Fight Club Thái - sàn đấu võ không có người chiến thắng

Tại thủ đô Bangkok của Thái Lan tồn tại một câu lạc bộ ngầm, nơi những võ sĩ nghiệp dư thường tụ tập để trao cho nhau những cú đánh trời giáng và những vết bầm tím.

Ẩn dưới cây cầu vượt ở thủ đô Bangkok là một sàn đấu tự do dành cho những võ sĩ nghiệp dư và cả những người đam mê chiến đấu đối kháng.

Câu lạc bộ này có tên là Fight Club Thailand - lấy cảm hứng từ bộ phim nổi tiếng của đạo diễn David Fincher ra mắt năm 1999, với sự kết hợp của Brad Pitt và Edward Norton.

 Fight Club Thailand - sàn đấu ngoài trời tại một trong những khu vực nghèo nhất thủ đô Bangkok. Ảnh: AFP.

Fight Club Thailand - sàn đấu ngoài trời tại một trong những khu vực nghèo nhất thủ đô Bangkok. Ảnh: AFP.

Sàn đấu trong khu phố nghèo

Khác xa với sự hào nhoáng của những sàn đấu Muay Thái chuyên nghiệp, sân đấu trung tâm của Fight Club Thailand nằm ngoài trời, được quây bằng các vỏ container. Và chính tổ hợp này cũng nằm trong khu phố nghèo bên bờ sông ở quận Khlong Toei.

Dù nằm ở trung tâm của Bangkok, quận Khlong Toei nổi tiếng với khu ổ chuột cùng tên, là nơi sinh sống của khoảng 100.000 người trong khu vực chỉ rộng hơn một dặm vuông. Hầu hết họ có nguồn gốc từ khu vực miền núi phía Bắc Thái Lan, dồn về đây làm công việc bốc dỡ hàng hóa tại cảng Khlong Toei.

Ở quận này, một hộ gia đình trung bình chỉ kiếm được phân nửa so với mức thu nhập trung bình cả nước, và chỉ bằng một phần ba so với mức thu nhập trung bình ở thủ đô Bangkok.

Bên cạnh nghèo đói, ma túy là vấn đề rất nghiêm trọng ở khu vực này. Các tiện nghi cơ bản như điện, nước cũng luôn trong tình trạng thiếu thốn.

"Ở đây, bạn không cần phải biết võ. Bạn chỉ cần có một trái tim và thế là đủ", anh Chana Worasart, người sáng lập Fight Club Thailand, chia sẻ với AFP.

Người đàn ông 30 tuổi này thành lập Fight Club Thailand năm 2016, một phần lấy cảm hứng từ bộ phim của đạo diễn David Fincher. Tôn chỉ của câu lạc bộ là tạo sân chơi cho các võ sĩ nghiệp dư kiểm tra năng lực bản thân, hoặc chỉ đơn giản là để thỏa đam mê đánh đấm.

"Tôi cho rằng câu lạc bộ trở nên nổi tiếng là vì mọi người có phong cách chiến đấu khác với những gì diễn ra trên một võ đài chuyên nghiệp", anh Chana nói thêm.

Đó có lẽ chính là điều đã thu hút Surathat Sakulchue - một chủ cửa hàng tiện lợi - đến với câu lạc bộ này.

"Nó rất khác so với các trận đấu truyền thống", chàng trai 23 tuổi chia sẻ với AFP và nói thêm rằng việc đánh nhau ở giữa những vỏ container tạo ra cảm giác rất hưng phấn.

Tại Fight Club Thailand, mỗi trận đấu chỉ kết thúc sau một hiệp kéo dài 3 phút, và võ sĩ có thể sử dụng các đòn đánh từ cả tứ chi. Tuy nhiên, những đòn như cùi chỏ, kẹp cổ, quật ngã đối thủ bằng tay hay đánh vào gáy đều không được phép.

