Đường sắt cao tốc Bắc Nam đi vòng qua Nam Định có hiệu quả không?

Một trong những vấn đề được dư luận rất quan tâm trong đề án phát triển đường sắt cao tốc Bắc Nam là việc tuyến đường sắt này sẽ đi qua tỉnh Nam Định, làm tăng chi phí đầu tư do hướng tuyến không thẳng.

Kết nối với Nam Định cho hiệu quả khai thác tuyến cao hơn

Chính phủ vừa trình Quốc hội đề án chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Theo phương án được đề xuất, tuyến đường đi qua 20 tỉnh thành, trong đó ga phía Bắc lần lượt là Ngọc Hồi (Hà Nội), Phủ Lý (Hà Nam), Nam Định và Ninh Bình. Tại Nam Định, nhà ga dự kiến đặt tại xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, cách ga Nam Định của tuyến đường sắt hiện hữu ở trung tâm thành phố khoảng 7 km.

Một trong những vấn đề được dư luận rất quan tâm là việc tuyến đường sắt này sẽ đi qua tỉnh Nam Định, vị trí ga gần trung tâm TP Nam Định. Nhiều ý kiến cho rằng hướng tuyến như vậy là đi "vòng", ảnh hưởng đến chi phí đầu tư cũng như chi phí vận hành khai thác. Ngoài ra, điều này không đáp ứng được chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà là "bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể".

Đường sắt cao tốc Bắc Nam dự kiến sẽ đi qua tỉnh Nam Định.

Đường sắt cao tốc Bắc Nam dự kiến sẽ đi qua tỉnh Nam Định.

Tại buổi họp gần đây của Hội đồng thẩm định Nhà nước, tư vấn thẩm tra cho rằng hướng tuyến đang thiết kế quá nhiều đường cong (tổng chiều dài đường cong lên đến 550,177 km/1.540,60 km chiều dài tuyến, chiếm đến 35,70% tổng chiều dài của dự án).

Đặc biệt là đoạn tuyến vòng qua Nam Định làm cho tuyến không thẳng, ảnh hưởng cả đến chi phí đầu tư cũng như chi phí vận hành khai thác. Đồng thời hướng tuyến này chưa đáp ứng theo chỉ đạo phải duỗi thẳng tuyến theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.

Vì vậy, tư vấn thẩm tra kiến nghị trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi cần điều chỉnh tổng thể hướng tuyến đoạn qua Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình, điều chỉnh vị trí ga Nam Định. Mục đích, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật khai thác chung tàu khách 320 km/h và tàu hàng container 120 km/h, duỗi thẳng hướng tuyến để rút ngắn chiều dài, đảm bảo êm thuận trong khai thác, giảm chi phí đầu tư và giảm chi phí khai thác vận hành.

"Theo kinh nghiệm quốc tế, việc sử dụng quá nhiều đường cong để kết nối vị trí ga Nam Định trong thành phố là không phù hợp và cần phải điều chỉnh vị trí nhà ga ra ngoài đô thị theo hướng duỗi thẳng bình đồ tuyến.

Tương tự, cũng cần xem xét vị trí hướng tuyến và nhà ga đoạn qua TP Đồng Hới, TP Huế, TP Nha Trang để lựa chọn các vị trí nhà ga tránh khu vực ngập úng, đảm bảo yêu cầu phát triển đô thị bền vững trong tương lai…"- tư vấn thẩm tra cho biết thêm.

Lý giải việc này, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, ga Nam Định đã được nghiên cứu đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành, quốc gia, vùng và tỉnh, được địa phương thống nhất qua nhiều lần họp bàn. Ngoài người dân Nam Định, tuyến đường sắt tốc độ cao còn phục vụ cho cả vùng gồm tỉnh Hà Nam, Thái Bình, một phần phía đông nam Hải Dương, Hưng Yên với quy mô khoảng 4 triệu dân.

Ga Nam Định giữ vai trò quan trọng để kết nối hành lang Bắc Nam với đồng bằng sông Hồng. Đây là khu vực phát triển công nghiệp dệt may, đông dân cư, nhu cầu đi lại cao. Nếu hướng tuyến không đi qua tỉnh Nam Định sẽ không phát huy được hiệu quả kết nối, không phù hợp với các quy hoạch đã được duyệt và không đáp ứng được nhu cầu người dân. Thực tế cho thấy trên tuyến đường sắt hiện hữu, ga Nam Định đang là điểm lên xuống của lượng khách lớn, việc kết nối với Nam Định sẽ đem lại hiệu quả lớn khi khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao.

Xem lại hướng, tuyến đảm bảo hiệu quả cao nhất

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, phương án hướng tuyến kết nối trung tâm thành phố Nam Định khiến chi phí đầu tư tăng thêm khoảng 476,33 triệu USD và chi phí vận hành khoảng 20,36 triệu USD (xét cả chu kỳ dự án khoảng 30 năm). Nhưng nếu không đầu tư xây dựng ga khách này, chi phí tiêu tốn cho việc di chuyển từ trung tâm thành phố đến vị trí ga Phủ Lý hoặc ga Ninh Bình sẽ tăng thêm khoảng 1,6 tỉ USD.

Theo TS Nguyễn Đức Minh, chuyên gia về giao thông đường sắt, nếu duỗi thẳng hướng tuyến, đường sắt tốc độ cao sẽ từ ga Phủ Lý xuống ga Ninh Bình, bỏ qua ga Nam Định. Hoặc nếu bố trí ga Nam Định trên tuyến đường thẳng, tức gần với ga Phủ Lý thì sẽ ở xa trung tâm tỉnh và vùng, sức hấp dẫn kém và không đảm bảo các ga phải cách nhau tối thiểu 30 km.

Hơn nữa, trong tương lai ga Nam Định sẽ kết nối thuận lợi với các tuyến đường sắt, ngoài tuyến hiện hữu còn nối đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng đầu tư tuyến này khổ 1.435 mm sau năm 2030, khi đó sẽ kết nối được các tỉnh duyên hải phía Bắc với đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tăng hiệu quả khai thác vận tải.

Trước đó, ngày 14/10, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước) để nêu ý kiến về vị trí ga Nam Định trong hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Địa phương này cho biết Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng tầm nhìn 2050 đã xác định TP.Nam Định là trung tâm tiểu vùng phía nam, gắn với hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, là đầu mối liên kết vùng về đường sắt Bắc - Nam và đường sắt kết nối Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.

"Việc điều chỉnh hướng tuyến và vị trí nhà ga sẽ không chỉ phá vỡ hệ thống quy hoạch của tỉnh Nam Định mà còn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân của địa phương và khu vực các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình…", UBND tỉnh Nam Định nêu vấn đề.

Do đó, địa phương đề nghị giữ nguyên hướng tuyến và vị trí nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua tỉnh Nam Định tại địa bàn phường Hưng Lộc như đã nêu trong báo cáo tiền khả thi.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong các bước triển khai tiếp theo, trên cơ sở số liệu khảo sát chi tiết, hướng tuyến, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh cục bộ hướng tuyến nếu cần thiết.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến dài 1.541 km, có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, tổng mức đầu tư sơ bộ 67,34 tỷ USD. Đây sẽ là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h, thời gian đi lại giữa Hà Nội và TP HCM khoảng 5,5 giờ.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/duong-sat-cao-toc-bac-nam-di-vong-qua-nam-dinh-co-hieu-qua-khong-169241024105556632.htm