'Ép' loại cây rẻ tiền ra trái nghịch vụ, người nông dân thu 300 triệu đồng/năm

Lão nông Huỳnh Văn Cập (59 tuổi, ngụ xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) có thu nhập tốt nhờ vào 500 gốc thanh trà ngọt cho trái nghịch vụ.

Nhìn thấy tiềm năng, tận dụng cơ hội

Khu vườn rộng 2ha, trồng 500 gốc thanh trà ngọt của ông Huỳnh Văn Cập là nơi đầu tiên được nghiên cứu xử lý cho trái nghịch vụ thành công.

Ông Cập chia sẻ trên báo Cần Thơ, cây thanh trà vốn có nguồn gốc ở vùng núi ở Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Khoảng 70-80 năm trước, loại cây này được người dân địa phương đem về trồng và trở thành trái cây đặc trưng của vùng đất này. Nhưng do người trồng nhiều, cạnh tranh giá cả nên lợi nhuận thường không cao. Ông Huỳnh Văn Cập đã phải tìm tòi nhân giống và nghiên cứu cho ra những giống cây mới.

"Lần mò tìm được một số giống thanh trà ngọt ở các hộ trồng lâu năm. Tôi đem ít giống về trồng thử nghiệm. Sau 3 năm trồng, thấy trái thanh trà có vị ngọt tương đương xoài cát Hòa Lộc, trái to, hạt nhỏ… Thấy tiềm năng lớn từ loại cây này, tôi quyết định đốn hết cây thanh trà chua đang trồng trên diện tích hơn 1ha để xen giống mới vào trồng", ông Cập nói.

Thanh trà ngọt trái vụ giúp đời sống người nông dân ngày tốt hơn (Ảnh: Báo Cần Thơ)

Thanh trà ngọt trái vụ giúp đời sống người nông dân ngày tốt hơn (Ảnh: Báo Cần Thơ)

Để cây thanh trà ngọt ra hoa, đậu trái nghịch vụ cần rất nhiều yếu tố, kỹ thuật khá phức tạp. Đầu tiên phải bón phân cho cây ra lá mới, sau đó tưới thuốc tạo mầm, rồi xiết nước… Sau khi cây ra hoa thì bón phân, phun thuốc theo định kỳ…

Cây thanh trà ngọt mùa thuận có giá hơn 120.000 đồng/kg, nhưng trái vụ nghịch đến 160.000 đồng/kg. Hiện với 500 gốc thanh trà, mỗi năm ông Cập thu hoạch hơn 3 tấn trái. Với giá bán từ 120.000 đồng/kg, ông thu về trên 300 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí đầu tư.

Ông Cập cho biết: "Mùa thuận của thanh trà là từ sau Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng 2 âm lịch. Tuy nhiên, nếu thời tiết không thuận lợi sản lượng thanh trà giảm rất mạnh. Lâu nay, nhà vườn trồng thanh trà theo lối quảng canh, không đầu tư phân thuốc, chủ yếu ra hoa, đậu trái tự nhiên nên phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết".

Cũng theo ông Cập, nếu năm nào thời tiết "mưa thuận gió hòa" thì cây cho trái nhiều, trúng mùa, còn năm nào trời lạnh muộn thì cây không ra hoa coi như thất thu. Hơn một năm qua, ông đã thử nghiệm 4 đợt, mỗi đợt 8 gốc thanh trà. Hai đợt đầu tỷ lệ đậu trái gần gấp đôi so với để tự nhiên, 2 đợt sau tỷ lệ ra hoa cũng khá tốt.

Nhận thấy bước đầu có hiệu quả, ông Cập càng có thêm động lực, đồng thời nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc thanh trà ngọt tốt hơn.

Đến nay, ông Cập có khoảng 500 gốc thanh trà ngọt. Trung bình, cây thanh trà ngọt khoảng 10 năm tuổi cho từ 50-70kg trái/mùa. Đặc biệt, mỗi năm cây đều ra trái đều đặn, chứ không bỏ vụ như các giống thanh trà ngọt khác.

Theo ông, lá và nhánh của thanh trà ngọt thường rủ xuống; trái có hình bầu dục (thanh trà chua trái tròn), khi chín có màu cam.

