EURO 2024 liệu có thực sự bền vững?

Khi Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2024) ở Đức bước vào giai đoạn cuối, câu trả lời đối với cam kết tổ chức giải đấu bền vững nhất trong lịch sử EURO cũng vẫn còn chưa chắc chắn.

Cổ động viên hai đội vui vẻ chụp ảnh chung. Ảnh: Thu Hằng - PV TTXVN tại Đức

Cổ động viên hai đội vui vẻ chụp ảnh chung. Ảnh: Thu Hằng - PV TTXVN tại Đức

Cam kết bền vững được Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đưa ra không phải là dễ thực hiện. Các sự kiện thể thao quốc tế lớn có xu hướng tích hợp lượng khí thải carbon lớn và EURO 2024 cũng không ngoại lệ.

Bà Pamela Wicker, Giáo sư về quản lý thể thao và xã hội học thể thao tại Đại học Bielefeld của Đức, cho biết: “Vấn đề của thể thao là nó sẽ thân thiện với môi trường nhất khi không có sự kiện thể thao nào cả”. Tuy nhiên, do những tác động xã hội tích cực của chúng, bà ủng hộ việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn như thế này "theo cách bền vững hơn về môi trường và bền vững hơn về kinh tế".

Viện nghiên cứu môi trường của Đức, Öko-Institute, dự đoán rằng vào thời điểm tiếng còi cuối cùng của EURO 2024 vang lên vào giữa tháng Bảy, giải đấu kéo dài một tháng này sẽ thải ra khoảng 500.000 tấn dioxide carbon (CO2), tương đương với lượng khí thải hàng năm của 120.000 ô tô.

Khoảng 80% lượng khí thải carbon đó liên quan đến giao thông vận tải, 2/3 trong số đó là từ giao thông hàng không đưa các cổ động viên và cầu thủ đến và đi từ các sân vận động, bất chấp những nỗ lực của

Đức, với tư cách là nước chủ nhà, trong việc nỗ lực hướng các cổ động viên di chuyển bằng tàu điện thay vì đi máy bay.

*Giảm khí thải trong giao thông

EURO 2024 là một loại thẻ đặc biệt, một sản phẩm độc quyền, dành cho những người mua xem thi đấu và có giá trị cho hành trình khứ hồi từ 32 quốc gia châu Âu".

Và khi đã đặt chân đến Đức, bất kể đến bằng cách nào, tất cả những người đã mua vé EURO 2024 đều có thể sử dụng miễn phí mạng lưới giao thông công cộng khu vực của Đức 12 giờ mỗi ngày.

Ông Benja Faecks, chuyên gia về thị trường carbon của cơ quan giám sát phi lợi nhuận Carbon Market Watch, cho rằng đây là bước đầu thực sự tốt. Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Hartmut Stahl của Viện Öko, mặc dù đây là một "ý tưởng hay" nhưng các nhà tổ chức đã không làm đến cùng.

Ông nói: “Đúng ra giải pháp tốt nhất nên có là miễn phí giao thông công cộng trên toàn nước Đức cho các cổ động viên. Đó mới thực sự là tiến bộ”.

Ở một số thành phố tổ chức trận đấu, như Berlin, Hamburg và Leipzig, không có bãi đậu xe công cộng gần sân vận động nên việc lái xe đến xem bóng đá là một khó khăn.

*Cơ sở hạ tầng và năng lượng

UEFA cũng đang thúc đẩy cơ sở hạ tầng bóng đá bền vững, bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo để cung cấp năng lượng cho các sân vận động và giảm mức sử dụng đèn pha tiêu tốn nhiều năng lượng. Ngoài vấn đề khí thải, những nỗ lực đã được thực hiện nhằm giảm lượng nước sử dụng bằng cách dùng “nước xám“, tức là nước thải hộ gia đình chưa qua xử lý và chưa bị ô nhiễm bởi nước xả thải.

Phân tích cuối cùng về sự thành công của các biện pháp này thì phải chờ cho đến sau trận chung kết và khi mọi người đã về nhà. Tuy nhiên, không chỉ hành vi của người hâm mộ mới quyết định liệu đây có phải là một giải đấu bền vững trên thực tế hay không mà cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò quan trọng.

Sân vận động Olympic Berlin sẵn sàng cho Euro 2024. Ảnh: Phương Hoa-Pv TTXVN tại Đức

Sân vận động Olympic Berlin sẵn sàng cho Euro 2024. Ảnh: Phương Hoa-Pv TTXVN tại Đức

*Tài trợ cho tương lai bền vững của bóng đá

Trong một động thái mới, UEFA cũng thành lập một quỹ carbon để trả 25 euro (26,78 USD) cho mỗi tấn khí thải CO2 được tạo ra trong giải đấu.

Quỹ này, dựa trên dự đoán trước giải đấu, sẽ lên tới 7 triệu euro, được sử dụng để giúp các đội bóng nghiệp dư của Đức trở nên bền vững hơn, thông qua việc lắp đặt những thiết bị như đèn pha LED tiết kiệm năng lượng, tấm pin Mặt trời và máy bơm nhiệt.

Ông Hartmut Stahl ca ngợi sáng kiến này như một giải pháp thay thế cho các chương trình bù đắp carbon nhằm đền bù cho lượng khí thải được tạo ra bằng cách mua sắm cho các dự án bền vững ở những nơi khác trên thế giới.

Ông nói: “Tiền không còn được dùng để mua chứng chỉ nữa mà thay vào đó, được trao cho các câu lạc bộ ở Đức vì có quá nhiều câu lạc bộ cần phải cải tạo cơ sở vật chất do hiệu quả sử dụng năng lượng là vấn đề lớn của họ".

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng 7 triệu euro chẳng là gì so với doanh thu dự kiến hơn 2 tỷ euro mà UEFA thu được từ giải đấu.

*Chỉ ra con đường phía trước

Ngoài tác động tức thời của giải đấu, theo khuyến nghị của UEFA, thực phẩm có nguồn gốc thực vật có lượng khí thải carbon thấp hơn được bán cùng với các sản phẩm có thịt có lượng khí thải carbon cao. Bà Alice Ainsworth từ tổ chức phi lợi nhuận Carbon Trust cho biết, các cầu thủ cũng đóng vai trò truyền cảm hứng cho người hâm mộ áp dụng nhiều biện pháp hướng tới lối sống thân thiện với môi trường hơn.

Bà Ainsworth nói: “Nếu các cổ động viên thấy thần tượng thể thao của mình chọn ăn ít thịt hơn, hoặc tránh đi lại trong nước bằng đường hàng không, hoặc có một cuộc sống bền vững hơn, điều đó có thể có tác động tích cực thực sự đáng kể đến các lựa chọn lối sống của một cá nhân”.

Nhưng Giáo sư Wicker cho rằng, mong đợi một giải đấu kéo dài 4 tuần sẽ tạo ra những thay đổi lớn về xã hội và môi trường là phi thực tế. Bà nói: “Nó không thể giúp mọi người sống bền vững hơn trong khoảng thời gian này nhưng tất nhiên, nó có thể tạo ra một số thay đổi ban đầu, có thể là điểm khởi đầu nhận thức đối với nhiều người khi thông tin xuất hiện lặp đi lặp lại trên các phương tiện truyền thông và truyền hình trong một tháng“.

Thu Hằng (P/v TTXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/euro-2024-lieu-co-thuc-su-ben-vung/339460.html