EU họp thượng đỉnh, bàn chuyện loại bỏ phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu của Nga
Cuộc họp thượng đỉnh EU sẽ tiến hành trong hai ngày 10 và 11-3 tại Versailles, Pháp, với chủ đề chính là giảm dần và loại bỏ sự phụ thuộc của EU vào nhập khẩu khí đốt, dầu và than từ Nga. Trong khi đó, Nga đã cảnh cáo phương Tây về viễn cảnh giá dầu sẽ đạt đỉnh trên 300 đô la/thùng và khả năng nước này sẽ đóng đường ống dẫn khí đốt Nga – Đức nếu các chính phủ phương Tây tẩy chay nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.
Theo bản dự thảo của EU, cuộc họp Versailles cũng thảo luận về thúc đẩy khả năng phòng thủ chung của EU và nỗ lực gia nhập khối 27 thành viên này của Ukraine. Reuters nói rằng cuộc họp sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách của EU đối với Moscow sau khi Nga tấn công Ukraine.
Nhà máy lọc dầu của hãng Gazprom Neft ở Omsk, Nga. Sự cự tuyệt của phương Tây đối với nguồn nhiên liệu của Nga có thể khiến giá dầu duy trì ở đỉnh cao trên 150 đô la/thùng trong năm nay. Nhưng phía Nga nói giá có thể bị đẩy lên 300 đô la/thùng. Ảnh: Reuters
Khủng hoảng hình thành thay đổi kiến tạo
“Chúng tôi đồng ý loại bỏ dần sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu mỏ và than của Nga”, bản dự thảo tuyên bố của các nhà lãnh đạo EU cho biết.
Tuy nhiên, đây sẽ là một thách thức nghiêm trọng bởi EU nhập từ Nga 45% lượng khí đốt, khoảng 1/3 lượng dầu và gần một nửa lượng than. Vì thế, EU trở nên dễ bị tổn thương nếu Nga quyết định trả đũa các chính sách của EU bằng cách hạn chế xuất khẩu nguồn năng lượng.
Quyết định này đánh dấu một bước ngoặt vì chỉ trong năm ngoái, Đức vẫn xúc tiến đưa đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga đi vào hoạt động. Cùng lúc đó, các thành viên EU vốn phụ thuộc phần lớn vào nguồn năng lượng của Nga như Ý, Áo hoặc Hungary không vội vàng tìm kiếm các lựa chọn thay thế.
Nhưng các lãnh đạo EU nói rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã thay đổi mọi thứ.
“Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tạo thành một sự thay đổi kiến tạo trong lịch sử châu Âu”, các nhà lãnh đạo tuyên bố trong văn kiện dự kiến sẽ được công bố lúc kết thúc thượng đỉnh Versailles.
Các nhà lãnh đạo cho biết EU sẽ đa dạng hóa các tuyến và nguồn cung cấp năng lượng thông qua việc sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và phát triển khí sinh học và hydro.
Châu Âu cũng sẽ đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng tái tạo và sản xuất các thành phần quan trọng của chúng. Hơn nữa, các nước EU sẽ kết nối các mạng lưới điện và khí đốt của châu Âu để chia sẻ nguồn tài nguyên tốt hơn, đồng bộ hóa hoàn toàn lưới điện và củng cố kế hoạch dự phòng để đảm bảo an ninh nguồn cung cấp.
Chịu trách nhiệm nhiều hơn về tương lai của EU
“Đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng, cạnh tranh chiến lược và các mối đe dọa an ninh, chúng tôi quyết định chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của mình và thực hiện các bước quyết định hơn nữa nhằm xây dựng chủ quyền châu Âu, giảm bớt sự phụ thuộc và thiết kế một mô hình đầu tư và tăng trưởng mới cho năm 2030”, dự thảo viết.
Chịu tác động mạnh của tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn và dược phẩm trong các đợt bùng phát Covid-19, EU cũng sẽ thảo luận về cách làm cho khối này độc lập hơn về mặt chiến lược với các nhà cung cấp toàn cầu trong các ngành chip và dược phẩm.
Trong các lĩnh vực chiến lược khác như sản xuất chất bán dẫn cần thiết cho hầu hết máy móc và thiết bị điện tử tiên tiến, dự thảo cho thấy các nhà lãnh đạo sẽ đặt mục tiêu tăng hơn gấp đôi thị phần sản xuất của châu Âu lên 20% vào năm 2030.
