EU cảnh cáo Serbia về quyết định chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem

Nhà thờ Hồi giáo Dome of the Rock, nằm trong khuôn viên nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa, bên trong thành phố cổ Jerusalem. Nguồn: arabnews.com

* Palestine tìm cách lấy lại các khoản thuế do Israel thu hộ

Ngày 7/9, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ “lấy làm tiếc và quan ngại sâu sắc” về quyết định của Serbia chuyển Đại sứ quán nước này từ TP Tel Aviv của Israel đến Jerusalem, nhấn mạnh rằng điều này có thể gây tổn hại tới những nỗ lực sớm gia nhập EU của quốc gia vùng Balkans này.

Trả lời báo giới tại Brussels (Bỉ), người phát ngôn chính sách đối ngoại của EU Peter Stano cho biết EU duy trì cam kết về giải pháp hai nhà nước, tức là Jerusalem sẽ là thủ đô của cả Israel và Nhà nước Palestine trong tương lai, và phái bộ ngoại giao của liên minh sẽ đặt tại thành phố Tel Aviv.

EU muốn các nước chuẩn bị gia nhập liên minh này như Serbia sẽ tuân thủ các lập trường và chính sách đối ngoại của EU.

Ông Stano khẳng định: “Không có nước thành viên EU nào có đại sứ quán tại Jerusalem. Mọi biện pháp đối ngoại đi ngược lại lập trường chung của EU về vấn đề Jerusalem là điều đáng lo ngại" và "lấy làm tiếc" về quyết định này của Serbia.

Trong một động thái bất ngờ tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Serbia đã cam kết chuyển Đại sứ quán Serbia đến Jerusalem vào tháng 7/2021 cũng như Serbia sẽ cải thiện quan hệ với Israel.

Jerusalem là thành phố linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái. Sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm Đông Jerusalem và sáp nhập vào lãnh thổ của mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Israel coi Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt" của mình, trong khi người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.

Tháng 12/2017, Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán nước này từ Tel Aviv đến Jerusalem, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình phản đối tại Palestine và nhiều nước.

* Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye ngày 7/9 cho biết Chính quyền Palestine (PA) đang cố gắng lấy lại các khoản thuế do Israel thu hộ.

Palestine đã từ chối nhận các khoản tiền này để phản đối kế hoạch của Israel nhằm sáp nhập các vùng lãnh thổ ở Bờ Tây và áp đặt chủ quyền đối với các khu định cư Do Thái.

Phát biểu trong phiên họp nội cách hàng tuần ở Ramallah, Thủ tướng Ishtaye nói: “Các khoản thuế là tiền của người dân Palestine và chúng tôi đang cố gắng lấy lại mà không bị Israel tống tiền".

Theo thỏa thuận kinh tế năm 1995, Israel thay mặt PA thu một số loại thuế từ các nhà nhập khẩu Palestine bởi chính quyền Do Thái kiểm soát các cửa khẩu.

Số tiền này sau đó được Israel hàng tháng chuyển vào kho bạc của PA để trả lương cho đội ngũ công chức, nhân viên an ninh và trang trải các chi phí hoạt động tại Gaza và Bờ Tây.

Tuy nhiên, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm 19/5 tuyên bố PA và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) chấm dứt mọi thỏa thuận sơ bộ, cũng như chính thức, với chính quyền Israel và Mỹ.

PA đã từ chối nhận các khoản tiền trên để phản đối kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ ở Bờ Tây và áp đặt chủ quyền đối với các khu định cư Do Thái.

Kể từ thời điểm đó, PA đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng và chỉ thanh toán được khoảng 50% tiền lương tháng cho đội ngũ công chức và nhân viên an ninh. Theo thỏa thuận, các khoản thuế mà Israel thu hộ cho PA chiếm 60% tổng ngân sách của Palestine.

L.H (tổng hợp TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/245341/eu-canh-cao-serbia-ve-quyet-dinh-chuyen-dai-su-quan-den-jerusalem.html