EU muốn Temu 'mạnh tay' với hàng bất hợp pháp

Ủy ban châu Âu (EC) vừa yêu cầu Temu cung cấp thông tin về các biện pháp ngăn chặn bán hàng bất hợp pháp trên nền tảng theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA).

Theo Reuters, ngày 11/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi yêu cầu cung cấp thông tin (RFI) đến Temu, đề nghị nền tảng này cung cấp thông tin chi tiết và các tài liệu nội bộ liên quan đến các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng bán hàng hóa bất hợp pháp tràn lan trên sàn thương mại điện tử.

Theo thông báo, Temu phải hoàn thành cung cấp thông tin trước ngày 21/10. "Dựa trên việc đánh giá các phản hồi của Temu, Ủy ban sẽ quyết định các bước tiếp theo", EC bổ sung.

Trước đó, vào đầu tháng 6, nền tảng này cũng nhận được thông báo sẽ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn theo đạo luật VLOP (Very Large Online Platforms, tạm dịch: Các nền tảng trực tuyến rất lớn) thuộc Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu (EU), áp dụng cho các công ty có hơn 45 triệu người dùng thường xuyên.

Không riêng EU, tác động của hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn lan đang khiến quan chức nhiều quốc gia lo ngại. Hiện, một số nước đã áp dụng các chính sách "mạnh tay" nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa Trung Quốc qua các nền tảng như Temu, Shein.

Giữa tháng 9, Mỹ công bố các biện pháp mới nhằm giảm phạm vi áp dụng miễn thuế cho các mặt hàng giá trị thấp. Đồng thời, nước này cũng phê duyệt mức thuế tăng thêm cho hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Còn tại Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia đang có các quy định nghiêm ngặt để bảo vệ sản xuất trong nước. Hôm 8/10, nước này thông báo cấm Temu để bảo vệ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngăn chặn hàng hóa giá rẻ tràn vào.

Nền tảng mua sắm giá rẻ Temu thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc PDD Holdings. Ở Mỹ, Temu hiện là nền tảng thương mại điện tử có lượng truy cập lớn thứ 2 với khoảng 2,3% thị phần, thua xa con số 40% từ Amazon.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/eu-muon-temu-manh-tay-voi-hang-bat-hop-phap-post1503617.html