Đường sắt tốc độ cao: Ăn sáng Hà Nội - ăn trưa Sài Gòn

Tiếp tục thông tin về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong dự thảo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này được công bố với báo chí hôm qua, Chính phủ nhận định nếu được Quốc hội thông qua thì đây là một 'công trình thế kỷ'. Do đó, quyết định của Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 sẽ là 'thời khắc lịch sử', quyết định Việt Nam có thể chính thức bước vào thập niên đường sắt cao tốc hay không. Tại thời điểm này, dư luận đang rất quan tâm đến dự án đặc biệt có thể giúp người dân 'ăn sáng Hà Nội - ăn trưa Sài Gòn' này. Ngay sau đây là một vài đặc điểm về phương án thiết kế và các tiện ích để quý vị có thể hình dung được sơ lược về công trình đường sắt tốc độ cao.

Tại dự thảo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Chính phủ đã lựa chọn phương án tốc độ tối đa 350 km/giờ.Theo lí giải thì tốc độ 250 km/giờ đã phát triển cách đây khoảng 50 năm và phù hợp với các tuyến ngắn và trung bình.

Còn tốc độ 350 km/giờ và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến dài từ 800 km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của nước ta.

Với tốc độ này, đi từ Hà Nội đến TPHCM sẽ mất 5h30 phút, nhanh hơn gấp khoảng 6 lần so với đi tàu nhanh nhất hiện tại của Đường sắt Việt Nam (33h), và chỉ hơn 2,5 lần thời gian đi máy bay (hiện đang là 2 giờ 10 phút)

Viễn cảnh đi tàu cao tốc Bắc - Nam để "ăn sáng Hà Nội, ăn trưa Sài Gòn" sẽ được hiện thực hóa.

Với chiều dài 1.541 km, Tuyến đường sắt tốc độ cao bố trí 23 ga hành khách. Dự kiến đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, trong đó mỗi địa phương bố trí 1 ga khách gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.

Giá vé đường sắt tốc độ cao dự kiến bằng khoảng 75% giá vé máy bay trung bình của hàng không giá rẻ và hàng không phổ thông.
Để phù hợp với khả năng chi trả, thu hút hành khách, vé đường sắt tốc độ cao chia làm 3 mức giá tương ứng với các đối tượng, mức độ tiện nghi khác nhau.

Giá vé đề xuất không có sự khác biệt lớn đối với các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam, thấp hơn hàng không, cao hơn đường bộ nhưng chất lượng dịch vụ cao và tiết kiệm thời gian. Nếu được thông qua thì dự án sẽ được khởi công vào năm 2027 và hoàn thành vào năm 2035.

Câu hỏi được dư luận quan tâm hiện nay là: Nguồn vốn nào để đầu tư đường sắt tốc độ cao. Đây cũng là vấn đề được quan tâm đặc biệt đối với dự án trong các lần trình trước đây. Kể từ khi được tái khởi động sau động thái phủ quyết của Quốc hội vào tháng 5.2010 đến nay, dự án có quy mô lớn nhất VN đã trải qua hơn 1 thập niên "nâng lên đặt xuống".

Nếu như trước đây đề xuất cao tốc Bắc - Nam đạt tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tổng mức đầu tư gần 56 tỉ USD đã không nhận được đa số ý kiến đồng thuận từ các đại biểu Quốc hội do lo ngại tổng mức đầu tư quá lớn kéo theo gánh nặng nợ công, trong bối cảnh đất nước khi đó còn nhiều dự án cần ưu tiên hơn. Thì tại lần trình này, các điều kiện về năng lực tài chính của Việt Nam hiện đã chín muồi hơn rất nhiều cho siêu dự án này.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Nguyễn Duyên - Trương Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/duong-sat-toc-do-cao-an-sang-ha-noi-an-trua-sai-gon-238278.htm