EVFTA: Vượt sức ép cạnh tranh bằng cách nào?
Khi EVFTA được thực thi, nhiều người tiêu dùng đã nghĩ đến việc có thể mua các sản phẩm nhập chính thức với giá thấp và điều này đồng nghĩa với việc tạo áp lực cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước.
Cạnh tranh là không thể tránh khỏi
Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế được gỡ bỏ sau 7 năm. Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết sẽ bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU. Sau 7 năm, số dòng thuế được xóa bỏ tăng lên 91,8% và sau 10 năm mức xóa bỏ thuế quan khoảng 98,3% số dòng thuế...
Theo ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EVFTA giúp cho các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam có điều kiện cạnh tranh mạnh mẽ, phát triển xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Song cũng không khỏi lo ngại sức ép cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa bởi hàng hóa của châu Âu vốn đã được ưa chuộng về chất lượng nay lại vào Việt Nam với giá cạnh tranh hơn.
Đơn cử mặt hàng sữa, khoảng 44% nhóm sản phẩm sẽ có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực hoặc sau 3 năm. Phần còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 5 năm. Trong khi tâm lý người tiêu dùng vẫn tin tưởng hàng ngoại ở nhóm thực phẩm nhất, khi sản phẩm sữa giảm thuế, người tiêu dùng sẽ dễ dàng tiếp cận được sữa chất lượng cao, giá rẻ của châu Âu.
Hoặc sản phẩm ngành chăn nuôi của DN nội hiện có giá thành cao, sức cạnh tranh thấp, nguyên nhân do sản xuất quy mô nhỏ, năng suất thấp, phụ thuộc nhiều vào giống và thức ăn nhập khẩu. Cụ thể giá thịt heo ở Việt Nam hiện nay ở mức 40.000 - 45.000đ/kg, trong khi thịt heo tại các nước châu Âu có giá chỉ 30.000 - 35.000đ/kg.
Theo ông Phạm Đức Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, tâm lý người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm đảm bảo vệ sinh, chất lượng, giá cả phải chăng. Thịt, sữa châu Âu đáp ứng đủ yêu cầu này nên sẽ tạo áp lực rất lớn với ngành chăn nuôi, ngành sữa.
Chủ động ứng phó
Vẫn theo ông Võ Tân Thành, bất kỳ một FTA nào cũng vậy, có cơ hội thì cũng song song với thách thức. Vì thế, DN đón được cơ hội nhưng cũng phải tiên liệu những khó khăn để có sự chuẩn bị đối phó, vượt qua.
Từ phía các DN, nhà sản xuất cũng phải chấp nhận thực tế để có sự chuẩn bị phù hợp nhất. Chứng minh cho điều này là khi hàng loạt mặt hàng trái cây ngoại nhập lấn át thị trường tiêu dùng nội địa thời gian qua đã tạo động lực để người sản xuất, DN cải thiện quy trình sản xuất, tuân thủ chặt chẽ tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, làm ra sản phẩm chất lượng tốt, đủ cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập ngay tại sân nhà. Kết quả là hàng loạt mặt hàng trái cây nội như xoài, thanh long, bưởi, vải thiều... đã có mặt tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản...
Theo ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, trước sức ép cạnh tranh của hàng hóa trong nước khi thực thi các FTA, trong đó có EVFTA, ngành Công Thương đang đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố và các tỉnh. Cùng với đó, tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ giữa các nhà bán lẻ với các DN sản xuất để mở rộng thị phần, nâng cao sức cạnh tranh và gắn kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối trong và ngoài nước, nhằm tạo điều kiện cho DN mở rộng sản xuất, phân phối, xuất khẩu sản phẩm.
Để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ, các DN cần tập trung tận dụng cơ hội để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí gia nhập thị trường nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/evfta-vuot-suc-ep-canh-tranh-bang-cach-nao-122563.html