Ðể văn hóa đọc thấm sâu vào tâm hồn người Việt

Quan ngại trước tác động 'cuộc sống số'; đặc biệt là sự 'lấn át' của mạng xã hội làm mai một văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QÐ-TTg, lấy ngày 21/4 hằng năm làm 'Ngày Sách Việt Nam'. Qua 5 năm thực hiện chủ trương này tại Lâm Ðồng đã đạt nhiều kết quả...

Đông đảo học sinh đến với Ngày Sách Việt Nam tại Lâm Đồng. Ảnh: T.D.H

Sự “vào cuộc” của các cấp, các ngành

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) được Chính phủ giao làm cơ quan thường trực phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai “Ngày Sách Việt Nam” trên toàn quốc. Ngoài ban hành Kế hoạch tiến hành nhiệm vụ, Bộ TT-TT đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện Ngày Sách Việt Nam trên phạm vi cả nước.

Việc Nhà nước ta lấy ngày 21/4 hằng năm làm “Ngày Sách Việt Nam” bởi đây là thời điểm phát hành cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt và được những người thợ in Việt Nam in. Hơn nữa, trong tháng 4 còn có Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4). Do đó, chọn ngày 21/4 làm “Ngày Sách Việt Nam” ngoài đẩy mạnh phong trào đọc sách, phát huy văn hóa đọc, còn biểu thị tinh thần hội nhập của Nhân dân nước ta với văn hóa đọc trên thế giới...

Ở Lâm Đồng, để triển khai “Ngày Sách Việt Nam”, ngày 11/4/2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1684/KH-UBND chỉ đạo tổ chức Ngày Sách Việt Nam hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh xác định, sách có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong việc đưa trí tuệ nhân loại, văn hóa nhân loại; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, lịch sử, văn hóa Việt Nam đến Nhân dân; phát động phong trào đọc sách trong mọi lứa tuổi, thành phần xã hội nhằm phát huy văn hóa đọc đang có xu hướng bị “lãng quên” là hoạt động cần thiết hiện nay, nhất là đối với giới trẻ.

Những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai; phối hợp duy trì tổ chức tốt Ngày Sách Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, các sở, ban, ngành: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố trong tỉnh đã phối hợp khá nhịp nhàng, hiệu quả. Hàng năm, các sở, ngành, UBND các địa phương ban hành kế hoạch, hướng dẫn đôn đốc, tổ chức tốt Ngày Sách Việt Nam tại địa phương, đơn vị, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia đọc sách, tham gia trưng bày sách, xây dựng thói quen đọc sách trong cộng đồng.

Công tác tuyên truyền, đưa thông tin sinh động, kịp thời, tạo sự lan tỏa về các hoạt động Ngày Sách và phát huy văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân có sự đóng góp tích cực của cơ quan Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình, Trung tâm Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố trong tỉnh...

Những kết quả đáng ghi nhận

Sau 5 năm thực hiện “Ngày Sách Việt Nam” trên phạm vi cả nước đã hiển thị những “con số” đáng mừng, những tín hiệu vui; đến nay, tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đều tổ chức Ngày Sách Việt Nam tại địa phương, 100% thư viện cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức Ngày Hội sách và Văn hóa đọc với các hoạt động phong phú, hấp dẫn, thiết thực. Đã có trên 66 triệu lượt học sinh, sinh viên và trên 4,7 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam; đã xây dựng trên 30.000 tủ sách; cả nước đã xuất bản 160.000 ấn phẩm với 1,9 tỷ bản. Các mô hình “Đường sách”, “Phố sách”, “Ngày Hội sách” phát huy hiệu quả, thiết thực...

