Đường 'vượt biên' của những chiếc ngà voi

Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) Chương trình Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam không chỉ là nơi tiêu thụ khá mạnh động vật hoang dã (ĐVHD) và các sản phẩm từ ĐVHD, mà còn là điểm trung chuyển quan trọng trong các tuyến đường buôn bán trái pháp luật xuyên quốc gia và xuyên lục địa.

Từ các vụ bắt giữ cho thấy, ĐVHD bị buôn bán trái phép không chỉ có nguồn gốc trong nước, nhiều loài có nguồn gốc nước ngoài như tê giác Châu Phi, voi Châu Phi, các loài mèo lớn, gấu, tê tê, rùa nước ngọt… đang được buôn bán, tiêu thụ và trung chuyển qua Việt Nam.

Tình trạng buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia đang ngày càng tinh vi hơn để luồn lách qua những kẽ hở của luật pháp, dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài ĐVHD ở Việt Nam, đồng thời tiếp tay cho nạn thảm sát ĐVHD trên thế giới với mức độ báo động.

Cách đây 4 năm, một đường dây buôn bán ngà voi xuyên quốc gia tinh vi được phát hiện, triệt phá phần nào minh chứng cho vấn nạn này.

Những chuyến hàng bí mật

Đầu tháng 5-2015, qua công tác khảo sát địa bàn, nắm tình hình và nguồn tin từ quần chúng, trinh sát Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, môi trường CATP Lào Cai, tỉnh Lào Cai phát hiện dấu hiệu một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ngà voi với số lượng lớn qua địa bàn để đưa sang bên kia biên giới.

Thông tin là vậy, nhưng với đường biên giới dài với rất nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở thông thương qua lại giữa hai bên Việt Nam - Trung Quốc, hoạt động của tội phạm buôn lậu đã thành điểm nóng. Vậy nên, việc xác định đường dây cũng như đối tượng là việc rất khó khăn.

Tiến hành xác minh nguồn tin, tích cực nắm tình hình, trinh sát xác định, thông tin trên có tính chính xác cao. Xác định Lào Cai là địa bàn trung chuyển ngà voi của một đường dây buôn lậu hàng cấm xuyên quốc gia, xuất phát từ sân bay về Hà Nội sau đó đi xe khách lên Lào Cai rồi sang Trung Quốc, CATP Lào Cai đã nhanh chóng xác lập chuyên án 167K để tập trung lực lượng đấu tranh. Mọi di biến động của các đối tượng trong đường dây dược các trính sát lập thành 3 tổ công tác theo dõi chặt chẽ 24/24.

Tuy nhiên, với số hàng hóa có giá trị kinh tế cao, các đối tượng thường hết sức cảnh giác, thủ đoạn hoạt động cũng cực kỳ tinh vi. Chúng luôn thay đổi lộ trình, phương tiện hoạt động nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Nắm được quy luật hoạt động của đường dây, ngoài đeo bám các đối tượng, các trinh sát cũng tăng cường giám sát các điểm nóng về buôn lậu qua biên giới Trung Quốc. Các trinh sát phát hiện, số đối tượng tại Lào Cai thường tránh xuất hiện mà hầu như chỉ sử dụng điện thoại liên lạc để điều hành hoạt động của đường dây. Đã có thời điểm, các trinh sát tưởng như các đối tượng chuyển hàng nên chuẩn bị tiến hành bắt giữ, thế nhưng qua công tác xác minh thì đó chỉ là trò nghi binh.

Lộ diện đường dây

Nhận thấy đường dây này tuy có thủ đoạn hoạt động hết sức tinh vi, không theo một quy luật nhất định nào, thường xuyên thay đổi, nhưng điểm tập kết cuối cùng vẫn là TP.Lào Cai trước khi chúng giao dịch với đối tác, Ban chuyên án quyết định tung trinh sát theo dấu đối tượng tại 2 đầu mối chuyển hàng của đường dây, đồng thời phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm tại địa điểm nghi vấn đối tượng thực hiện giao dịch.

