc mơ và thấy xung quanh mình không còn ai cả. Khi khác, anh kể lại câu chuyện của Tư Mã Quang đầy u ám trước sự mơ hồ của bạn gái.
Dấu ấn đạo diễn của Chung Mạnh Hoành
Dù cách biệt gần ba thập kỷ, A Sun của Chung Mạnh Hoành có nhiều điểm tương đồng với A Brighter Summer Day (Một ngày hè tươi sáng hơn) của cố đạo diễn Dương Đức Xương.
Cả hai đều lột tả hoàn hảo tâm trạng lạc lõng của thế hệ trẻ, sự đứt gãy kết nối với gia đình khi đứng trước một xã hội tiềm ẩn nhiều vấn đề. Ngay cả tựa đề của hai bộ phim cũng có ý gần giống nhau, gợi mở những điều tốt đẹp để che đậy sự thật đen tối của nội dung.
Chung Mạnh Hoành không phải là cái tên xa lạ đối với người yêu điện ảnh xứ Đài. Kể từ khi ra mắt tác phẩm đầu tay vào năm 2008, phim của ông liên tục nhận được đề cử tại giải thưởng Kim Mã danh giá. Bản thân ông từng được xướng tên ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc với tác phẩm The Fourth Portrait (2010).
A Sun là bộ phim dài thứ năm của nhà biên kịch, đạo diễn, kiêm quay phim (dưới nghệ danh Nagao Nakashima) sinh năm 1965. Ở lần tái xuất này, nhà làm phim tiếp tục đảm nhận cùng lúc ba vai trò quan trọng, trong đó kịch bản là do ông đồng sáng tác.
Ý tưởng bộ phim được đạo diễn nung nấu khá kỹ lưỡng, “mười hai tiếng mỗi ngày”, như ông chia sẻ. Kết quả của quá trình đó là một kịch bản rộng lớn với nhiều lớp lang, liên tục đan xen giữa những ám ảnh về tội ác và tấn bi kịch gia đình. Câu chuyện phức hợp ấy được kể lại một cách dung dị trong thời lượng 156 phút - khoảng thời gian tương đối dài, nhưng không thể hợp lý hơn để truyền tải những cảm xúc bị dồn nén.
Giữa nhịp phim chậm rãi và buồn tênh, thi thoảng Chung Mạnh Hoành vẫn biết cách lôi kéo sự chú ý của khán giả bằng sự hài hước đến bất ngờ. Chẳng hạn như khi A Hòa gây mâu thuẫn với bạn trong trại nhưng vẫn tìm cách dạy hắn làm phép nhân, hay khi ông Trần bị bố nạn nhân bám riết đến mức phát hoảng, không nắm bắt được “thời gian”, mà cũng chẳng quyết định được “phương hướng”.
Từng nhân vật trong phim, dù chính hay phụ, đều hiện lên một cách sống động và rõ nét. Dường như ai cũng có một câu chuyện riêng để kể. Người mẹ không giấu nổi vẻ mặt khắc khổ, loay hoay tìm cách kết nối hai bố con; người bố nóng nảy, dễ nổi giận như vẫn còn điều gì hậm hực với đời; người con cả lạc lõng trong thế giới nội tâm của bản thân, bất lực khi nhìn em trai loay hoay ở phía sau song sắt…
“Thứ công bằng nhất trên thế giới chính là Mặt Trời”, câu thoại của A Hào sẽ khiến người xem trăn trở khi bộ phim khép lại. Mặt Trời chỉ xuất hiện vào ban ngày, không thể soi rọi mọi nơi, nhưng sẽ luôn công bằng với tất cả. Đó là lý do cái ác trong phim xảy ra trong đêm, nhưng luôn được làm rõ vào ban ngày, dưới ánh sáng phổ chiếu của Mặt Trời.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/duong-quang-pho-chieu-su-de-nen-duoi-anh-mat-troi-post1183848.html