Edtech - Công nghệ giáo dục: Bền bỉ và linh động trong 'mùa đông khởi nghiệp'
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, trong bối cảnh 'mùa đông khởi nghiệp' đang đến gần, giá trị các thương vụ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ giáo dục (Edtech) đã giảm đi trông thấy.
Ở châu Á, nhiều kỳ lân giáo dục như Unacademy và BYJU’s đã bắt đầu cắt giảm việc làm và tạm dừng mở rộng. Tại Việt Nam, “mùa đông khởi nghiệp” có thể sẽ làm giảm sự hào hứng của các nhà đầu tư và gây khó khăn cho các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là những công ty đang kêu gọi vốn tài trợ trong giai đoạn tăng trưởng.
Theo Nextrans, trong thời gian tới, một số công ty có thể sẽ thu mình lại và cắt giảm chi phí để vượt qua cơn bão, trong khi những công ty khác sẽ coi đây là cơ hội để ra ngoài và thu hút thêm nhân tài khi có nhiều người giỏi hơn tham gia thị trường việc làm.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp edtech Việt Nam cần chuẩn bị một chiến lược thật sự kỹ càng để đối phó với tình hình trước mắt.
Nhiều khó khăn trước mắt
Do tác động của COVID-19, học trực tuyến đã trở nên thiết yếu và đây là thời điểm thuận lợi để các startup trong lĩnh vực edtech tạo ra đột phá, giúp nâng cao hiệu quả dạy và học hơn, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục. Tiềm năng là vậy, song edtech không phải là "mảnh đất" dễ khai phá.
Cần có sự bền bỉ, đam mê
Trong ngành giáo dục, khái niệm siêu tăng trưởng dường như không tồn tại, nên hầu như tất cả các startup và mô hình kinh doanh cần phải có sự đam mê và bền bỉ rất lớn khi tham gia vào lĩnh vực này.
Theo ông Cao Xuân Hoài Vương, nhà sáng lập kiêm CEO của startup Unica - một trong những trường học trực tuyến lớn nhất Việt Nam, các startup giáo dục cần đặt cái tâm lên trên hết. Tâm ở đây nghĩa là các startup cần xác định làm để đóng góp giá trị cho xã hội, cho Việt Nam và rộng hơn là cho thế giới.
Với tâm thế đó, doanh nghiệp cần xác định rằng đây là một cuộc "phiêu lưu" dài hạn, để thành công có thể sẽ phải mất 5 - 10 năm thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, hầu hết các quỹ đầu tư mạo hiểm không đủ kiên nhẫn vì áp lực lợi nhuận luôn đè nặng.
Vì vậy, những công ty khởi nghiệp edtech cần phải có mục tiêu và chiến lược rõ ràng để vượt qua thách thức đó. Thị trường edtech càng sôi động có nghĩa là sẽ có ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp tham gia và cạnh tranh bằng mọi giá. Các công ty cần có chiến lược để trở nên nổi bật và phục vụ những nhu cầu thiết thực của người dùng.
Hoạt động thu hút khách hàng ngày càng trở nên tốn kém và tốn thời gian hơn
Một báo cáo năm 2019 của quỹ mạo hiểm Brighteye chỉ ra rằng, các công ty công nghệ giáo dục vào thời điểm đó đang chi đến 25% doanh thu cho việc tiếp thị sản phẩm. Đối với các công ty khởi nghiệp, số tiền này là khoảng 11,5%.
Đến năm 2021, chỉ số này dường như đã tăng lên. Ví dụ, công ty công nghệ giáo dục Unacademy có trụ sở tại Ấn Độ đã chi khoảng 53 triệu đô la (khoảng 104% doanh thu) cho hoạt động tiếp thị và bán hàng, đồng thời ghi nhận khoản lỗ tổng cộng khoảng 197 triệu đô la.
Các công ty công nghệ giáo dục đang thua lỗ vì chi phí thu hút khách hàng cao. Những công ty này đã chi không biết bao nhiêu tiền cho quảng cáo để thu hút sự chú ý của một số ít người tiêu dùng.
Ngược lại, doanh thu trên mỗi người dùng thấp hơn rất nhiều so với chi phí để có được người tiêu dùng đó. Bất kỳ doanh nhân công nghệ giáo dục mới nào cũng cần xem xét: Liệu có đáng chi 200 đô la cho Google AdWords để một sinh viên đăng ký khóa học 100 đô la hay không?
Linh hoạt trong việc kết hợp nội dung và công nghệ giữ chân người học
Các nền tảng trực tuyến hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế như tính tương tác bị hạn chế, tính năng chưa được tích hợp nhiều mà hay bị xé lẻ… Chưa kể vấn đề người học mất tập trung, giáo viên chưa quen với dạy trực tuyến mà vẫn áp dụng kiểu dạy học truyền thống đối với dạy học trực tuyến. Thêm vào đó, một số tính năng trong lớp học trực tuyến không đáp ứng được nhu cầu dùng của giảng viên.
Nhiều nhà đầu tư đánh giá rằng, các công ty edtech Việt Nam đang thiếu đi các công nghệ đột phá. Tuy vậy, theo đánh giá của công ty đầu tư mạo hiểm Nextrans, ở một mức độ nào đó, các công ty khởi nghiệp edtech không nhất thiết phải sử dụng những công nghệ quá tiên tiến. Điều quan trọng là phải làm sao để người học cảm thấy hứng thú với nội dung và tiếp tục học. Để đạt được điều đó, các startup cần tận dụng những công nghệ phù hợp, đồng thời xây dựng những nội dung chất lượng cao.
Chính vì vậy, thử thách đặt ra cho các startup giáo dục trong thời gian tới là tích hợp các công nghệ mới và khai thác nhu cầu từ phía nhà trường, giáo viên, học sinh để tạo nên các trải nghiệm học tập từ xa - học tập trực tuyến tốt hơn.
Edtech vẫn là mảnh đất màu mỡ cho những ai muốn khai thác các khoản chi tiêu cho giáo dục ở thị trường Việt Nam. Ngành công nghệ giáo dục của Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng với số lượng các công ty khởi nghiệp và đầu tư ngày càng tăng. Tuy nhiên, để đạt được quy mô lớn hơn trong lĩnh vực này, các công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục cần bền bỉ, đam mê và linh hoạt kết hợp giữa nội dung và công nghệ nhằm giữ chân người học.