Kết quả, Ban chuyên án phát hiện, có một nhóm đối tượng thuê phòng tại khách sạn ở phường Duyên Hải, TP.Lào Cai thường xuyên có biểu hiện giao dịch với người nước ngoài, trong đó có kẻ thuộc chuyên án 167K. Yêu cầu toàn bộ khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn cung cấp thông tin về khách lưu trú, trinh sát thấy nổi lên đối tượng Tô Văn Ân, cư trú tại khu vực biên giới, là “cửu vạn” chuyên nghiệp, thường xuyên được các đối tượng đầu nậu thuê chuyển hàng sang bên kia biên giới.

Xác định được nhóm đối tượng nghi vấn, nhưng để bắt được chúng về hành vi vận chuyển hàng cấm là cả một vấn đề, bởi nếu không có đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội thì không thể bắt giữ. Đặc biệt, đối tượng Ân hoạt động tinh vi, xảo quyệt và hết sức kín đáo, nhưng cũng rất liều lĩnh, nên các trinh sát đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ khác của CATP, đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ.

Việc vận chuyển ngà voi tới sân bay, chứng tỏ chúng đã qua mặt được lực lượng an ninh hàng không, Hải quan, sau đó lại tiếp tục ngụy trang bằng cách gửi qua các công ty vận chuyển, ký gửi hàng hóa. Chúng còn nhiều lần thực tập chuyển hàng, nhằm chuẩn bị cho mẻ lưới lớn sang bên kia biên giới.

Dựng được nhân thân của các đối tượng, trinh sát xác định, ngoài các đối tượng vận chuyển thuê, thì những đối tượng trong đường dây hầu hết sống tại khu vực giáp biên giới, từng có thời gian làm ăn, buôn bán bên Trung Quốc. Bản thân Tô Văn Ân (SN 1979, có hộ khẩu ở đội 8, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, Lào Cai) nhưng hiện ở tại phường Phố Mới, TP.Lào Cai, từng bị cơ quan chức năng xử lý hành chính về hành vi vận chuyển hàng qua biên giới.

Hai đối tượng Ân-Tình và số tang vật trị giá 3 tỷ đồng

Hai đối tượng Ân-Tình và số tang vật trị giá 3 tỷ đồng

Khó khăn đặt ra cho Ban chuyên án là phải chọn chính xác được thời điểm phá án, quan trọng nhất là đảm bảo bắt giữ được đối tượng khi chúng đang chuyển hàng. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các lực lượng công tác cũng phải tính toán kĩ, bởi nếu hoạt động không đồng bộ thì các đối tượng thấy động sẽ bỏ trốn.

Thời điểm này, các đối tượng thường chọn các điểm giáp biên giới lúc nhập nhoạng tối để dễ bề vận chuyển hàng nhanh chóng qua đường tiểu ngạch, tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Ân cũng hết sức ranh ma khi lưu động rất nhiều địa phương, thường xuyên sang Trung Quốc, điều hành đường dây qua điện thoại bằng sim rác từ bên kia biên giới. Chỉ đến khi hàng hóa chắc chắn được thực hiện giao dịch an toàn thì hắn mới xuất hiện để giao tiền.

Quyết tâm không để lọt tội phạm, Ban chuyên án thu thập đầy đủ bằng chứng liên quan đến hành vi phạm tội của Ân.

Lúc này, nhiều phương án đánh bắt đối tượng được đặt ra rất tỉ mỉ. Ban chuyên án cũng không loại trừ tình huống các đối tượng chỉ gửi hàng qua xe khách rồi lên xe khác để bám theo chứ không trực tiếp theo xe áp tải, hoặc trên đường vận chuyển yêu cầu nhà xe chuyển hàng xuống ngang đường bất cứ chỗ nào trên dọc 300km tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Như vậy thì dù có bắt được hàng nhưng rất khó bắt được đối tượng đi theo áp tải, cũng có nghĩa không thể xử lý trước pháp luật.

