Fitch Ratings: Ngân hàng Việt vẫn mỏng vốn, cần huy động 10,7 tỷ USD vốn mới
Dù ghi nhận vốn của các ngân hàng Việt đã được cải thiện song Fitch Ratings, tiềm lực vốn của ngân hàng Việt vẫn còn mỏng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) còn thấp so với ngân hàng khu vực.
Khối ngân hàng thương mại quốc doanh thiếu hụt vốn nhiều nhất
Trong báo cáo mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng, vốn hóa của ngành ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện trong những năm gần đây nhờ khả năng sinh lời tốt và các ngân hàng tích cực tăng vốn đáp ứng yêu cầu Basel II.
Fitch ước tính, các ngân hàng chưa tuân thủ Basel II chỉ cần huy động thêm 0,6 tỷ USD vốn mới để đáp ứng yêu cầu CAR tối thiểu của Basel II là 8% trước thời hạn thực hiện vào tháng 1/2023.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức xếp hạng này, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn mỏng vốn nếu so sánh với các ngân hàng quốc tế cũng như đặt trong môi trường kinh doanh rủi ro.
Hiện CAR của khối ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân tuân thủ Basel II ở Việt Nam chỉ đạt lần lượt ở mức 9,2% và 11,4% vào cuối quý 3 năm 2021. Con số này thấp hơn nhiều so với mức bình quân 19,4% đối với các ngân hàng tại các thị trường lớn ở Đông Nam Á khác. Bên cạnh đó, nợ xấu thực tế của các ngân hàng Việt Nam có thể cao hơn con số báo cáo do nhiều khoản vay có vấn đề chưa được tính vào (nợ cơ cấu lại).
Do vậy, Fitch ước tính, hệ thống ngân hàng sẽ cần thêm vốn bổ sung lên tới 10,7 tỷ USD (2,9% GDP) để đảm bảo khoản dự phòng rủi ro cho vay bù đắp thiệt hại có thể xảy ra từ tất cả các khoản vay có vấn đề, đồng thời duy trì hệ số CAR ở mức 10%. Sự thiếu hụt vốn chủ yếu ở khối ngân hàng quốc doanh.
Fitch Ratings cho rằng, tốc độ tăng trưởng cho vay nhanh sẽ khiến việc nâng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng Việt trở nên khó khăn trong 2-3 năm tới.
Fitch có thể đánh giá Xếp hạng khả năng hoạt động của hầu hết các ngân hàng Việt Nam cao hơn một bậc nếu hệ số CAR cao hơn 2-3 điểm phần trăm. Tuy nhiên, theo phán đoán của Fitch, ngoại trừ những ngân hàng huy động vốn bên ngoài, trong các trường hợp còn lại, khả năng cải thiện CAR vẫn còn khiêm tốn, dù lợi nhuận tăng.
Về tín dụng, cơ quan này cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 tiếp tục ở mức cao 14% (bình quân giai đoạn 2017-2021 là 14%) cho thấy tỷ lệ an toàn vốn hệ thống ít có khả năng cải thiện nhanh chóng. Nếu Ngân hàng Nhà nước nới lỏng quy định không được chia cổ tức tiền mặt (áp dụng từ tháng 3/2020) thì CAR của các ngân hàng càng khó cải thiện.