EU tìm lối thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga

Liên minh châu Âu dự tính tìm nguồn cung mới và đẩy mạnh hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga.

Hôm 8/3, Liên minh châu Âu (EU) thông báo kế hoạch giảm 2/3 lượng nhập khẩu khí đốt của Nga vào cuối năm nay. Đây là động thái trừng phạt đầu tiên của EU nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Nga.

Kế hoạch này đánh dấu sự thay đổi lớn đối với dòng chảy khí đốt của châu Âu. Ước tính 45% lượng khí đốt EU tiêu thụ được nhập khẩu từ Nga trong năm 2021.

Theo tài liệu của Ủy ban châu Âu (EC), kế hoạch cắt giảm năng lượng nhập khẩu sắp tới có tên REPowerEU.

 EU nhập khẩu 45% lượng khí tự nhiên từ Nga. Ảnh: AP.

EU nhập khẩu 45% lượng khí tự nhiên từ Nga. Ảnh: AP.

Tìm nguồn cung mới

Cơ quan này cho biết ngay cả trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị gián đoạn hoàn toàn, EU vẫn có đủ lượng khí đốt trong kho dùng cho mùa đông năm nay. Tuy nhiên, lượng dự trữ trong kho chỉ ở mức thấp, dưới 30%. Do đó, EU cần nạp đầy các bình chứa khí đốt trước khi mùa đông tiếp theo tới.

Dự kiến trong tháng 4 sắp tới, EU sẽ công bố đề xuất lập pháp với mục tiêu lấp đầy 90% các bồn dự trữ vào ngày 1/10 hàng năm. Cho đến khi đạo luật chính thức được thông qua, EU kêu gọi các nước thành viên chuẩn bị nạp đầy kho dự trữ cho mùa đông sắp tới.

Ngoài Nga, EU đang tiến hành đối thoại với các quốc gia như Algeria, Azerbaijan, Ai Cập, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nigeria, Na Uy, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ để nhập khẩu khí đốt thông qua ống dẫn hoặc dưới dạng khí hóa lỏng.

Từ tháng 1 và tháng 2, EU đã nhập khẩu một lượng khí tự nhiên hóa lỏng kỷ lục. EC cho biết những thỏa thuận nhập khẩu mới sẽ cho phép EU có thêm 50 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm.

 EU chỉ có đủ lượng khí tự nhiên cho mùa đông năm nay. Ảnh: Bloomberg.

EU chỉ có đủ lượng khí tự nhiên cho mùa đông năm nay. Ảnh: Bloomberg.

EU mong muốn sản xuất 35 tỷ m3 khí tự nhiên tái tạo biomethane vào năm 2030, tức gấp đôi so với các mục tiêu trước đây. Để hiện thực hóa kế hoạch này, EU sẽ sử dụng các nguồn sinh khối có sẵn như chất thải nông nghiệp.

Năng lượng tái tạo được xem như một trong những yếu tố chính giúp EU giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Do đó, việc phát triển hệ sinh thái sản xuất hydrogen tái tạo như cơ sở hạ tầng, khả năng lưu trữ và cảng vụ sẽ giúp EU thay thế từ 25-50 tỷ m3 khí đốt nhập khẩu từ Nga mỗi năm vào năm 2030.

Hydrogen tái tạo hiện nay được sản xuất bằng máy điện phân chạy bằng năng lượng tái tạo như gió hoặc mặt trời.

Chú trọng năng lượng tái tạo

EU sẽ đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo và máy bơm nhiệt. Đơn cử như năng lượng mặt trời, các nước trong khối dự định lắp đặt hệ thống năng lượng trên mái nhà với sản lượng khoảng 15 terewatt/giờ trong năm nay. Nếu hoàn thành, EU có thể tiết kiệm khoảng 2,5 tỷ m3 khí đốt.

Trong tháng 6, EC sẽ thông báo đầy đủ lộ trình phát triển năng lượng mặt trời. EU cũng đề xuất tăng thêm 10 triệu máy bơm nhiệt trong 5 năm tới.

Ngoài ra, nếu đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong gia đình, tòa nhà và các ngành công nghiệp, EU sẽ tiết kiệm được thêm 25 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.

Lộ trình vào tháng 5 năm nay, EC sẽ trao đổi về vấn đề cấp phép xây dựng cho các công trình liên quan đến năng lượng tái tạo và cải thiện cơ sở hạ tầng lưới điện. Ủy ban cũng cung cấp thêm cơ chế tài chính để thúc đẩy hoạt động mua bán điện ở khu vực châu Âu.

Các biện pháp này cần phải đáp ứng những tiêu chí nhất định để đảm bảo sự tương xứng, có giới hạn về thời gian và tránh những biến dạng thị trường không đáng có

Liên minh châu Âu

Giá năng lượng và hàng hóa nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong thời gian sắp tới khi EU giảm nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga. Để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ, EU cho phép một số quốc gia thành viên điều tiết giá cả hoặc hỗ trợ cho đối tượng dễ bị tổn thương.

Trên hết, các quốc gia trong khối có thể đánh thuế tạm thời lợi nhuận của nhóm công ty năng lượng. Các khoản thuế này sẽ được xoay vòng và chiết khấu cho hóa đơn thanh toán của người tiêu dùng.

Song song, EU sẽ sử dụng doanh thu kinh doanh khí thải để giảm giá hóa đơn năng lượng cho người tiêu dùng thuộc nhóm dễ bị tổn thương.

Ngoài EU, Mỹ và một số nước phương Tây như Anh đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đánh vào lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga.

Hôm 8/3, Tổng thống Joe Biden thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga vào thị trường Mỹ. Anh cũng công bố một số hạn chế đối với hoạt động nhập khẩu dầu từ Nga, đồng thời cho biết sẽ loại bỏ giảm sản lượng nhập khẩu vào cuối năm nay.

Thông tin này lập tức tác động tiêu cực đến giá dầu thế giới. Hai loại dầu là WTI và Brent nhanh chóng tăng mạnh và tiến sát ngưỡng 130 USD/thùng trong ngày 9/3.

Ngọc Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/eu-tim-loi-thoat-khoi-su-phu-thuoc-vao-khi-dot-cua-nga-post1301370.html