EU - Mỹ 'đình chiến' tranh chấp thương mại

Brussels và Washington vừa nhất trí tạm ngừng áp thuế trả đũa trong vòng 4 tháng tới liên quan đến cuộc tranh cãi về vấn đề trợ cấp cho 2 hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing.

Tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Pháp Franck Riester nêu rõ thỏa thuận này là một bước đi đầu tiên trong tiến trình giảm leo thang tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Bất đồng kéo dài 16 năm

Quyết định trên được Mỹ và EU đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Thông cáo của EC dẫn lời bà U.Leyen cho biết, 2 chính trị gia nhất trí tạm ngừng mọi khoản thuế đã áp đặt liên quan đến cuộc tranh cãi về việc trợ cấp cho các hãng Boeing và Airbus, trong thời gian ban đầu là 4 tháng.

Mỹ và EU tạm ngừng áp thuế trả đũa nhau trong 4 tháng liên quan trợ cấp của chính phủ 2 bên đối với 2 hãng hàng không Boeing và Airbus.

Mỹ và EU tạm ngừng áp thuế trả đũa nhau trong 4 tháng liên quan trợ cấp của chính phủ 2 bên đối với 2 hãng hàng không Boeing và Airbus.

“Tổng thống Biden và tôi đã nhất trí tạm ngừng mọi khoản thuế mà chúng ta áp đặt trong bối cảnh của cuộc tranh cãi Airbus-Boeing, kể cả các mặt hàng máy bay và không phải là máy bay, trong thời gian ban đầu là 4 tháng” - trích lời bà U.Leyen. Bộ trưởng Thương mại Pháp Franck Riester cho biết: “Giờ đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban châu Âu và các đối tác châu Âu của chúng tôi trong 4 tháng tới để đưa ra những quy định mới về vấn đề trợ cấp công cho lĩnh vực hàng không vũ trụ, phù hợp với các lợi ích của chúng tôi”.

Mỹ và EU áp thuế trả đũa lẫn nhau do bất đồng kéo dài 16 năm qua liên quan trợ cấp của các chính phủ hai bên đối với hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus và đối thủ Boeing của Mỹ. Cuộc tranh chấp kéo dài khiến hai bên phải đưa vụ việc này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sau đó, WTO đứng ra giúp hòa giải tranh chấp bằng cách cho phép 2 bên áp thuế với các sản phẩm của nhau để bù vào các khoản trợ cấp.

Năm 2019, Washington áp thuế đối với các mặt hàng EU với tổng trị giá 7,5 tỷ USD vì các khoản trợ cấp của khối này với Airbus. Cụ thể, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump giáng đòn trừng phạt thuế 25% đối với nhiều mặt hàng thực phẩm của EU, tăng thuế đối với máy bay Airbus nhập khẩu vào Mỹ từ 10% lên 15%. Tháng 10/2020, EU áp thuế đối với gần 4 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ vì trợ cấp của Washington đối với hãng sản xuất máy bay Boeing.

“Hạ nhiệt” căng thẳng để thúc đẩy kinh tế

Chủ tịch EC U.Leyen nhận định, việc cả Mỹ và EU đều cam kết tập trung giải quyết các bất đồng còn tồn tại đã mang đến một tin tốt lành đối với các ngành kinh doanh, công nghiệp hàng không vũ trụ ở cả hai bờ Đại Tây Dương và là tín hiệu tích cực cho hợp tác kinh tế Mỹ - EU trong những năm tới.

Quyết định ngừng áp thuế theo kiểu “ăn miếng trả miếng” đối với máy bay và các hàng hóa khác của các nhà lãnh đạo Mỹ và EU sẽ giảm bớt khó khăn cho các nhà sản xuất máy bay, vốn đang điêu đứng vì dịch bệnh COVID-19. Thống kê của Airbus cho thấy, hãng này lỗ ròng 1,3 tỷ USD trong năm 2020, trong khi đó, Boeing có kết quả kinh doanh đáng buồn khi tổng thiệt hại trong cả năm 2020 lên đến 11,9 tỷ USD.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh nước Mỹ đang đối mặt với các thách thức gay gắt chưa từng có như hiện nay, còn EU nhọc nhằn tìm cách vượt qua khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh; việc hai bên “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, sự kiện ngừng áp thuế lẫn nhau còn mở đường cho Mỹ và EU khôi phục, phát triển nhiều nội dung hợp tác toàn cầu khác về an ninh, chống biến đổi khí hậu..., vốn bị đình trệ hoặc gián đoạn trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hà Anh

( (Theo New York Times, CNBC))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/eu-my-dinh-chien-tranh-chap-thuong-mai-n187884.html