Tại Lâm Đồng, liên tục 5 năm qua, Ngày Sách và các hoạt động nhân Ngày Sách và Bản quyền thế giới được tổ chức rộng khắp trong toàn tỉnh. Hàng năm, Sở TT-TT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị: VH-TT-DL, GD-ĐT, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức Đoàn, Hội, Đội từ tỉnh đến cơ sở tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Thư viện tỉnh Lâm Đồng được Sở VH-TT-DL giao chủ trì tổ chức nhiều hội thi cho hàng ngàn lượt thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, giáo viên và cán bộ thư viện tham gia như: Hội thi Xếp sách nghệ thuật; Thiếu nhi vẽ tranh theo sách; Liên hoan Thiếu nhi kể chuyện theo sách; Tìm hiểu về truyền thống Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh; Cuộc thi viết cảm tưởng về cuốn sách em yêu; Thi trắc nghiệm về an toàn giao thông; tọa đàm giới thiệu tác giả - tác phẩm; nói chuyện chuyên đề; phối hợp với các Nhà sách: Thăng Long, Phương Nam, Nhà sách Fahasa Đà Lạt tổ chức trưng bày, triển lãm sách, tranh ảnh và các gian hàng bán sách giảm giá, trao tặng sách, phục vụ đọc sách miễn phí...

Hoạt động có ý nghĩa dành cho thanh thiếu nhi và Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh, là việc tặng sách, luân chuyển sách xây dựng các tủ sách cơ sở, điểm Bưu điện Văn hóa xã và mô hình “Thư viện lưu động” đã mang sách đến với người đọc; giới thiệu sách, phục vụ lưu động tại nhiều địa phương.

Hoạt động này đã phục vụ 13.034 lượt học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; đồng thời luân chuyển 63.420 lượt tài liệu; trưng bày, triển lãm 5.489 bản sách; cấp 9.452 thẻ thư viện miễn phí cho bạn đọc...

Hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh đã triển khai Ngày Sách Việt Nam với nhiều hình thức: Tuyên truyền bằng xe lưu động, cổ động trực quan, trưng bày triển lãm sách; tích cực tham gia các hội thi, liên hoan; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tọa đàm giới thiệu sách, luân chuyển sách... phục vụ được trên 52.000 lượt bạn đọc tham gia đọc sách; luân chuyển 14.589 tài liệu về phục vụ tại cơ sở; cấp 10.652 thẻ đọc miễn phí; thành lập mới 14 thư viện xã và thư viện chi nhánh tại Trung tâm Hành chính tỉnh; xây dựng và duy trì hoạt động 96 tủ sách, phòng đọc sách cơ sở. (Đến nay, trong toàn tỉnh có 17 thư viện cấp xã, 202 tủ sách - phòng đọc sách cơ sở).

Riêng hệ thống thư viện cấp huyện đã phục vụ 38.976 lượt bạn đọc với 77.246 lượt tài liệu luân chuyển và 9.100 bản sách phục vụ lưu động đến các trường học; cấp 1.200 thẻ đọc sách thư viện miễn phí...

Ngành GD-ĐT tỉnh đã chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường học xây dựng và phát triển mô hình “Thư viện trường học thân thiện”, “Thư viện xanh” với nhiều hình thức như: Quyên góp sách để làm “Tủ sách dùng chung”; vận động học sinh trao đổi sách, tặng cho nhau những cuốn sách hay, những tài liệu tham khảo tốt; phát động phong trào phụ huynh quyên góp sách với phương châm “Góp một cuốn sách để con mình được đọc nhiều cuốn sách”; phát động, tổ chức các phong trào “Góp sách vì bạn nghèo”, “Góp sách để chắp cánh ước mơ”... Qua đó, đã vận động đóng góp 17.651 cuốn sách, hỗ trợ các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Tại Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 năm 2019 tổ chức tại Đà Lạt vừa qua, Bộ TT-TT đã ghi nhận, tặng Bằng khen cho Sở TT-TT Lâm Đồng và ông Hồ Thanh Hà - Giám đốc Thư viện Lâm Đồng; UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 2 cá nhân đã có nhiều đóng góp tích cực trong 5 năm thực hiện “Ngày Sách Việt Nam”...

THANH DƯƠNG HỒNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201907/nam-nam-thuc-hien-ngay-sach-viet-nam-e-van-hoa-doc-tham-sau-vao-tam-hon-nguoi-viet-2955638/