Ðể người cao tuổi luôn là rường cột xã tắc

Từ ngàn xưa, người Việt Nam luôn gìn giữ và phát huy truyền thống trọng lão, coi người cao tuổi (NCT) là rường cột xã tắc. Hội nghị các bô lão trong cả nước do vua Trần Thánh Tông triệu tập để trưng cầu dân ý khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta hơn 700 năm trước đã trở thành biểu tượng hào khí non sông, biểu tượng của ý chí tự chủ, tự lực, tự cường được nêu cao bởi các vị bô lão. Truyền thống ấy tiếp tục được kế thừa, phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh, khi Bác từng khẳng định NCT Việt Nam có một tinh thần và chí khí đặc biệt, 'Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn' hay 'Tuổi cao chí khí càng cao'. Theo tư tưởng của Người, dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực khẳng định bản thân, NCT Việt Nam luôn đóng vai trò trung tâm về trí tuệ, tâm huyết; là chỗ dựa tinh thần trong mỗi gia đình, cộng đồng, rộng lớn hơn là của toàn dân tộc.

Những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến NCT đã đi vào cuộc sống. Trong giai đoạn 2010-2023, Quốc hội đã thông qua 15 đạo luật liên quan đến quyền lợi và chính sách NCT. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 50 nghị định, quyết định và các bộ, ngành đã ban hành hơn 30 thông tư, hướng dẫn liên quan trực tiếp đến NCT. Những chủ trương, chính sách này đã giúp NCT trên mọi miền Tổ quốc “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, là chỗ dựa tin cậy của mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư.

Thực tế, rất nhiều NCT vẫn tham gia hoạt động trong các lĩnh vực của đời sống xã hội không chỉ để không phải dựa vào con cháu mà đang trực tiếp tạo ra các giá trị kinh tế - xã hội. Nhiều giáo sư, bác sĩ, nhà khoa học, nhà giáo… ở độ tuổi “xưa nay hiếm” vẫn đang miệt mài làm việc, sáng chế và truyền cảm hứng. Họ không muốn nghỉ ngơi, thụ động, phụ thuộc mà muốn có cuộc sống chủ động, tích cực tham gia công việc gia đình, xã hội và không ngừng xây dựng thêm nhiều giá trị cho cộng đồng, xã hội, đất nước. Ở các khu dân cư, hầu hết các chức danh chủ chốt trong hệ thống chính trị đều do NCT đảm nhận. Nhiều người vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xã hội vừa là trụ cột kinh tế gia đình vừa đảm nhiệm việc nhà, chăm sóc, giáo dục con cháu. Tại Bình Phước, rất nhiều chủ trang trại, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh là NCT. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà đang tích cực cùng các cấp chính quyền giải quyết các vấn đề như việc làm, hòa giải hay tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao ở cơ sở, góp phần làm lành mạnh cuộc sống, làm phong phú đời sống văn hóa - tinh thần cho bản thân, gia đình và khu dân cư.

Tuy nhiên, tốc độ già hóa dân số ở nước ta đang diễn ra nhanh chóng. Từ đây xuất hiện nhiều vấn đề mang tính xã hội mà nếu không có những chính sách thích ứng tức thời, trực diện, mang tính lâu dài sẽ tạo ra tác động đa chiều đến nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội, cơ cấu xã hội, cơ cấu kinh tế, trước mắt là cơ cấu lao động và tăng trưởng kinh tế.

Cần nhận thức rằng, già hóa dân số không đơn thuần là vấn đề của NCT, là chỉ chăm lo sức khỏe thể chất cho NCT, mà cần nhìn sâu hơn vào sự tác động mà nó tạo ra. Khi Việt Nam đã tiệm cận giai đoạn dân số già thì đây là vấn đề của quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước. Từ đây, cần thay đổi quan niệm, cách tiếp cận NCT, không chỉ coi người cao tuổi là đối tượng đi thăm, tặng quà. Khi đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên theo xu thế phát triển của xã hội thì tuổi đời của con người cũng được nâng lên. Trong bối cảnh ấy, nhiều NCT vẫn mạnh khỏe, minh mẫn nên mong muốn tiếp tục cống hiến. Như vậy, NCT không chỉ là vấn đề cần giải quyết mà còn là cơ hội, nguồn lực cho sự phát triển. Vì thế, chính quyền các cấp cần quan tâm tạo cơ chế, chính sách để thu hút, khai thác nguồn lực đó một cách hiệu quả. Có như thế, NCT mới thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc của gia đình, dòng họ, cộng đồng; trở thành rường cột xã tắc như truyền thống từ ngàn xưa!.

Bình Phước

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/163343/de-nguoi-cao-tuoi-luon-la-ruong-cot-xa-tac