ENSO biểu hiện dị thường, Việt Nam đối mặt loạt thiên tai
ENSO đang có những biểu hiện dị thường về cường độ và chu kỳ xuất hiện, là một trong những tác nhân chính ảnh hưởng tới thời tiết và khí hậu Việt Nam.
ENSO biểu hiện dị thường
ENSO (El Nino-Southern Oscillation) là hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống khí hậu trên toàn cầu. ENSO bao gồm hai pha trái ngược nhau là El Nino và La Nina, sự chuyển đổi giữa hai pha này xảy ra định kỳ 2-7 năm.
El Nino được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương, kéo dài 8-12 tháng (hoặc lâu hơn), thường xuất hiện 3-4 năm/lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.
La Nina (ngược với El Nino) là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Chu kỳ của La Nina thường kéo dài hơn El Nino.
Tại Việt Nam, trong điều kiện El Nino, số đợt không khí lạnh và thời gian ảnh hưởng sẽ ít hơn bình thường. Đồng thời, nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn, mùa đông chênh lệch nhiệt rõ rệt hơn mùa hè, các khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn phía Bắc. Ngược lại, trong điều kiện La Nina, nhiệt độ trung bình các tháng thấp hơn, ở phía Bắc chịu ảnh hưởng nhiều hơn phía Nam.
El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa trên hầu hết các vùng của cả nước, phổ biến 25-50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ) dẫn đến nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, ENSO đang có những biểu hiện dị thường về cường độ và chu kỳ xuất hiện.
Ông Nguyễn Hồng Sinh - Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Hải Phòng cho biết, hiện tượng El Nino và La Nina ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu toàn cầu với mức độ khác nhau và rất đa dạng. Tuy nhiên, đối với từng khu vực cụ thể, vẫn có thể xác định được những ảnh hưởng chủ yếu có tính đặc trưng của mỗi hiện tượng nói trên.
Hai hiện tượng này thể hiện sự biến động dị thường trong hệ thống khí quyển - đại dương với quy mô thời gian giữa các năm, có tính chu kỳ hoặc chuẩn chu kỳ.
"Trong những năm gần đây, ENSO xuất hiện có xu hướng thường xuyên hơn.
Ảnh hưởng của ENSO có thể khác nhau tùy theo từng khu vực. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ENSO không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến khí hậu và thời tiết tại Việt Nam, mà còn có sự tương tác với các yếu tố khác như khí hậu địa phương và sự biến đổi khí hậu toàn cầu", ông Sinh nhấn mạnh.
Lấy ví dụ cụ thể về biến đổi khí hậu do ENSO, theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Hải Phòng, là thành phố ven biển thuộc khu vực Đông Bắc Bộ, trong những năm gần đây, Hải Phòng chịu ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu.
Điều này thể hiện qua những đợt rét đậm, rét hại kéo dài và bất thường, cùng với đó là nền nhiệt độ mùa hè ghi nhận cao lịch sử. Bão và áp thấp nhiệt đới cùng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm tần suất xuất hiện nhiều hơn và cường độ mạnh hơn.
Ông Sinh dẫn ra một số trường hợp điển hình như tháng 1/2016, Hải Phòng ghi nhận đợt rét hại lịch sử kéo dài trong 6 ngày từ 23-28/1. Giá trị nhiệt độ thấp nhất trong lịch sử quan trắc được vào ngày 24/1 tại trạm Khí tượng Phù Liễn là 4,5 độ C.
Ngày 3/6/2017, Hải Phòng ghi nhận nắng nóng đặc biệt gay gắt với giá trị nhiệt độ cao nhất đạt ngưỡng lịch sử lên tới 39,5 độ C.
Đêm giao thừa năm 2020 (24/1/2020), mưa đá xuất hiện ở vùng núi phía Bắc từ trưa chiều, đến đêm cùng ngày và sang sáng sớm 25/1, trung du và ven biển (trong đó có Hải Phòng) xuất hiện mưa đá. Sang ngày 25/1 (mùng 1 Tết Nguyên đán), Hải Phòng mưa to đến rất to. Đây là hiện tượng hiếm gặp trong ngày đầu năm mới.
Còn theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, những năm qua ở nước ta, các hiện tượng khí hậu cực đoan tiếp tục được ghi nhận với cường độ mạnh hơn và tần suất cao hơn.