 Mỗi trận đấu chỉ kéo dài 3 phút, với sự giám sát của trọng tài nhưng không có người thắng cuộc. Ảnh: AFP.

Mỗi trận đấu chỉ kéo dài 3 phút, với sự giám sát của trọng tài nhưng không có người thắng cuộc. Ảnh: AFP.

Chính vì tôn chỉ của câu lạc bộ nên sau mỗi trận đấu, ban tổ chức không hề quyết định ai là người chiến thắng. Mục tiêu đơn thuần là phục vụ đam mê, và sân đấu của Fight Club Thailand được mô tả là nơi "biến bạo lực thành tình bằng hữu".

Câu lạc bộ đã trở nên nổi tiếng ở Bangkok, và nhóm Facebook đã thu hút 73.000 người tham gia.

Không ngạc nhiên khi cảnh sát đã nhiều lần kiểm tra hoạt động của câu lạc bộ. Tuy nhiên, nhưng những nhà sáng lập cho biết Fight Club Thailand không bị kiểm soát bởi Đạo luật Quyền anh - có nghĩa là các trận đấu không được tổ chức trái phép.

Giữ vững "chất underground"

Anh Chana cho biết câu lạc bộ được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động. Anh không phản đối ý tưởng biến những trận đấu ở đây thành các cuộc đấu chuyên nghiệp, được kiểm soát, nhưng cũng không muốn đánh mất bản sắc underground của câu lạc bộ, vì vậy câu hỏi là 'làm sao để cân bằng điều đó'?.

Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều so với những ngày đầu tiên khi câu lạc bộ vừa mới thành lập. Giờ đây, các võ sĩ nghiệp dư sẽ phải tuân thủ một bộ quy tắc hướng dẫn thi đấu, trải qua quá trình sàng lọc sức khỏe và cân nặng và ký giấy cam kết chấp nhận rủi ro trước khi lên sàn.

Câu lạc bộ cũng có một nhân viên y tế túc trực để chăm sóc hoặc sơ cứu khi có chấn thương nặng xảy ra.

"Chúng tôi không muốn các võ sĩ lao vào giết nhau. Nếu bạn quá mệt hoặc bị thương quá nặng để tiếp tục thì chúng tôi sẽ dừng cuộc chiến", anh Chana nói thêm.

Một trận đấu khác chuẩn bị diễn ra, với sự góp mặt của Ilya Ostroushchenko - võ sĩ nghiệp dư đến từ Nga. Anh đã sinh hoạt ở câu lạc bộ này một thời gian và được khán giả gọi thân mật là "Somchai" - nghĩa là người đàn ông mạnh mẽ.

Sau màn chào hỏi và chạm găng đối thủ, anh Ostroushchenko bắt đầu bằng một cú đá. Sau đó là một loạt cú đấm, kết thúc bằng cú móc trái khiến đối thủ loạng choạng ngã xuống sàn.

 Trước khi lên sàn, các võ sĩ sẽ phải ký giấy cam kết chấp nhận rủi ro, và cũng được chăm sóc y tế khi cần thiết. Ảnh: AFP.

Trước khi lên sàn, các võ sĩ sẽ phải ký giấy cam kết chấp nhận rủi ro, và cũng được chăm sóc y tế khi cần thiết. Ảnh: AFP.

Đám đông nhiệt tình hô vang "Somchai" khi cuộc đọ sức kết thúc. Mặc dù có màn thể hiện vượt trội so với đối thủ, anh không được tuyên bố là người thắng cuộc. Tuy nhiên, võ sĩ không hề thất vọng vì điều đó.

"Tay tôi run, đầu gối tôi cũng run rẩy nhưng khi bước vào võ đài, tôi thấy rất hưng phấn", chàng trai người Nga chia sẻ.

Sơn Trần

(theo AFP)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/fight-club-thai-san-dau-vo-khong-co-nguoi-chien-thang-post1317317.html