FDI 7 tháng/2020: Vắng bóng dự án công nghiệp hiện đại

Quan sát kỹ những dự án ở Hà Nội, TP HCM trong 7 tháng đầu năm cho thấy chưa có dự án FDI nào là 'công nghiệp tương lai'...

Bài liên quan

Không thể để doanh nghiệp FDI một đường, doanh nghiệp Việt một nẻo

Vốn FDI là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản

Dịch Covid-19 chỉ là “chất xúc tác”

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 7 tháng năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài rót vào Việt Nam đạt 18,82 tỷ USD, bằng 93,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 1.620 dự án mới đăng ký đầu tư vào Việt Nam, tuy giảm 21,5% so với cùng kỳ năm 2019 về số lượng dự án nhưng vốn lại tăng với tổng vốn đăng ký đạt 9,46 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 7 tháng năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài rót vào Việt Nam đạt 18,82 tỷ USD, bằng 93,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Một trong những trụ đỡ giúp tăng vốn là Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD (chiếm 42,3% tổng vốn đăng ký mới) với quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019, từ 4,3 triệu USD năm 2019 lên 5,8 triệu USD trong năm 2020.

Đáng chú ý, chỉ tính riêng trong tháng 7, cả nước đã thu hút được 3,15 tỷ USD tăng tới 79,8% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 76,2% so với tháng trước đó. Đặc biệt, trong tháng 7/2020, lần đầu tiên, quốc đảo Malta, thường được biết đến như là một “thiên đường thuế” đã có nhà đầu tư dự án mới tại Việt Nam, nâng tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam lên 137 đối tác. Đây được coi là điểm sáng trong 7 tháng đầu năm, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Nhìn nhận về làn sóng dịch chuyển FDI, tại Hội nghị giao ban trực tuyến ngành KH&ĐT mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dịch Covid-19 chỉ là “chất xúc tác” để đẩy nhanh quá trình dịch chuyển đầu tư.

Tuy nhiên, không phải cứ ngồi yên thì dòng vốn đầu tư sẽ tự đến mà tới đây các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cũng như cải thiện thủ tục đầu tư kinh doanh, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư... nhằm nắm bắt cơ hội đón đầu làn sóng chuyển dịch FDI. Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang xem xét những thị trường cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Mexico… để đặt nhà máy. Nếu không chuẩn bị tốt, nhà đầu tư chỉ đến tìm hiểu, chứ chưa chắc đã quyết định đầu tư, "Tư lệnh" Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Nhất quyết không nên thu hút những dự án có số vốn quá nhỏ

Ở góc nhìn chuyên gia, GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, trào lưu dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc và một số nước khác sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, theo TS Mại, kết quả thu hút FDI trong 7 tháng đầu năm 2020 mới đạt được về số lượng, còn chất lượng vẫn chưa đạt yêu cầu xuất phát bởi 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, trừ một vài dự án lớn, trong đó có một dự án 4 tỷ USD (Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu), còn lại đa số là dự án có giá trị từ 1 - 1,5 triệu USD. Dự án 1 - 1,5 triệu USD mà là các dự án về dịch vụ còn có thể chấp nhận được, còn công nghiệp thì không thể chấp nhận bởi trong thời đại hiện nay, những công nghệ tương lai như AI (trí tuệ nhân tạo) với nguồn vốn chừng này thì không thể thực hiện được. Dự án năng lượng sạch thì càng không thể thực hiện bằng số vốn quá nhỏ bé như vậy.

Hiện Việt Nam có khoảng 800 nghìn doanh nghiệp, trong đó hàng nghìn doanh nghiệp Việt có khả năng bỏ vài triệu USD để đầu tư dự án như nhiều nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư. Do vậy, những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM nhất quyết không nên thu hút những dự án có số vốn quá nhỏ, TS Mại nhấn mạnh.

Thứ 2 về thu hút FDI trong 7 tháng đầu năm nay vắng bóng những dự án công nghiệp tương lai, hiện đại. Bởi nếu quan sát kỹ những dự án ở Hà Nội, TP HCM cho thấy chưa có dự án FDI nào gọi là công nghiệp tương lai. Đơn cử năm trước Hà Nội có một dự án về thành phố thông minh 4 tỷ USD do Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) góp vốn dù Dự án vẫn chưa triển khai. Tuy nhiên, năm nay, chưa có dự án nào khả dĩ là dự án công nghiệp tương lai.

Thứ ba là Việt Nam chưa đưa ra ưu đãi để thích ứng với trình độ phát triển của các tỉnh, thành phố. Do vậy, cách tiếp cận FDI nên chia thành các nhóm tỉnh thành có trình độ phát triển khác nhau để thu hút những nhóm dự án FDI khác nhau. Nhất là các tỉnh, thành phố phát triển vốn đã có nhiều kinh nghiệm thì cần thu hút các dự án FDI quy mô lớn, dự án tương lai (Big Data, AI, Fintech…) có sự lan tỏa và kích hoạt các doanh nghiệp trong nước.

Ngọc An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/fdi-7-thang-2020-vang-bong-du-an-cong-nghiep-hien-dai-post93146.html