Cuộc tấn công kinh tế nhằm vào Nga của các nước G7 đã bị lu mờ bởi tin tức đến từ Australia. Thông tin nói trên được đưa ra bởi Tạp chí Tài chính Australia (AFR) và được tờ PolitRussia của Nga dẫn lại.
Vào cuối tháng 6, hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 48 đã được tổ chức tại dãy Alps Bavaria. Chủ đề chính của cuộc họp là Nga và theo đó là cuộc chiến chống "sự phụ thuộc năng lượng" vào nhiên liệu của Nga.
Các nước G7 đã cố gắng giáng một đòn trừng phạt khác vào khí đốt của Nga, nhưng họ lại gặp phải những vấn đề không mong muốn, hứa hẹn thời gian khó khăn trước mắt cho cả Liên minh châu Âu và Nhật Bản.
Những người tham gia hội nghị thượng đỉnh kêu gọi đưa ra mức trần giá đối với việc nhập khẩu các nguồn năng lượng từ Liên bang Nga. Ngoài ra, các khoản đầu tư đã được công bố trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên hóa lỏng và năng lượng tái tạo.
Việc tìm kiếm các nhà cung cấp năng lượng mới thay thế cho các hydrocacbon của Nga đã trở thành nhiệm vụ quan trọng đối với các nước G7, nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế mới muốn nhanh chóng "cai năng lượng Nga".
Đương nhiên, thị trường đã phản ứng với một cuộc tấn công chống Nga như trên bằng việc giá khí đốt tăng mạnh. Không chỉ có vậy, Liên minh châu Âu và Nhật Bản, chỉ vài giờ sau tuyên bố ở Bavarian Alps, đã nhận được tin tức khó chịu từ Australia.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Australia - ông Chris Bowen cho biết Canberra sẽ hạn chế cung cấp khí đốt ra nước ngoài và họ vẫn ưu tiên cho người tiêu dùng địa phương trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng lên cao.
"Bất chấp thực tế là các đồng minh ở châu Á và châu Âu đang nỗ lực hết sức để thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch của Nga, họ vẫn chưa thành công trong chiến lược của mình", tờ PolitRussia nhận xét.
Thay vì ủng hộ ý tưởng cho phép xuất khẩu khí đốt bổ sung sang châu Âu và Nhật Bản, ông Bowen cho biết chính phủ Australia buộc phải xem xét những thay đổi như cơ chế dự trữ khí đốt để chuyển hướng xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa.
Tình hình hiện nay hứa hẹn những vấn đề nghiêm trọng đối với Nhật Bản và Liên minh châu Âu, đặc biệt khi Nga bắt đầu đưa ra biện pháp đáp trả bằng việc hạn chế nguồn cung khí đốt cho hai quốc gia này.
Thực tế là nhiều nhà kinh tế, chẳng hạn như ông Shunsuke Kobayashi - chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Mizuho đã dự đoán về sự phân bổ lại thị trường sau khi áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Ban đầu có nhận xét rằng thị phần xuất khẩu của Nga sẽ bị thay thế bởi những người bên chủ chốt như Australia. Nhưng giờ đây, một bức tranh rất đáng buồn đang hiện lên đối với Tokyo và Brussels.
Tình hình đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn sau sắc lệnh số 416 của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc quốc hữu hóa dự án Sakhalin-2, khiến chính phủ Nhật Bản cảm thấy "giật mình".
Theo nhiều chuyên gia Mỹ, một động thái như vậy chắc chắn sẽ thu hẹp thị trường nhiên liệu thế giới và gây ra sự cạnh tranh giữa Nhật Bản và châu Âu trong việc tiếp cận nguồn khí đốt.
Bạch Dương