FAO khuyến cáo dùng sữa bột hay sữa tươi?
Là tổ chức thuộc Liên Hợp quốc, khởi xướng chương trình sữa học đường toàn thế giới, FAO (Tổ chức Nông lương thế giới) khuyến cáo các nước sử dụng 'sản phẩm địa phương' cho sữa học đường. Điều đó có ý nghĩa như thế nào, có lợi ích gì?
Tính đến nay, chương trình sữa học đường đã triển khai được khoảng 100 năm tại các nước phát triển và khoảng 50 năm tại các nước đang phát triển. Toàn thế giới hiện có khoảng 60 nước thực hiện chương trình sữa học đường. Từ năm 2000, FAO (Tổ chức Nông lương thế giới) thống nhất chọn ngày thứ tư cuối cùng của tháng 9 hằng năm là ngày sữa học đường.
Vào ngày sữa học đường đó của năm 2014, khi Việt Nam bắt đầu có những động thái khởi động sữa học đường quốc gia, ông Nguyễn Song Hà, đại diện của FAO Việt Nam bày tỏ sự vui mừng vì chương trình đặc biệt cần thiết với Việt Nam.
Chiều cao của nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153cm, thấp hơn 10,7cm so với chuẩn. So với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan tầm vóc của thanh niên nước ta kém hơn.
Trong khi đó, khoảng 56% chiều cao tối đa của trẻ đã đạt được khi tròn 3 tuổi, 32% chiều cao tối đa vào tuổi 12 và 11% còn lại vào tuổi 18. Như vậy, giai đoạn từ khi sinh ra đến 12 tuổi là giai đoạn phát triển chiều cao chủ yếu của trẻ.
Theo ông Hà, dinh dưỡng tốt là chìa khóa đảm bảo sự phát triển thể chất cũng như trí tuệ của trẻ em. Và sữa được FAO xác định là trung tâm của dinh dưỡng cho trẻ em, của dinh dưỡng học đường.
Ngoài lợi ích cho thế hệ trẻ, đại diện FAO Việt Nam cũng đề cập thẳng đến lợi ích kinh tế mang tầm quốc gia của việc tiêu thụ sữa tại trường học. Tất nhiên, đó cũng là câu trả lời cho việc dùng sữa bột hay sữa tươi trong chương trình sữa học đường.
Ông Song Hà nói trong chương trình Đối thoại chính sách trên VTV1: “Việc xây dựng các chương trình sữa học đường luôn được gắn kết với sự tăng trưởng của ngành sữa quốc gia. Ở một số nước, ví dụ như Thái Lan, việc cung ứng sữa cho trường học đặc biệt phụ thuộc vào sản lượng sữa quốc gia. Ở một số nước khác, như Indonesia và Philippines, có một phần sữa sử dụng tại trường học là sữa bột nhập khẩu. Tuy nhiên, hầu hết các nước khác lại cố gắng thay thế sữa nhập khẩu bằng sữa sản xuất trong nước”.
Ông này nói tiếp: “Bằng việc tạo nên nhu cầu, các chương trình sữa học đường có thể trực tiếp làm lợi cho sự phát triển của ngành sữa. Điều này đặc biệt đúng ở các quốc gia có ngành sữa chưa thật phát triển. Ở những nước như vậy, sữa học đường được nông dân và các nhà chế biến xem là cơ hội rất đáng phấn khởi giúp họ có nơi tiêu thụ sản phẩm”.
Việt Nam không có lịch sử sản xuất sữa lâu dài. Vì thế, ngoài lợi ích cho thế hệ tương lai, tương lai của ngành sữa, của nông dân, doanh nghiệp nuôi bò, chế biến sữa tươi sẽ có cơ hội phát triển.
Các báo cáo tổng hợp cho thấy, ly sữa tươi ở trường học đã mang lại thành công về nhiều mặt. Chẳng hạn, tại Nhật Bản, việc thực hiện Luật Bữa ăn học đường (ban hành năm 1954 với việc trẻ được uống 2 ly sữa tươi ở bữa ăn chính và ăn phụ) góp phần quan trọng tạo ra đột phá về thể trạng tại đất nước này. Với Thái Lan, sự thành công của chương trình sữa học đường bằng sữa tươi đã tạo ra một thời kỳ phát triển rực rỡ của ngành bò sữa cho đến nay.