DW: Nga rút quân khỏi biên giới với Ukraine chỉ là chiêu trò, nguy cơ leo thang xung đột chưa mất đi

Theo bài viết mới trên trang mạng DW, các chuyên gia cảnh báo rằng Nga vẫn đang gây sức ép với Ukraine, nguy cơ leo thang xung đột chưa mất đi.

Sau khi Nga thông báo kết thúc cuộc tập trận của quân đội nước này ở biên giới Ukraine, nhiều đơn vị quân đội Nga vẫn tiếp tục hiện diện trong khu vực. Các thông tin từ Kiev, Washington và Brussels cho thấy Moscow không vội vàng rút quân. Các chuyên gia cảnh báo, Nga vẫn đang gây sức ép với Ukraine, nguy cơ leo thang xung đột chưa mất đi.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp các quan chức Ukraine tại Kiev hôm 6/5 và tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ sau khi Nga tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới. (Nguồn: AP)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp các quan chức Ukraine tại Kiev hôm 6/5 và tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ sau khi Nga tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới. (Nguồn: AP)

Các cuộc chuyển quân của Nga đã làm cho Ukraine và nhiều nước phương Tây khác lo lắng. Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Kiev hôm 6/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ước tính lực lượng quân sự Nga đang triển khai dọc biên giới Ukraine vào khoảng 75.000 người.

Một ngày trước đó, Washington cho biết, hiện tại số quân của Nga trong khu vực này khoảng 80.000 người.

Cũng trong ngày 6/5, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, đến nay Nga mới chỉ rút một phần nhỏ lực lượng quân đội khỏi khu vực, trong khi “hàng chục nghìn người” vẫn ở lại.

Rõ ràng việc Nga duy trì lực lượng quân sự hùng hậu tại bán đảo Crimea và khu vực phía Đông Ukraine là có nguyên do.

Leo thang quân sự ở Donbass

Tới giữa tháng 4 vừa qua, Moscow đã tập trung lực lượng quân sự hùng hậu nhất tại các khu vực này kể từ năm 2014. Theo ước tính của Kiev, lực lượng này dao động từ 90.000 đến hơn 100.000 người.

Nga đã thông báo về một cuộc “kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu”của lực lượng quân đội trên toàn lãnh thổ, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Việc Moscow tăng cường triển khai quân dọc biên giới Ukraine diễn ra trong bối cảnh leo thang căng thẳng mới ở khu vực Donbass- miền Đông Ukraine, nơi tổn thất của quân đội Ukraine trong các cuộc giao tranh với lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã tăng lên đáng kể.

Điều này làm gia tăng lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự hoàn toàn có thể xảy ra giữa Nga và Ukraine. Tình hình chỉ dịu đi khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo rút lực lượng quân sự tại đây trở về địa điểm đóng quân cũ trước ngày 1/5.

Đến cuối tháng 4, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov lần đầu tiên thông báo quân số tham gia cuộc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu trên cả nước là hơn 300.000 người.

Ở biên giới Ukraine, ngoài lực lượng quân sự có sẵn từ trước, Nga đã điều thêm nhiều sư đoàn bộ binh và sư đoàn lính dù cùng các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự đến tăng cường.

Cũng theo lời Tổng Tham mưu trưởng Gerasimov, hầu hết lực lượng quân sự được tăng cường tới biên giới với Ukraine đã được điều động trở lại, chỉ có các trang thiết bị quân sự là đang được vận chuyển dần dần khỏi khu vực, chậm nhất đến ngày 8/5 hoặc ngày 12/5 sẽ hoàn tất.

Nhưng thực tế vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Một bộ phận vũ khí, trang thiết bị của Tập đoàn quân 41 được điều động từ Quân khu Trung tâm đến khu vực Voronezh sẽ được giữ lại cho tới cuộc tập trận Nga-Belarus vào tháng 9 tới. Chưa rõ những loại vũ khí nào được giữ lại.

Nguy cơ chiến tranh vẫn tồn tại?