Số liệu quan trắc trong 60 năm (1958 - 2018) cho thấy: Nhiệt độ trung bình năm trên cả nước tăng khoảng 0,89 độ C; lượng mưa giảm ở các khu vực phía Bắc từ 1-7% và tăng ở các khu vực phía Nam từ 6-21%; số lượng các cơn bão mạnh tăng; nhiệt độ ngày cao nhất và thấp nhất tăng.
Số liệu quan trắc cũng chỉ ra số ngày nóng tăng ở hầu hết các khu vực; hạn hán gia tăng trên phạm vi toàn quốc; số ngày rét đậm, rét hại giảm; mưa cực đoan tăng; mực nước biển trung bình của các trạm ven biển và hải đảo tăng 2,74 mm/năm, riêng trong giai đoạn 1993 - 2018 tăng 3,0 mm/năm.
2024 - nắng nóng gay gắt, mưa bão phức tạp
Diễn biến của ENSO sẽ khiến tình hình thiên tai trong năm 2024 chịu ảnh hưởng của cả hiện tượng El Nino nửa đầu năm và hiện tượng La Nina nửa cuối năm. Đây là nhận định của ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Theo ông Lâm, mùa hè năm nay, các tỉnh, thành trên toàn quốc xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Trọng tâm nắng nóng ở Bắc Bộ rơi vào tháng 5, tháng 6, khu vực Trung Bộ nắng nóng có thể kéo dài sang tháng 7, tháng 8.
Nam Bộ hiện nay đang xảy ra nắng nóng trên diện rộng và cao điểm nắng nóng ở khu vực này diễn ra trong tháng 3, tháng 4. Nắng nóng tại Nam Bộ, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn, gay gắt so với trung bình nhiều năm.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024, từ khoảng cuối tháng 6, mùa bão trên Biển Đông có thể bắt đầu. Mùa bão năm nay sẽ chịu ảnh hưởng chính của pha La Nina. Do đó, bão sẽ tập trung nhiều hơn vào các tháng cuối năm (từ khoảng tháng 9 đến tháng 11).
Cùng với việc bão tập trung vào cuối năm thì mưa lớn cũng sẽ xảy ra nhiều ở Trung Bộ, đặc biệt Trung và Nam Trung Bộ.
Với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển như dự báo và bắt đầu tác động đến nước ta vào đúng thời kỳ mưa, bão tập trung ở Trung Bộ nên có thể mùa bão, mưa, lũ trong nửa cuối năm 2024 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp cần phải lưu ý ứng phó.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng, năm 2024 khả năng xảy ra nhiều ngày nắng nóng hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, việc đạt được nhiệt độ kỷ lục vượt hoặc bằng năm 2023, xác suất xảy ra không cao. Lý giải điều này, ông Lâm cho biết, do đầu năm nay El Nino tương đối yếu và sẽ nhanh chóng chuyển sang pha trung tính nên tác động của nó yếu hơn năm 2023.
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn đang trong mùa khô trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt ở Tây Nguyên và Nam Bộ.
“Với việc trong thời gian tới nhiệt độ còn tăng cao, độ ẩm thấp, vẫn còn nguy cơ xảy ra cháy rừng trên diện rộng ở các tỉnh vùng núi, đặc biệt dọc dải phía Tây từ khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ kéo dài xuống Tây Nguyên”, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phân tích.
Ngoài ra, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, năm nay xâm nhập mặn cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn sâu nhất xuất hiện từ 8-13/3 xâm nhập vào sâu 40-66km, có nơi sâu hơn, như tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70-76km.
Đặc biệt, tại khu vực Bến Tre và sông Cổ Chiên xâm nhập mặn sâu hơn năm 2016. Bên cạnh đó, các kênh rạch một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp tình trạng khô cạn.
Nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn tại ĐBSCL trước hết do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực này hầu như không mưa (hụt chuẩn 60-95%), ngày nắng kéo dài làm cho một lượng lớn nước mặt tích trữ trong các ruộng, kênh, sông, hồ bị bốc hơi.
Đồng thời nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, kết hợp với thời kỳ triều cường đã đẩy mặn vào sâu nội đồng.