EU cũng sẽ tìm cách phát triển lĩnh vực dược phẩm với mục tiêu dẫn đầu về thuốc sinh học và đầu tư vào các công nghệ kỹ thuật số như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và triển khai mạng di động 5G.
Lương thực cũng sẽ được chú trọng. “Chúng tôi sẽ cải thiện an ninh lương thực của mình bằng cách giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu và đầu vào”, dự thảo viết.
Sau nhiều năm phụ thuộc vào Mỹ như là hậu thuẫn an ninh cao nhất cho châu Âu – một chính sách từng bị cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích, EU giờ đây sẽ chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, dự thảo cho biết thêm.
“Chúng tôi đồng ý tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, với một phần đáng kể dành cho đầu tư, tập trung vào những thiếu hụt chiến lược đã xác định và với khả năng quốc phòng được phát triển theo cách hợp tác trong Liên minh châu Âu”.
Viễn cảnh khủng khiếp: giá dầu vọt lên 300 đô la/thùng
Vào tối 11-3 sắp tới, bản dự thảo của hội nghị thượng đỉnh Versailles chưa chắc chắn sẽ được công bố hoàn toàn 100% như lúc soạn thảo. Tuy nhiên, vào lúc này, khả năng Mỹ có thể cấm nhập khẩu dầu từ Nga đã khiến giá dầu thô Brent vọt lên gần 140 đô la/thùng – mức cao nhất kể từ năm 2008 đến nay.
Nga hiện là nước xuất khẩu hàng đầu về dầu thô và các sản phẩm dầu khác với năng lực khoảng 7 triệu thùng mỗi ngày hoặc 7% nguồn cung ứng toàn cầu. Một lệnh cấm chưa từng có tiền lệ của Mỹ sẽ là “tên lửa” phóng giá dầu vốn đã cao hiện nay lên cao hơn nữa, tạo những cú sốc lạm phát trên 7% ở hai bên bờ Đại Tây Dương – tức khối kinh tế Bắc Mỹ và EU.
Các chính phủ phương Tây đã không trực tiếp trừng phạt lĩnh vực năng lượng của Nga nhưng một số khách hàng đã tránh xa dầu của họ để tránh vướng vào những rắc rối pháp lý sau này.
JP Morgan dự đoán dầu có thể đạt kỷ lục 185 đô la/thùng vào cuối năm 2022 nếu sự gián đoạn đối với xuất khẩu của Nga tiếp tục kéo dài. Trước đó, cùng với các nhà phân tích được Reuters tham vấn, JP Morgan dự kiến mức giá trung bình hàng năm dưới 100 đô la.
Lần cuối cùng giá dầu trên 100 đô la là vào năm 2014 và mức giá gần 140 đô la/thùng vào hôm qua 7-3 gần như không quá cách biệt với mức đỉnh hơn 147 đô la/thùng vào tháng 7-2008. Đó là một mức leo dốc từ năm 2020 khi nhu cầu dầu giảm rõ rệt do ảnh hưởng của dịch Covid, lúc đó một thùng dầu thô Tây Texas ở mức dưới 0 đô la vì người bán phải trả tiền để loại bỏ dầu WTI.
Giovanni Staunovo, nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng UBS của Thụy Sĩ, cho biết: “Một cuộc chiến kéo dài gây gián đoạn nguồn cung hàng hóa trên diện rộng có thể khiến dầu Brent vượt mốc 150 đô la/thùng”.
Tuy nhiên, các mức dự báo của các nhà phân tích phương Tây không thể nào bắt kịp với dự phóng của Nga trước viễn cảnh Mỹ và phương Tây có thể cấm nhập khẩu năng lượng của Nga.
“Một điều rất rõ ràng là việc từ chối nhập dầu của Nga có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc đối với thị trường toàn cầu. Việc tăng giá sẽ không thể dự báo được nữa. Có thể là 300 đô la/thùng nếu giá sẽ không tăng nữa”, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết trong một tuyên bố trên kênh truyền hình nhà nước.
Ông Novak nói châu Âu sẽ mất hơn một năm để tìm nguồn thay thay thế khối lượng dầu mà họ nhận được từ Nga và EU sẽ phải trả giá cao hơn đáng kể.
Ricky Hồ