Fed nên giảm tốc độ nới lỏng

Trong các phát biểu mới đây, nhiều quan chức Fed đã kêu gọi cơ quan này nên 'thận trọng hơn' đối với việc cắt giảm lãi suất trong tương lai.

“Bất kể điều gì xảy ra trong thời gian tới, quan điểm cơ bản của tôi vẫn kêu gọi giảm dần lãi suất chính sách trong năm tới”, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết trong bài phát biểu được chuẩn bị để trình bày tại hội nghị của Shadow Open Market Committee (SOMC – một tổ chức độc lập chuyên đánh giá chính sách và hành động của Ủy ban thị trường mở Liên bang FOMC) tại Viện Hoover của Đại học Stanford.

Fed đã mạnh tay cắt giảm lãi suất tới 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tháng 9. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, các dữ liệu cho thấy thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến, trong khi lạm phát lại có dấu hiệu tăng. Vì thế Waller kêu gọi Fed nên tiến hành cắt giảm lãi suất với "tốc độ thận trọng" miễn là thị trường lao động không đột ngột xấu đi và lạm phát tiếp tục đi xuống như mong đợi.

"Tôi xem xét tổng thể dữ liệu như thể chính sách tiền tệ nên tiến hành thận trọng hơn về tốc độ cắt giảm lãi suất so với mức cần thiết tại cuộc họp tháng 9", Waller cho biết và lưu ý rằng, các dữ liệu kinh tế cập nhật gần đây cho thấy các hộ gia đình vẫn đang chi tiêu các nguồn lực và lãi suất thấp hơn có thể giải phóng "nhu cầu bị dồn nén" đối với các mặt hàng có giá trị lớn. "Tôi sẽ theo dõi để xem liệu dữ liệu, dự kiến công bố trước cuộc họp tiếp theo của chúng tôi, về lạm phát, thị trường lao động và hoạt động kinh tế có xác nhận hay làm suy yếu khuynh hướng thận trọng hơn của tôi về việc nới lỏng chính sách tiền tệ hay không".

Tương tự trong bài phát biểu tại một hội nghị do NHTW Argentina tổ chức hôm 14/10, Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari dù cho rằng phạm vi lãi suất từ 4,75% đến 5% hiện tại vẫn hạn chế tăng trưởng và Fed có thể sẽ cắt giảm thêm lãi suất khi mục tiêu lạm phát 2% đang dần hiện rõ. Tuy nhiên theo ông, “việc cắt giảm nhẹ hơn nữa lãi suất chính sách sẽ là phù hợp trong các quý tới để đạt được cả hai mục tiêu của chúng tôi”.

Ông cho biết Fed “đang trong giai đoạn cuối cùng để đưa lạm phát xuống mục tiêu 2% của chúng tôi”, nhưng cũng lưu ý rằng dữ liệu thị trường việc làm mạnh mẽ gần đây cho thấy lĩnh vực lao động vẫn mạnh và không bên bờ vực suy thoái nhanh chóng.

Nói về lộ trình chính sách trong tương lai, Neel Kashkari cho biết: “con đường phía trước cho chính sách sẽ được thúc đẩy bởi dữ liệu kinh tế, lạm phát và thị trường lao động thực tế”.

Trong khi đó Thống đốc Fed Christopher Waller cảnh báo, các cơn bão gần đây và cuộc đình công tại Boeing Inc (BA.N) có thể làm mất đi khoảng 100.000 việc làm trong tháng 10 và khiến thị trường lao động khó khăn hơn. Về dài hạn, ông cũng dự đoán, tăng trưởng việc làm sẽ chậm lại dần dần, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp trong lịch sử.

Ông cũng tỏ ra thận trọng với diễn biến lạm phát gần đây khi cho biết, nếu lạm phát tăng đột ngột, Fed có thể tạm dừng cắt giảm lãi suất. Còn nếu lạm phát giảm xuống dưới mục tiêu 2% của Fed hoặc thị trường việc làm bất ngờ sụp đổ, Fed có thể cắt giảm lãi suất trước. Nhưng nếu mọi việc diễn ra như ông mong đợi, “chúng ta có thể tiến hành chuyển chính sách sang lập trường trung lập với tốc độ có chủ đích” để tránh làm chậm nền kinh tế một cách không cần thiết.

Ông cho biết thông điệp từ ông và hầu hết các nhà hoạch định chính sách đồng nghiệp của ông là “có một mức độ hạn chế chính sách đáng kể cần loại bỏ và nếu nền kinh tế tiếp tục ở trạng thái tốt nhất hiện tại, điều này sẽ diễn ra dần dần”.

Mai Ngọc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/fed-nen-giam-toc-do-noi-long-156745.html