EU nêu điều kiện với Nga trong vụ bắt giữ ông Navalny

Ngày 25/1, Liên minh châu Âu (EU) cho biết, sẽ ngừng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nếu Điện Kremlin thả chính trị gia đối lập Alexei Navalny.

EU sẽ ngừng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nếu Điện Kremlin thả chính trị gia đối lập Alexei Navalny. (AP)

EU sẽ ngừng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nếu Điện Kremlin thả chính trị gia đối lập Alexei Navalny. (AP)

Phát biểu sau cuộc họp ngoại trưởng các nước EU, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nêu rõ: "Chúng tôi đã nhất trí sẽ chờ phán quyết của tòa án, chờ xem... liệu Alexei Navalny có được thả tự do sau 30 ngày hay không".

Trước đó, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho biết, EU cần gửi một "thông điệp rất rõ ràng và dứt khoát" tới Moscow, đồng thời kêu gọi EU thống nhất các biện pháp trừng phạt theo khuôn khổ trừng phạt nhân quyền mới, cho phép áp dụng nhanh hơn việc phong tỏa tài sản và cấm đi lại.

Các nước Baltic là Latvia và Estonia cũng ủng hộ các biện pháp trừng phạt của EU đối với các cá nhân Nga, trong khi Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hối thúc Liên minh tăng cường các biện pháp trừng phạt Moscow.

Hôm 24/1, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho biết, Rome sẵn sàng ủng hộ bổ sung lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản.

Bất chấp những lời kêu gọi từ các nước Baltic, Italy, Ba Lan và Romania về các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Đức đã tìm cách cho Điện Kremlin thêm thời gian.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, ông sẽ đến Moscow vào tuần tới để thúc giục trả tự do cho những người biểu tình và Navalny.

Các nhà lãnh đạo EU có thể sẽ thảo luận về các bước tiếp theo tại hội nghị thượng đỉnh của khối, dự kiến vào ngày 25-26/3.

Đức và Pháp, các cường quốc lớn của EU, sẽ có vai trò trung tâm trong việc quyết định liệu khối này có áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga hay không.

Trước đó, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các lĩnh vực năng lượng, tài chính và vũ khí của Nga liên quan đến việc Moscow sáp nhập Crimea hồi năm 2014.

Năm ngoái, EU cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 6 quan chức Nga để phản ứng trước việc ông Navalny được cho là bị đầu độc.

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-neu-dieu-kien-voi-nga-trong-vu-bat-giu-ong-navalny-134862.html