ESG tạo đà tăng trưởng cho doanh nghiệp

Giá trị lâu dài của việc dám đầu tư thực hành ESG sẽ giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả cạnh tranh trong tiêu thụ hàng hóa, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, theo ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Bà Quỳnh Như, CEO WBS (giữa) cùng với ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư và Chuyên viên thương mại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam

Bà Quỳnh Như, CEO WBS (giữa) cùng với ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư và Chuyên viên thương mại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam

Trong bài trình bày tại hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG”, do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức ngày 23/5, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và xuất khẩu là một trong những trụ cột quạn trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng.

“Khi động lực phát triển của kinh tế dựa trên xuất khẩu, đồng nghĩa chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn như Mỹ, EU… đều tăng yêu cầu về ESG với các nhà cung ứng”, ông Patrick cho biết.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 98% là doanh nghiệp tại Việt Nam là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, do đó, vốn để đầu tư cho ESG nằm trong số những trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp. Nhưng theo đại diện UNDP, các kênh hỗ trợ tín dụng cho ESG sẽ ngày càng rộng mở hơn, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính và quỹ đầu tư quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Như, CEO WBS, Giám đốc vận hành RIS.ER 24 cho rằng thực hành ESG là “chuyện không của riêng ai”, và càng không nên tiếp cận vấn đề theo hướng đơn ngành, riêng lẻ.

CEO WBS chia sẻ: “Triển khai và quản lý các giải pháp ESG là một tiến trình năng động, liên tục, đòi hỏi sự cống hiến, hợp tác và cam kết mang lại tác động tích cực. Điều cần thiết là phải điều chỉnh quy trình làm việc này theo nhu cầu và mục tiêu cụ thể của tổ chức của bạn trong khi vẫn linh hoạt để đáp ứng với những thách thức và xu hướng ESG đang thay đổi”.

Bà Quỳnh Như cho biết thêm: “Chúng ta cần xây dựng hệ sinh thái kết nối đa ngành bởi việc thực hành ESG sẽ không hiệu quả nếu không liên kết được chuỗi giá trị trong nền kinh tế”.

RIS.ER24 là chuỗi sự kiện được tổ chức từ nay tới cuối năm 2024, mang ý nghĩa chia sẻ và kết nối. Nhiệm vụ của RIS.ER24 là tạo ra một diễn đàn đối thoại đa ngành, lắng nghe những kiến giải sâu sắc, những ví dụ sinh động từ các chuyên gia và các doanh nghiệp tiên phong thực hành ESG, từ đó tái hiện lại bức tranh sinh động mà ESG đem lại cho cộng đồng kinh doanh trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong một môi trường đầy áp lực và biến động.

Trong tháng 7, workshop tiếp theo trong chuỗi chương trình RIS.ER24 sẽ được tổ chức tại TP.HCM, tập trung tháo gỡ gánh nặng tái chế của các doanh nghiệp trong ngành nhựa, linh kiện điện tử, sản xuất pin ắc quy, sản xuất giấy, vải, đóng gói và bao bì…, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính nhằm phục vụ quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

CEO WBS khẳng định: “Thông qua chuỗi sự kiện RIS.ER24, WBS đóng vai trò kết nối, khơi thông cơ hội giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng lắng nghe các doanh nghiệp quốc tế đang tìm kiếm cơ hội thâm nhập vào thị trường Việt và tuân thủ pháp luật nước sở tại. WBS sẽ là cầu nối cho quá trình tạo ra chuỗi giá trị từ quốc tế về Việt Nam và ngược lại”.

PV

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/esg-tao-da-tang-truong-cho-doanh-nghiep-d216890.html