EVNFinance và mối lương duyên với Amya Holdings

EVNFinance (EVF) đang thắt chặt quan hệ với Amya Holdings thông qua các giao dịch tài chính đáng chú ý. Báo cáo quý 3/2024 cho thấy EVF cho Amya vay hàng trăm tỷ đồng, đồng thời phát sinh thu nhập lãi và chi phí lãi tiền gửi với Amber Capital - công ty cùng hệ sinh thái với Amya.

EVNFinance lãi hơn 180 tỷ đồng trong quý 3

Theo báo cáo tài chính quý 3/2024, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance, mã HOSE: EVF) ghi nhận thu nhập lãi thuần trong quý đạt 391,3 tỷ đồng, tăng mạnh 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, thu nhập từ dịch vụ lại giảm 34%, còn 8,7 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tiếp tục gặp khó khăn với khoản lỗ 16,4 tỷ đồng, tuy có cải thiện đáng kể so với mức lỗ hơn 38 tỷ đồng của quý 3/2023. Mảng mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận khoản lỗ 29,2 tỷ đồng, tăng lỗ so với con số 18 tỷ đồng của năm trước.

Báo cáo tài chính quý 3 của EVF

Báo cáo tài chính quý 3 của EVF

Một yếu tố gây áp lực cho kết quả kinh doanh của EVF là chi phí hoạt động, đã tăng vọt lên gần 98 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn tăng trưởng 41%, đạt mức hơn 264 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, EVF đã giảm 15% chi phí dự phòng rủi ro, còn gần 38 tỷ đồng, giúp lãi trước thuế tăng 58%, đạt gần 227 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 57%, lên gần 181 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của EVF đạt hơn 537 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 56%, đạt gần 430 tỷ đồng, hoàn thành 92% mục tiêu lợi nhuận trước thuế 585 tỷ đồng đề ra cho cả năm.

Về tài sản, tính đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của EVF tăng 5% lên 51.448 tỷ đồng. Hoạt động cho vay khách hàng cũng tăng mạnh 15%, đạt mức 38.588 tỷ đồng, và tiền gửi khách hàng tăng ấn tượng 49%, lên 4.480 tỷ đồng. Nợ xấu của EVF ghi nhận dấu hiệu tích cực khi giảm 32% so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu từ 1,3% xuống còn 0,76%.

Báo cáo cũng tiết lộ nhiều giao dịch với các công ty liên quan. Trong đó, từ đầu năm đến cuối tháng 9, Công ty cổ phần Amya Holdings đã vay của EVF 356,2 tỷ đồng, với khoản lãi phải thu 37,7 tỷ đồng. Trong quý 3/2024, EVF cũng phát sinh chi phí lãi tiền gửi với Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Amber (Amber Capital) trị giá 22,9 tỷ đồng, đồng thời có thu nhập lãi từ việc cho Công ty cổ phần Amya Holdings vay 31,2 tỷ đồng.

Về nhân sự, tổng lương của Tổng Giám đốc và ban quản lý của EVF trong kỳ này lên tới hơn 7 tỷ đồng, với thu lao HĐQT ở mức hơn 2,5 tỷ đồng, trong khi ban kiểm soát nhận lương và thù lao gần 1,5 tỷ đồng.

Từ công ty đại chúng có số lượng cổ đông nhiều nhất tại Việt Nam đến mối liên hệ với hệ sinh thái Amber

Ra đời vào năm 2008, EVNFinance xuất hiện trong bối cảnh hàng loạt các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước bắt đầu mở rộng đầu tư ngoài ngành. Với vốn điều lệ khởi điểm 2.500 tỷ đồng, EVNFinance được hình thành từ sự đóng góp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), CTCP Cơ Điện Lạnh (REE), và khoảng 65.000 cổ đông là tổ chức và cán bộ ngành điện. Nhờ nội lực tài chính mạnh mẽ, công ty này nhanh chóng nổi bật, thậm chí vượt mặt nhiều ngân hàng thương mại cùng thời điểm.

Trong một thời gian dài, vốn điều lệ của EVNFinance vẫn giữ nguyên ở mức 2.500 tỷ đồng. Phải đến năm 2020, công ty mới thực hiện tăng vốn lần đầu tiên sau khi trả cổ tức, nâng mức vốn lên 2.650 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên 3.047 tỷ đồng vào năm 2021.

Đáng chú ý, EVNFinance là một trong những công ty đại chúng có số lượng cổ đông nhiều nhất tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2018, công ty sở hữu 56.114 cổ đông - con số vượt trội so với các tập đoàn lớn như Vingroup hay Hòa Phát thời điểm đó. Tuy nhiên, cơ cấu sở hữu rộng rãi này cũng gây không ít khó khăn trong hoạt động kinh doanh, như khi công ty không được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ đầu năm 2019.

Cuộc chuyển đổi lớn diễn ra trong giai đoạn 2019-2020, khi EVN quyết định thoái vốn khỏi EVNFinance, mở đường cho sự xuất hiện rõ nét của Tập đoàn Amber (Amber Holdings). Nhiều nhân sự cấp cao từ Amber đã nhanh chóng nắm giữ các vị trí quan trọng trong EVNFinance. Điển hình, vào tháng 5/2020, ông Lê Mạnh Linh, Chủ tịch HĐQT của CTCP Amber Capital, được bầu vào HĐQT của EVNFinance. Đồng thời, ông Lê Long Giang, từng là Tổng giám đốc của CTCP Bất động sản Quang Anh - một công ty thuộc hệ sinh thái Amber, cũng gia nhập Ban kiểm soát của EVF.

Một gương mặt quan trọng khác là ông Nguyễn Hoàng Hải, người được bầu vào HĐQT EVNFinance năm 2018 và đến năm 2020 đã đảm nhận vị trí Tổng giám đốc cho đến năm 2023. Ông Hải còn là đại diện phần vốn của Mesa Group trong một số công ty, thể hiện sự mở rộng ảnh hưởng từ nhiều nhóm kinh doanh vào EVNFinance.

Hiện tại, nhiều vị trí cấp cao của EVNFinance thuộc về các thành viên từ hệ sinh thái Amber Holdings, như ông Lê Mạnh Linh, ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc pháp chế của CTCP Amber Capital, và ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Amya Holdings. Chủ tịch HĐQT của EVNFinance, ông Phạm Trung Kiên, cũng là đại diện của Văn phòng đại diện CTCP QNK Bắc Giang, chủ đầu tư dự án sân Golf Amber Hills Golf & Resort tại Bắc Giang - một dự án lớn của Amber Holdings.

Với cơ cấu nhân sự này, mối liên hệ giữa EVNFinance và Amber Holdings trở nên chặt chẽ hơn bao giờ hết. Đáng chú ý, nhóm nhân sự của EVNFinance - Amber Holdings cũng đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát tại Eximbank, tạo nên một thế trận kinh doanh mới đáng chú ý trong ngành tài chính. Cụ thể ra sao, sẽ được Thị trường tại chính giới thiệu ở bài sau.

O.L

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/evnfinance-va-moi-luong-duyen-voi-amya-holdings-129287.html