Nhà báo và chuyên gia quân sự Pawel Felgenhauer cho biết, Nga đã rút một phần lực lượng khỏi Crimea, nhưng một bộ phận đóng tại phía Bắc Ukraine có thể đã ở lại. Những tuyên bố của quân đội Nga về việc cất giữ vũ khí ở đâu đó để chờ tới cuộc tập trận sắp tới là lời lẽ “dành cho những người không hiểu biết gì”.

Ông giải thích: “Để rút quân nhưng không rút vũ khí hạng nặng, cần phải có hai phiên bản vũ khí như vậy. Hiện nay ngoài người Mỹ, không ai khác có thể đủ khả năng tài chính cho việc đó”.

Chuyên gia Felgenhauer tin rằng, nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự lớn giữa Nga và Ukraine vẫn chưa mất đi, ông nói: “Nguy cơ về một cuộc chiến tranh khu vực lớn ngày càng hiện rõ”.

Theo chuyên gia Felgenhauer, Moscow đang tạo ra nền tảng cho một “cuộc tấn công vào mạn sườn” và một cuộc bao vây nhanh chóng đối với quân đội Ukraine, “tương tự vụ việc tháng 8/2014 ở miền Đông Ukraine”.

Mục tiêu chính trị của các hoạt động như vậy là tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán với phương Tây về phân chia phạm vi ảnh hưởng mới, một kiểu "Yalta mới" (Hội nghị Yalta năm 1945).

Tuy nhiên, theo chuyên gia Felgenhauer, quyết định về một hành động quân sự chưa được đưa ra.

Ông dự đoán, tùy thuộc vào tình hình thời tiết và tình trạng đường xá ở miền Đông Ukraine, một sự leo thang căng thẳng có thể tiếp tục xảy ra vào nửa cuối tháng 5 hoặc mùa Hè tới.

Phương tiện gây áp lực của Nga

Chuyên gia quân sự Mykola Sunhurowskyj từ Trung tâm nghiên cứu Razumkov ở Kiev cũng thể hiện sự nghi ngờ về thông tin Nga rút quân khỏi biên giới Ukraine.

Ông nói rằng, việc Moscow điều động lực lượng quân sự hồi tháng 4 không phải chỉ đơn thuần là một cuộc tập trận, đó còn là một nỗ lực nhằm gia tăng áp lực lên Kiev.

Bối cảnh của hành động đó là tình hình chính trị của chính nước Nga, trong đó có cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, cũng như những căng thẳng gần đây giữa Nga và phương Tây. Ông cho rằng, lực lượng quân đội Nga như là một phương tiện gây áp lực đối với Ukraine và phương Tây.

Theo chuyên gia Sunhurowskyj, điều quan trọng hơn nhiều là Nga có khả năng vận chuyển nhanh chóng lực lượng quân sự để tiến hành một cuộc chiến cơ động. Nếu một cuộc đối đầu lớn xảy ra, Nga hoàn toàn có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Ukraine.

Đồng quan điểm, chuyên gia Pawel Felgenhauer cũng nhận thấy Nga có lợi thế hơn trong một cuộc chiến cơ động. Những năm qua, Moscow đã thiết lập lực lượng quân sự hùng hậu dọc theo biên giới Ukraine.

Hồi tháng 4, Nga đã thử nghiệm việc điều động các lực lượng từ Quân khu Trung tâm. Về diện tích, đây là quân khu lớn nhất trong số 5 quân khu của Nga.

Chuyên gia Sunhurowskyj tin rằng, Ukraine sẽ đối phó với cuộc xung đột cục bộ tốt hơn nhiều so với đối đầu trực diện với Nga, nhưng kịch bản đối đầu trực diện giữa Ukraine và Nga ít khả năng xảy ra hơn do mối đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt của phương Tây.

(theo Dw)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dw-nga-rut-quan-khoi-bien-gioi-voi-ukraine-chi-la-chieu-tro-nguy-co-leo-thang-xung-dot-chua-mat-di-144710.html