Lão nông này cho biết thêm, thanh trà ngọt có giá hơn 120.000 đồng/kg, cao hơn gấp khoảng 4-5 lần thanh trà chua.

Hiện, ông Cập đã đăng ký và được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Long chứng nhận cây đầu dòng và cây giống thanh trà ngọt đầu dòng với sản lượng 90.000 cây giống/năm. Ông chia sẻ đang hướng đến đưa trái thanh trà Năm Cập vào siêu thị và xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo ông Cập, nếu các đợt thử nghiệm tiếp theo cho sản lượng và chất lượng trái cao thì sang năm 2025, ông dự định sẽ áp dụng các kỹ thuật này cho toàn vườn và điều chỉnh sớm hơn để cây thanh trà có trái chín ngay đợt Tết, bán được giá tốt.

Đồng thời, ông cũng sẽ nhân rộng, chia sẻ phương pháp này cho bà con có nhu cầu để các hộ trồng thanh trà không còn bị động trước thời tiết.

Mô hình trái cây nghịch vụ nhân rộng

Cũng từ một người nông dân bỗng trở thành tỷ phú ông Lê Hồng Phúc, nông dân trồng sầu riêng nghịch vụ ở ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đang sở hữu 1,5 ha vườn sầu riêng trên 10 năm tuổi. Nhờ xử lý cho cây sầu riêng ra trái nghịch vụ nên mỗi năm ông Phúc có thu nhập trên 500 triệu đồng, theo báo Dân Việt.

Giá sầu riêng trái vụ cao ngất ngưởng (Ảnh: Dân Việt)

Giá sầu riêng trái vụ cao ngất ngưởng (Ảnh: Dân Việt)

Năm 2021 ông đã cải tạo thêm 1,5 ha vườn tạp để trồng sầu riêng, đến nay cây sầu riêng đã được 3 tuổi và ông đang xử lý cho trái nghịch vụ.

Với bản tính siêng năng cần cù chịu khó học hỏi và tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng sầu riêng mới do ngành nông nghiệp tổ chức đã giúp ít cho ông nhiều kiến thức trong khâu chăm sóc xử lý ra hoa và quản lý sâu bệnh.

Để bán được sầu riêng giá cao tránh cung vượt cầu nên ông đã mạnh dạn đầu tư màng phủ xử lý nghịch vụ cho 250 cây sầu riêng 3 năm tuổi.

Đầu tháng 3 âm lịch ông bắt đầu xẻ rãnh thoát nước, chăm sóc bón phân cân đối để cho cây đủ sức và ra lá cho tốt, đến khi thấy lá già thì tiến hành xiết nước và xử lý thuốc kích thích ra hoa rồi tiến hành đậy màng phủ để tránh mưa vào gốc làm cây khó ra hoa. Đến nay vườn sầu riêng của ông đã xử lý hơn 15 ngày và cây đã nhú mầm hoa khá nhiều.

Ông Phúc chia sẻ: "Trồng sầu riêng không khó, cho thu nhập khá cao tuy nhiên nhà vườn phải có kinh nghiệm, có kỹ thuật và có vốn để đầu tư thì cây mới phát triển tốt và cho trái đạt chất lượng.

Đặc biệt trong giai đoạn đang trổ nhụy và đậu trái thì hạn chế tối đa cây ra đọt sẻ làm rụng trái non rất nhiều. Với 250 gốc sầu riêng chi phí đầu tư màng phủ, thuốc xử lý ra hoa, công xẻ rãnh, đậy màng phủ khoảng 35 triệu đồng.

Ông Phúc ước tính trung bình 1 cây cho khoản 50kg x 250 cây thì sản lượng trên 10 tấn trái cho thu nhập tương đối cao.

Hy vọng rằng với cách xử lý nghịch vụ sầu riêng của ông Lê Hồng Phúc sẽ tạo thêm thu nhập đáng kể cho cho gia đình và giúp cho nhiều nhà vườn đến tham quan học tập để áp dụng vào sản xuất của của mình.

Duy Huy (Tổng Hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ep-loai-cay-re-tien-ra-trai-nghich-vu-nguoi-nong-dan-thu-300-trieu-dong-nam-204240725145553136.htm