Cơ quan khí tượng dự báo, ngày bắt đầu mùa mưa tại Nam Bộ khả năng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm, khoảng từ tuần giữa tháng 5. Do vậy, thời gian tới, nắng nóng gay gắt vẫn xảy ra tại khu vực này với nền nhiệt cao.
Ấm lên toàn cầu
Không chỉ ở Việt Nam, ENSO cũng là một nguyên nhân cho vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Chu kỳ El Nino thường xuyên hơn khiến Trái đất có xu hướng ấm lên lâu dài.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Scientific Reports, đến tháng 6 năm nay, 90% khả năng nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm. Một số nơi sẽ ngày càng nóng nực hơn, có mùa hè khắc nghiệt hơn, đặc biệt là một số khu vực ở châu Á. Sức nóng làm tăng nguy cơ hạn hán và cháy rừng.
Chuỗi số liệu thống kê về ENSO đã ghi nhận những đợt El Nino siêu mạnh vào các năm 1982-1983, 1997-1998, 2015-2016, trong đó El Nino 2015-2016 là mạnh nhất. Đây được ghi nhận là năm có nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.
Các đợt La Nina mạnh gần đây là vào các năm 1998-2000, 2007-2008, 2010-2011.
Theo NOAA (Cơ quan quản lý các vấn đề khí hậu và đại dương quốc gia Mỹ), việc chúng ta đang ở trong năm La Nina, năm El Nino hay không phải loại thời tiết nào trong hai loại này (giai đoạn ENSO trung tính), được xác định bởi nhiệt độ mặt nước biển gần xích đạo trên Thái Bình Dương.
Trung bình, cứ sau 2 - 7 năm, nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lại chuyển đổi giữa các giai đoạn El Nino và La Nina, rồi tạm dừng ở giai đoạn trung tính giữa.
Trạng thái ENSO ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệt độ, lượng mưa và kiểu gió trên khắp vùng nhiệt đới, và có tác động gián tiếp theo tầng trên quy mô toàn cầu.
Đợt El Nino mạnh gần đây nhất vào năm 2015-2016 trùng với năm nóng kỷ lục, gây ra hạn hán, cháy rừng, lũ lụt và gián đoạn nông nghiệp trên diện rộng, dẫn đến mất ổn định hệ sinh thái ở một số vùng.
Các ước tính từ Liên hợp quốc cho thấy, giai đoạn El Nino này ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của hơn 60 triệu người do thiệt hại về kinh tế - xã hội, di cư, bùng phát dịch bệnh và mất an ninh lương thực.
Nhiệt độ toàn cầu phá kỷ lục đã được ghi nhận ngay cả trong những năm La Nina, chứng tỏ xu hướng ấm lên lâu dài do biến đổi khí hậu gây ra. Ví dụ, năm La Nina 2022 được xếp hạng là năm ấm thứ 5 được ghi nhận.
Trong tương lai gần, một loạt các chỉ số El Nino được dự đoán ở mức cao, và nhiều khả năng thế giới sẽ gặp phải tình trạng bất ổn về khí hậu bằng hoặc lớn hơn năm 2016, với lũ lụt và hạn hán lan rộng. Các chuyên gia dự đoán tình trạng này sẽ gây ra thiệt hại kinh tế to lớn và mất an ninh lương thực.
Các nghiên cứu cũng cho thấy nhiệt độ mặt nước biển hiện tại do El Nino gây ra tăng khoảng 10% so với mức trước năm 1960 và dự đoán tần suất các hiện tượng El Nino cực đoan có thể tăng gấp đôi trong thế kỷ này do bề mặt nóng lên nhanh hơn ở phía đông Thái Bình Dương.
Ngoài ra, chu kỳ để chuyển từ El Nino sang La Nina và ngược lại có thể kéo dài cả thập kỷ.
Bên cạnh đó, dù chưa rõ mối liên hệ, cùng với biến đổi khí hậu, El Nino có thể gây ra những tác động kép. Các tác động đồng thời của cả nhiệt độ tăng cao và hiện tượng El Nino được dự đoán sẽ gây ra những đợt tăng nhiệt độ toàn cầu kỷ lục và làm tăng thêm khả năng xảy ra các diễn biến thời tiết thảm khốc.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/enso-bieu-hien-di-thuong-viet-nam-doi-mat-loat-thien-tai-ar862667.html