EU nỗ lực thu hẹp bất đồng

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến 18-7, Đức-quốc gia giữ vị trí Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng cuối năm, đang nỗ lực để các nước thành viên nhất trí về quỹ phục hồi kinh tế EU.

Theo Reuters, ngày 14-7, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, nước này sẵn sàng thúc đẩy sự thỏa hiệp về quỹ phục hồi kinh tế EU giữa các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh tới đây.

Tuy nhiên, bà Angela Merkel cũng nhấn mạnh không có gì bảo đảm các nhà lãnh đạo sẽ thu hẹp được bất đồng liên quan đến các đề xuất của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, vốn được đưa ra nhằm giúp EU vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Về phần mình, Thủ tướng Tây Ban Nha kêu gọi lãnh đạo các nước thành viên EU khác nỗ lực để đạt được thỏa thuận.

EU đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như chống Covid-19, phục hồi nền kinh tế, quan hệ thương mại với Anh hậu Brexit hay làn sóng người di cư... Trong đó, thách thức lớn nhất đối với EU là nhanh chóng chấn hưng nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Theo kế hoạch, tại Hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên sẽ thảo luận nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro (khoảng 845 tỷ USD). Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo các nước EU kể từ khi hoạt động đi lại bị hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

 Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định sẵn sàng thúc đẩy sự thỏa hiệp về quỹ phục hồi kinh tế EU.Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định sẵn sàng thúc đẩy sự thỏa hiệp về quỹ phục hồi kinh tế EU.Ảnh: Reuters.

Trước đó, ngày 10-7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đề xuất ngân sách dài hạn cho EU trong giai đoạn 2021-2027 trị giá 1.074 nghìn tỷ euro, giảm so với đề xuất 1.094 nghìn tỷ euro mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra. Ngoài ra, ông Michel cũng đề xuất lập một quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro cho các nền kinh tế chịu ảnh hưởng của Covid-19, trong đó 2/3 dưới dạng trợ cấp và 1/3 dưới dạng các khoản vay. Đề xuất về khoản ngân sách cho quỹ phục hồi kinh tế do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra trùng khớp với đề xuất trước đó của EC. Từ cuối tháng 5 vừa qua, EC đã đề xuất thiết lập quỹ phục hồi kinh tế EU sau đại dịch Covid-19 trị giá 750 tỷ euro nhằm giúp các nền kinh tế EU vượt qua khủng hoảng. Để có thể triển khai quỹ này, cần phải có sự đồng thuận của 27 quốc gia thành viên.

Cho đến nay, vẫn còn những tranh cãi xung quanh quỹ phục hồi kinh tế EU. Trong khi hai quốc gia đầu tàu EU là Đức và Pháp hoàn toàn ủng hộ thì một số nước Bắc Âu vẫn phản đối đề xuất này. Nhóm 4 nước phản đối gồm Hà Lan, Đan Mạch, Áo và Thụy Điển phản đối vì cho rằng EU phân bổ khoản tiền 750 tỷ euro mà không đi kèm các nghĩa vụ về trả nợ là không hợp lý. Các nước này cũng cho rằng, EU phải có quyền giám sát việc chi tiêu của những nước được hưởng lợi bởi số tiền này được trích từ ngân sách chung của khối. Theo AFP, ngày 14-7, phát biểu trước Quốc hội Hà Lan, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh quan điểm của nước này là ủng hộ phân bổ vốn hỗ trợ cho các quốc gia theo hình thức cho vay kèm các điều kiện cải cách kinh tế nghiêm ngặt như thay đổi rõ rệt về chính sách lương hưu và thị trường lao động. Ngoài ra, Hà Lan cũng phải có quyền phủ quyết khoản hỗ trợ nếu quốc gia thành viên nhận hỗ trợ không thực hiện những cải cách đó.

Đức luôn lên tiếng kêu gọi các nước thành viên còn lại trong EU nêu cao tinh thần đoàn kết, bảo vệ lẫn nhau trước khủng hoảng. “EU sẽ trở nên mạnh mẽ hơn sau khủng hoảng nếu như chúng ta tăng cường tinh thần đoàn kết. Không ai có thể một mình thoát ra cuộc khủng hoảng này. Tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nêu rõ khi phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Brussels hôm 8-7.

Tinh thần đoàn kết của 27 thành viên EU đang được thử thách trong những tháng gần đây sau khi đại dịch Covid-19 bất ngờ ập tới. Bởi vậy, mục tiêu của Đức là gắn kết các nước thành viên để tìm được tiếng nói chung về hướng đi phục hồi kinh tế vốn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. Dù cho trên thực tế, việc giải quyết những bất đồng về ngân sách không phải là vấn đề dễ dàng gì.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/eu-no-luc-thu-hep-bat-dong-627064