EU phát lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ
Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/7 đã thông qua một loạt các biện pháp chính trị và tài chính để trừng phạt việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khoan thăm dò bất hợp pháp trong vùng lãnh hải của đảo Síp bất chấp các cảnh báo.
"Lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ đã được thông qua và sẽ được công bố trong vài giờ tới", đại diện ngoại giao châu Âu, bà Federica Mogherini nói sau cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao EU tại Brussels ngày 15/7.
Biện pháp trừng phạt nặng nề nhất là cắt giảm 145,8 triệu euro tiền viện trợ từ các quỹ của EU cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020. Ngân hàng Đầu tư châu Âu cũng được yêu cầu xem xét lại các điều kiện cấp vốn cho Ankara.
Ngoài ra, EU sẽ hạ cấp cuộc đối thoại cấp cao với Ankara, mặc dù không đình chỉ hoàn toàn cơ chế đối thoại này.
Trước đó, các nhà lãnh đạo EU từng đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt vào cuối tháng 6/2019 nếu Ankara từ chối ngừng hoạt động khoan thăm dò "bất hợp pháp" ở đảo Síp.
Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục cử tàu thăm dò thứ hai tới đảo Síp.
Các hoạt động này vẫn tiếp diễn mặc dù đã có cảnh báo và điều này là "không thể chấp nhận được", một nhà ngoại giao EU giải thích.
Việc phát hiện ra các mỏ khí khổng lồ ngoài khơi Síp đã làm nảy sinh tranh chấp về quyền và ranh giới hàng hải giữa các quốc gia trong khu vực.
Cộng hòa Síp, chỉ có thẩm quyền ở hai phần ba hòn đảo và là thành viên của Liên minh châu Âu, đã ký hợp đồng thăm dò với các tập đoàn ENI của Ý, Total của Pháp hoặc ExxonMobil của Mỹ.
Ankara phản đối bất kỳ hoạt động thăm dò và khai thác tài khí đốt nào không có sự tham dự của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Síp (TRNC) tự xưng, vốn không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Nhưng sau sự phản ứng không có tác dụng, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi các tàu thăm dò tới khu vực thuộc quyền kiểm soát của TRNC. Hành động này đã bị Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu phản đối mạnh mẽ, thậm chí còn đe dọa trừng phạt.
Ngày 13/7, người đứng đầu nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Síp, Mustafa Akinci đã đề xuất thành lập một ủy ban chung để giải quyết vấn đề chia sẻ dầu khí ngoài khơi đảo Síp. Ủy ban do ông Akinci đề xuất sẽ có sự tham gia của các thành viên Cộng hòa Síp và TRNC, và sự giám sát của Liên hợp quốc. EU cũng sẽ được đưa một đại diện quan sát vào ủy ban này.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/eu-phat-lenh-trung-phat-tho-nhi-ky-543098.html