EU ưu tiên giải pháp ngoại giao trong vấn đề hạt nhân Iran
Đại diện cấp cao của EU F.Mogherini cho biết các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân Iran không coi các vi phạm của Tehran là nghiêm trọng và chưa có ý định kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp.
Phóng viên TTXVN tại Brussels đưa tin, ngày 15/7, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân Iran không coi các vi phạm của Tehran là nghiêm trọng và chưa có ý định kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp của thỏa thuận, đồng thời ưu tiên giải pháp ngoại giao để giải quyết khủng hoảng.
Phát biểu tại Brussels sau cuộc họp ngoại trưởng EU, bà Federica Mogherini cho biết các ngoại trưởng đã không đưa ra kết luận nào về những biện pháp tiếp theo cần thực hiện để giải quyết căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran.
Đại diện cấp cao của EU tuyên bố trong thời điểm hiện tại, không có bên nào trong thỏa thuận này báo hiệu ý định kích hoạt điều khoản về một cơ chế cho phép trừng phạt trong trường hợp không tuân thủ. Bà giải thích điều đó có nghĩa là hiện không bên nào, với những dữ liệu hiện có, đặc biệt là của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), coi các vi phạm của Iran mang tính nghiêm trọng.
Các thanh sát viên của IAEA tuần trước đã xác nhận cấp độ làm giàu urani của Iran đã đạt hơn 4,5% vào ngày 8/7, vượt xa mức cho phép theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc là 3,67%.
Các ngoại trưởng EU đã tổ chức các cuộc đàm phán về việc cứu thỏa thuận hạt nhân Iran, trong bối cảnh nước Anh cảnh báo "khe cửa hẹp" cho thành công đang đóng lại khi Tehran đưa ra những cảnh báo mới về việc khởi động lại chương trình hạt nhân của mình.
Ngay trước thềm cuộc họp này, Tehran cảnh báo nếu các nước châu Âu không thực hiện đúng các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân, Iran sẽ để tình hình quay trở lại thời kỳ như trước khi có thỏa thuận.
Theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Iran sẽ phải hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân.
Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran./.