Ngoài ra, với những đường dây vận chuyển hàng cấm, hàng có giá trị kinh tế cao, bọn chúng còn tổ chức theo dõi chính hoạt động của cơ quan công an nên Ban chuyên án còn phải có kế hoạch loại bỏ sự theo dõi, điều tra của bọn chúng.

Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ, Ban chuyên án quyết định “cất vó”. Ngày 13-5-2015, Ban chuyên án nhận được tin báo, các đối tượng đã gom được lượng lớn ngà voi, chuẩn bị chuyển về Lào Cai.

Một tổ công tác lập tức về Hà Nội, nơi các đối tượng nhận nguồn hàng. Tổ công tác khác theo dõi hành tung các đối tượng ở TP.Lào Cai. Chiều 13-5, trinh sát báo hàng đã lên xe khách tại bến Mỹ Đình, đang trên đường về Lào Cai. Kế hoạch bắt giữ được Ban chuyên án đặt ra trên tuyến Nội Bài-Lào Cai.

Các đối tượng liên tục yêu cầu chủ xe đi chậm, nhiều lần giả vờ dừng hẳn bên đường như đang xuống hàng dọc đường, hòng phát hiện sự theo dõi của cơ quan chức năng, tuy nhiên, mọi thủ đoạn đối phó đã không qua mặt được các trinh sát.

Đúng như dự đoán, sau khi xe về đến Bến xe Phố Mới ít phút thì có một người đàn ông đi xe máy BS: 24B1 - 675.00 đến đưa số điện thoại của người đã gửi hàng và nhận hai bao tải hàng chở thẳng về khu vực tổ 29, phường Duyên Hải, TP.Lào Cai.

Ngay khi vừa dừng xe, đối tượng đã bị lực lượng công an yêu cầu kiểm tra hàng hóa. Trước những tang vật không thể chối cãi, đối tượng khai tên là Lê Xuân Tình (SN 1969, trú tại tổ 23, phường Phố Mới, TP.Lào Cai.

Tình cho biết, 43 chiếc ngà voi (trọng lượng 106 kg) mà y vận chuyển là của Tô Văn Ân (trú tại tổ 4, phường Phố Mới). Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã dụ được Ân đến khu vực tạm giữ số ngà voi. Ngay lập tức, CATP Lào Cai tạm giữ Tình-Ân cùng số vật chứng trị giá 3 tỷ đồng.

"Ông trùm" đường dây hàng cấm xuyên quốc gia Vũ Trường Tam

"Ông trùm" đường dây hàng cấm xuyên quốc gia Vũ Trường Tam

Tại CQĐT, 2 đối tượng khai nhận, từ đầu năm 2015, Tô Văn Ân móc nối với đối tượng Vũ Trường Tam (SN 1984, trú huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), hình thành đường dây buôn lậu ngà voi từ Hà Nội lên Lào Cai.

Để có hàng xuất lậu sang Trung Quốc, bọn chúng mua gom ngà voi từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó tổ chức vận chuyển lên TP.Lào Cai và đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Và lần này, sau khi thu gom được 43 chiếc ngà voi, đang tiến hành vận chuyển thì bị bắt giữ. Tuy nhiên, do Tam đang ở Trung Quốc chờ, nên khi không thấy hàng vận chuyển sang như kế hoạch, nghi có “biến”, gã trùm hàng cấm nằm im nghe ngóng.

Ngày 22-5, khi đang tìm cách nhập cảnh vào Việt Nam sau 9 ngày bỏ trốn, Tam đã bị CATP Lào Cai phối hợp lực lượng Biên phòng bắt giữ tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Thanh Mai

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/duong-vuot-bien-cua-nhung-chiec-nga-voi_81297.html