Duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động

Trước những diễn tiến ngày càng khó lường của dịch COVID-19, hầu hết các công ty, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp Lâm Đồng đã xây dựng và chuẩn bị những phương án tốt nhất để có thể duy trì hoạt động sản xuất và đảm bảo đời sống cho công nhân, người lao động trước những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Nhiều công nhân cũng đã đăng kí ở lại cùng công ty duy trì hoạt động sản xuất

Nhiều công nhân cũng đã đăng kí ở lại cùng công ty duy trì hoạt động sản xuất

Trước khi dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến Lâm Đồng với những ca dương tính đầu tiên, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp (BQL) đã lên kế hoạch, kịch bản chi tiết các phương án phòng, chống dịch cụ thể, đồng thời tổ chức tập huấn, tiến hành diễn tập để tránh rơi vào thế thụ động khi có tình huống xảy ra với phương châm “Phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”. Tất cả các hoạt động trên đều được BQL phối hợp với Sở Y tế, CDC Lâm Đồng xuống trực tiếp hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, thông qua đó, đội ngũ y tế của các nhà máy có thể tự tiến hành kiểm tra từ những biện pháp phòng, chống cơ bản đến test nhanh lấy mẫu mà không phải chờ đợi lực lượng y tế của địa phương khi có sự cố xảy ra.

Tất cả các nhà máy tại hai khu công nghiệp Phú Hội (huyện Đức Trọng) và Lộc Sơn (TP Bảo Lộc) đều cắt cử người trong các ca trực có mặt 24/24h để kiểm tra, giám sát, tiến hành đo thân nhiệt tất cả người ra vào công ty, giám sát chặt chẽ việc đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn. Thực hiện việc kiểm soát người ra vào cơ quan, nhà máy hằng ngày đối với khách đến và đi thông qua mã QR Code của đơn vị. Các doanh nghiệp cũng phân công cán bộ thường xuyên cập nhật các địa điểm, mốc dịch tễ có ca bệnh thông qua các trang thông tin chính thức của Bộ Y tế, Cổng thông tin điện tử Lâm Đồng; qua đó, thông báo đến toàn bộ nhân viên, yêu cầu người lao động đã từng đến các mốc dịch tễ đang có dịch kịp thời khai báo đầy đủ cho cán bộ quản lý hoặc các đơn vị y tế trên địa bàn, để hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả. Không những thế, phương tiện đưa đón công nhân cũng thường xuyên được kiểm tra, phun khử khuẩn mỗi lần đến và đi. Tại các lối đi vào nhà máy, công ty, phân xưởng được bố trí, sắp xếp giãn cách theo đúng quy định; ở mỗi phân xưởng được bố trí lối đi riêng biệt, hạn chế tối đa việc tiếp xúc chéo giữa các phân xưởng làm việc. Nhà ăn được chia ca, bố trí ngồi so le, lắp vách ngăn và đánh số. Sau mỗi ca kíp, người lao động đều có từng khu để nghỉ ngơi với vách ngăn, đồng thời lãnh đạo nhà máy cũng quán triệt không tụ tập trong giờ nghỉ trưa hoặc giải lao.

Ông Đỗ Xuân Kiên - Phó BQL các Khu Công nghiệp Lâm Đồng cho biết: “Trong đợt kiểm tra liên ngành gần đây nhất cho thấy, hầu hết các công ty, nhà máy ở các khu công nghiệp đã có sự lo lắng và chuẩn bị mọi điều kiện vật chất để cho công nhân thực hiện chế độ 3 tại chỗ. Nhiều công ty đã chuẩn bị trước đó cả tháng chỉ chờ kích hoạt để thực hiện theo quy định”.

Thời gian sắp tới, để duy trì sản xuất, tất cả các doanh nghiệp đều phải thực hiện quy định 3 tại chỗ. Đây là bài toán khó đối với các nhà máy, xưởng sản xuất có lực lượng công nhân, người lao động đông. Bởi phần lớn, công nhân là lực lượng lao động địa phương, hết giờ làm là về nhà hoặc thuê phòng trọ. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán ăn, ở tại chỗ, nhiều doanh nghiệp đã linh động cho tiến hành giải phóng mặt bằng, kê dọn bớt những linh kiện, máy móc ở các phân xưởng, lấy không gian làm nơi nghỉ cho công nhân. Nơi nghỉ được ngăn vách bằng những tấm nhựa hoặc bìa cạc tông cứng, được trải nệm mỏng cùng chăn, gối, màn. Ngoài những nhà vệ sinh có sẵn, nhiều công ty lắp đặt thêm nhà vệ sinh lưu động, lắp thêm vòi sen và bình nước nóng, đáp ứng tối thiểu cho nhu cầu sinh hoạt. Thực phẩm thiết yếu như gạo, mắm, muối, đường, dầu ăn, mì gói... cũng được các doanh nghiệp mua trữ với số lượng lớn để có thể cung cấp liên tục đầy đủ cho bữa ăn hàng ngày của công nhân.

Tại Công ty TNHH May mặc FIRST TEAM (Khu Công nghiệp Lộc Sơn), trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các xưởng sản xuất của công ty luôn duy trì quy mô 1.700 công nhân. Sau khi bị tác động bởi dịch bệnh, FIRST TEAM đã tiến hành thông báo và giải quyết chế độ cho hơn 1.000 người lao động nghỉ tạm thời chờ phục hồi. Nhiều bộ phận được công ty ưu đãi cho hưởng 40 - 50% lương để ổn định đời sống. Trước khi thực hiện quy định 3 tại chỗ, công ty cũng đã tiến hành thông báo cho công nhân và yêu cầu người lao động đăng kí ở lại. Trong 600 công nhân đang thực hiện việc duy trì sản xuất thì đã có 500 người tình nguyện ở lại để cùng công ty vượt qua khó khăn, chỉ còn một trường hợp có con nhỏ, hoặc gia đình neo đơn nên không thể ở lại cũng đều được công ty thực hiện giải quyết các chế độ lao động theo quy định”.

Chị Nguyễn Thanh Hằng (xã Liên Hà - huyện Lâm Hà) cho biết: “Hiện tại, đa số chị em ở lại đều còn trẻ, chưa lập gia đình riêng, nên ở lại để ổn định thu nhập. Thêm vào đó, công ty cũng tạo điều kiện nơi ăn, ở tương đối tươm tất, sạch sẽ nên không có gì trở ngại”.

Cũng theo ông Đỗ Xuân Kiên, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị đề xuất làm giãn cách thời gian lao động với cách thức như công nhân viên chức hành chính nhà nước là một ngày làm, một ngày nghỉ, hoặc làm hai tuần nghỉ hai tuần. Tuy nhiên, BQL chưa phê duyệt một phương án nào, bởi mọi thứ vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Trước mắt các doanh nghiệp cần phải tập trung duy trì sản xuất theo phương châm 3 tại chỗ và 5K, còn lại sẽ tùy vào tình hình thực tế để linh động xử lý sao cho phù hợp và hiệu quả nhất”.

LINH ĐAN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202108/duy-tri-san-xuat-dam-bao-doi-song-cho-nguoi-lao-dong-3072326/