Đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra kỳ tích

Tuyến đường sắt tốc độ cao chắc chắn sẽ tạo ra kỳ tích phát triển kinh tế, tạo nền tảng về hạ tầng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Với tính chất "đi trước mở đường", giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó. Từ đó tạo ra sự phát triển đồng bộ và đồng đều giữa các khu vực trên cả nước.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhìn tổng thể các nền kinh tế hiện nay, một yếu tố mới để tạo ra lợi thế cạnh tranh và động lực để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững chính là tốc độ di chuyển. Khoa học kinh tế trong tương lai có thể sẽ thừa nhận yếu tố này. Tốc độ di chuyển sẽ được đặt cạnh các yếu tố cơ bản, truyền thống khác như quy mô dân số, tài nguyên khoáng sản.

Với lý do đó, nếu chọn đột phá ở thời điểm hiện tại thì chính là giao thông đường sắt, mà cụ thể là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Tuyến đường sắt tốc độ cao này chắc chắn sẽ tạo ra kỳ tích phát triển kinh tế, tạo nền tảng về hạ tầng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đồng thời với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, cần tiếp tục phát triển hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối cao, áp dụng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường ở mức tối đa. Thông thường tốc độ di chuyển nhanh thì ô nhiễm môi trường do tham gia giao thông cũng sẽ giảm.

Thông thường, bài toán kinh tế đối với phát triển hạ tầng chiến lược không phải quá khó.

Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có 23 ga hành khách, tại mỗi điểm ga hành khách, tính trung bình với bán kính 2km, sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 12,56km2. Với 23 ga thì diện tích sẽ là hơn 288km2.

Nếu tính mật độ đất ở, đất thương mại chiếm khoảng 30% thì diện tích đất có thu tiền sử dụng đất là 86,6km2. Nếu tính giá trung bình là 20 triệu đồng/m2, số tiền sử dụng đất thu được đã đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, đảm bảo cân đối được nguồn lực đầu tư.

Theo tôi, cần nêu rõ quan điểm là lợi ích quỹ đất xung quanh các ga của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải thuộc về Nhà nước. Nhà nước thu hồi theo đơn giá và tổ chức bán đấu giá.

Nguồn thu được có thể điều tiết 25% cho ngân sách các địa phương và nhiệm vụ giải phóng mặt bằng giao cho các địa phương. Quy hoạch như vậy cũng sẽ thúc đẩy sắp xếp bố trí dân cư, nhà máy, sử dụng đất hiệu quả.

Trong phát biểu gần nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, cần phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc". Tinh thần 5 "tự" này là rất cần thiết. Dự án chỉ có thể thành công khi chúng ta phát huy tinh thần này.

Việc đầu tư đường sắt tốc độ cao không chỉ mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất, phát triển công nghiệp xây dựng mà còn phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, giảm ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, tạo ra hàng triệu việc làm.

Nếu huy động trí tuệ, tài lực, vật lực ở trong nước, Việt Nam hoàn toàn làm chủ xây dựng, vận hành, bảo trì và sửa chữa. Khi đã làm chủ được thì quá trình thực hiện dự án sẽ rất nhanh chóng.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/duong-sat-toc-do-cao-se-tao-ra-ky-tich-192241021225131885.htm