Elvis làm sống lại thần tượng nước Mỹ

Một bữa tiệc về hình ảnh và âm thanh là cách miêu tả quen thuộc nhưng phù hợp với Elvis - phim tiểu sử về Elvis Presley đang chiếu rạp. Điều lạ là phim kể về cuộc đời ông vua nhạc rock'n roll qua điểm nhìn của ông bầu Tom Parker - nhân vật nham hiểm được coi là đã bóc lột Elvis Presley đến chết.

Dù không phải phim ca nhạc nhưng xét về thời lượng dành cho âm nhạc, Elvis không kém cạnh bất cứ phim ca nhạc nào. Không chỉ gồm những màn trình diễn bốc lửa của nhân vật chính, phim còn dành đất cho nhiều nghệ sĩ da màu (nguồn cảm hứng của Elvis) thể hiện. Như vậy không chỉ tôn vinh một thần tượng, Elvis còn tôn vinh cả một nền văn hóa.

Elvis Presley ngoài đời và qua sự thể hiện của Austin Butler trong phim

Elvis Presley ngoài đời và qua sự thể hiện của Austin Butler trong phim

Elvis là người sùng đạo và theo phim cắt nghĩa thì điệu nhảy rung lắc của anh lấy cảm hứng từ những cơn lên đồng tập thể bằng nhạc gospel trong những buổi thánh lễ mà anh trải nghiệm từ thơ bé. Để khắc phục tâm lý sợ sân khấu, Elvis nhớ và nhập vào trạng thái này. Và anh đã thành công khi truyền được cảm giác thăng hoa đó tới khán giả. Phim cũng sử dụng những tông màu rực rỡ, những khuôn hình trau chuốt đúng phong cách phim ca nhạc. Khán giả có thể thấy phim làm kỹ đến từng gương mặt của người hâm mộ hay người đi đường từ biểu cảm tới phục sức.

Elvis chắc chắn là vai diễn để đời của Austin Butler trước đó vốn chỉ đóng các vai phụ. Sau 2 năm tập luyện để hóa thân thành ông hoàng rock’n roll, Butler thậm chí quên luôn giọng nói thật. Trước khi đóng phim này, Butler cho biết chỉ cất tiếng hát trong phạm vi gia đình, thậm chí chưa từng hát karaoke. Vậy mà trong phim Butler hát không thua gì Elvis. Anh lột tả được những cú rung lắc trứ danh của ông hoàng trên sân khấu cùng ánh mắt mơ màng thôi miên, cặp môi “hờn dỗi”… Mặc dù khuôn mặt của Butler không phải quá giống Elvis. Biết chơi piano và guitar từ nhỏ, sau khi đóng phim, Austin Butler hoàn toàn có thể lên sân khấu để trình diễn như một phiên bản xịn của Elvis Presley.

Trong khi vai diễn của đại danh Tom Hanks lại không được đánh giá cao. Xem phim cũng có thể thấy sự lúng túng của ông khiến cho nhân vật thay vì nham hiểm lại thành ra hài hước. Việc phải diễn dưới làn da giả (do nhân vật béo hơn diễn viên nhiều) cùng nhại phát âm tiếng Anh kiểu Hà Lan cũng làm cho gương mặt của Parker trong phim thành bị đơ.

Ngay việc chọn điểm nhìn của phim cũng đã gây tranh cãi. Để cho Parker kể lại đời Elvis khác nào để ông ta bao biện cho bản thân. Nhân thân Tom Parker có nhiều góc tối nhưng phim cũng không hé lộ được gì. Thực ra phim vẫn có đầy cảnh không nằm trong tầm nhận biết của Parker- người chỉ tiếp quản Elvis từ tuổi 20. Cũng ở tuổi 20, Tom Parker di cư bất hợp pháp từ Hà Lan tới Mỹ. Thậm chí người ta còn nghi ngờ ông ta dính dáng tới một vụ án mạng nơi quê nhà. Ông ta giả vờ mình sinh ra tại Mỹ, Tom Parker tất nhiên là tên giả.

MỐI QUAN HỆ KÝ SINH

Trong phim, Tom Parker từ khi phát hiện ra Elvis đã đi theo săn đuổi và dần dần đưa chàng trai ngây thơ vào tròng. Chắc chắn là Tom đã bắt thóp được Elvis cũng như át vía tất cả những người thân tín của Elvis. Trong phim, Elvis còn khóc, ôm Tom và nói coi ông như cha. Và ngay cả khi Elvis đã biết thừa về những trò lừa gạt của Tom, cuối cùng anh vẫn quay lại vòng tay của “bố hờ” để rồi chết chìm trong đó.

Phim cho thấy Elvis đã có cho mình một ê-kíp trẻ trung năng động sẵn sàng đưa anh lưu diễn thế giới. Nhưng chỉ cần anh đến tạm biệt ông bầu là tình thế hoàn toàn thay đổi. Chính vợ anh đã cảnh báo: “Ông ta sẽ chặt đôi cánh của anh” nhưng Elvis vẫn không thoát được. Kết quả trăm lần như một, kể cả khi Elvis tuyên bố sa thải Tom ngay trên sân khấu, trước đông đảo khán giả thì cuối cùng anh vẫn phải ngoan ngoãn quay về dưới trướng của ông già không có nổi tấm hộ chiếu hợp pháp để ra khỏi nước Mỹ.

Vào tình thế quyết định, Tom đòi Elvis bồi hoàn số tiền lớn mà ông ta cho rằng đã chi cho anh bao gồm cả những món lắt nhắt như xăng xe. Và Elvis bàng hoàng nhận ra rằng suốt những năm qua, làm việc như trâu chó, anh vẫn sẽ phá sản sau khi trả số tiền đó. Không hiểu sao Elvis không mang sự việc ra trước tòa. Chứ những luận điệu dọa dẫm của Tom ở trong phim thực ra đâu có đáng sợ đến mức đó. Chính vì lấy điểm nhìn của Tom để kể mà phim lại chưa khai thác được hết tính nguy hiểm của nhân vật này. Phim cho thấy Parker dùng các loại thuốc gây nghiện để điều khiển Elvis. Ngày nào anh cũng có sô, thậm chí một ngày hai sô vào bữa tối và nửa đêm. Sau đó anh đi ngủ bằng thuốc và lịch làm việc hôm sau lặp lại tương tự và kéo dài suốt một tháng. Từ 1969 đến năm Elvis qua đời 1977, anh biểu diễn tổng cộng 636 buổi tại khách sạn International ở Las Vegas.

Người ta thường nói: Lịch sử âm nhạc được chia làm hai giai đoạn- trước và sau khi Elvis Presley xuất hiện (không biết sau Elvis còn sao nào làm cho khán giả nữ ném quần lót lên sân khấu nữa không?!). Ngoài chuyện Elvis làm thay đổi âm nhạc thì chắc chắn cũng sẽ khiến người ta phải xem lại về sức chịu đựng của một cá nhân khi trở thành ngôi sao. Và tất nhiên cả quan hệ giữa ngôi sao và ông bầu. Parker đút túi 50% thu nhập của Elvis, trong khi số còn lại anh cũng không được nhận hết. Nhưng bù lại con cháu Elvis chỉ cần mang di sản của cha ông ra kinh doanh cũng đủ sống vung vinh. Vì Elvis khi chết rồi hóa ra lại kiếm được nhiều hơn khi còn sống.

Dễ hiểu khi Elvis nhận được tràng vỗ tay 12 phút tại LHP Cannes. Phim khắc họa hình tượng Elvis đẹp, trong sáng, đáng được cảm thông. Nếu Bohemian Rhapsody vinh danh Freddie Mercury bằng màn trình diễn kết do Rami Malek tái hiện thì Elvis lại kết bằng hình ảnh thật của ông hoàng tự đệm piano hát Unchained Melody 6 tuần trước khi qua đời trong phòng tắm vì trụy tim. Màn trình diễn sau gần nửa thế kỷ vẫn khiến khán giả xúc động và nó cũng ngầm đề cao diễn xuất của Austin Butler. Vì sự xuất hiện của Elvis Presley thật không hề lệch pha so với những gì diễn viên thể hiện trước đó.

NGUYỄN MẠNH HÀ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/elvis-lam-song-lai-than-tuong-nuoc-my-post1449738.tpo