'Gã thanh niên' Vi Quốc Hiệp

Tôi gọi họa sĩ Vi Quốc Hiệp là 'gã thanh niên' theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng bởi qua khuôn mặt, cách trò chuyện và sức làm việc thì thấy ông vẫn thật sung sức, dồi dào dù tuổi đời đã bước vào độ 'xưa nay hiếm'.

Người ta thường nói: “Nếu đến Đà Lạt không trở thành nhà buôn thì sẽ trở thành văn nghệ sĩ” để thấy nơi đây đẹp, thơ mộng biết nhường nào? Nó đẹp đến mức ta không biết vẽ cũng phải cầm bút phác thảo vài nét, không biết hát cũng phải ngân nga vài câu, không biết chụp ảnh cũng phải tập tọe vài bức... Có lẽ vì thế mà trong thời gian dài sinh sống tại thành phố Tây Nguyên này, họa sĩ Vi Quốc Hiệp đã dần phát lộ thêm nhiều tài lẻ, đâu chỉ là vẽ mà còn làm thơ, sáng tác nhạc và viết văn. Dường như cái “chất” Đà Lạt đã ngấm vào con người ông để rồi ông ngược xuôi trên khắp mọi miền ông vẫn cố gắng mang được cái “hồn” Đà Lạt đi theo. Đó là việc ông đã mở hàng chục cuộc triển lãm có quy mô lớn về Đà Lạt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Hà Giang, Lạng Sơn….

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp

Người con tài hoa của dân tộc Tày ấy từ lâu đã được giới chuyên môn và người hâm mộ đặt cho biệt danh họa sĩ của những biệt thự cổ Đà Lạt, bởi mấy chục năm sinh sống ở thành phố ngàn hoa, ông chỉ vẽ những ngôi biệt thự cổ. Vậy có gì thú vị trong những ngôi biệt thự cổ ấy để khiến “gã thanh niên” Vi Quốc Hiệp mê mẩn? Đem thắc mắc ấy hỏi ông thì nhận được câu trả lời rất hình tượng: “Vì tôi thấy những nàng công chúa trong ấy...”. Đắm say với những ngôi biệt tự cổ nhưng tinh thần của ông thì không hề “cổ”. Gặp ông giữa những ngày Thủ đô nắng nóng gay gắt nhưng tâm hồn tôi như được “dội” một làn nước mát, bởi cái cách mà ông trò chuyện, bởi cái tình cảm mà ông trao gửi cho một người xa lạ như tôi.

Bên cạnh đam mê vẽ những biệt thự cổ Đà Lạt, ông còn có thú vẽ những người phụ nữ đẹp. Chả thế mà đợt ra Bắc này, dù thời gian không có nhiều nhưng hễ đến đâu là lại thấy ông lôi “đồ nghề” ra để vẽ. Ông bảo, đợt này ra Bắc phải làm việc khá cật lực, ngày nhiều nhất phải vẽ đến 6 bức. Quan điểm của ông là cố gắng để ai cũng được sở hữu bức vẽ của mình vì thế với những mẫu không có điều kiện trả công họa sĩ thì ông sẽ vẽ hai bức rồi giữ một bức, tặng lại một bức cho mẫu. Khi vẽ những cô gái đẹp, ông cũng bị “mang tiếng” khá nhiều. Thậm chí có những người còn cảnh báo vợ ông rằng: “Tại sao bà lại để ông vẽ như thế?”. Nhưng cũng vì quá tin, quá yêu chồng nên bà cũng chỉ biết trả lời: “Đó là nghề, là niềm đam mê của ông ấy, tôi cấm làm sao được”. Nói đến đây, Vi Quốc Hiệp chỉ cười, cười một cách sảng khoái. Đôi mắt ông không giấu nổi niềm tự hào, ông bảo: “Tôi may mắn vì có người vợ luôn hiểu, cảm thông với công việc của chồng. Nếu không có hậu phương vững chắc như vậy thì không có Vi Quốc Hiệp ngày hôm nay”.

Chắc chắn nhiều người gặp Vi Quốc Hiệp sẽ thắc mắc người này năm nay bao nhiêu tuổi? 40, 50 hay 60. Sự thực thì ông sinh năm 1948, tính theo tuổi các cụ thì đã 73 mùa xuân. Nhiều người tỏ ra bất ngờ khi biết tuổi thật của ông. Nhiều người lại nói vui rằng chắc tại ông hay vẽ những cô gái đẹp nên mới trẻ lâu như vậy. Điều đó có thể đúng một phần, nhưng bí quyết lại nằm ở việc suốt 30 năm ông đã luôn kiên trì, bền bỉ tập luyện. Ấy là hằng ngày ông vẫn dậy sớm chạy bộ, đi từ những mức cân nhỏ đến mức lớn ở bộ môn tập tạ rồi thường xuyên tập đứng lên ngồi xuống. “Trong một lần đọc tờ báo của Liên Xô tôi thấy họ có cách tập rất hay, đó là xoa mặt. Thế là sáng nào tôi cũng dạy sớm xoa mặt rồi dần dần xoa luôn cả đầu, mồm, cổ và tai. Thấy hiệu quả nên đi đến đâu tôi cũng phổ biến và tôi đều nhận được những phản hồi tích cực từ mọi người”, họa sĩ Vi Quốc Hiệp kể.

Trong cuộc trò chuyện, ông cũng nhấn mạnh với tôi rằng, để giữ được sự tươi trẻ thì lúc nào mình cũng vui vẻ, niềm nở với mọi người, dù có thể người đó quen thân hay mới quen. Nói đến đây ông lấy ví dụ: Ai vào Đà Lạt là tôi đón tiếp tử tế, bất kể người đó không phải là bạn trực tiếp của mình. Bất cứ ai biết đến Vi Quốc Hiệp là tôi tiếp, cứ đến phòng tranh là tôi niềm nở. Nếu họ có nhu cầu đi chơi Đà Lạt thì mình sẵn sàng là xe ôm kiêm hướng dẫn viên du lịch. Tập luyện và cởi mở nhưng điều quan trọng nữa là phải có chế độ ăn uống hợp lý, khoa học. Ông đọc báo thấy thịt không tốt nên ông bỏ thói quen này mà chỉ ăn nước xương và các loại đậu như đậu lạc, đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh và các loại củ quả. “Một tuần tôi có thể ăn liền đến 3 bữa khoai sọ rồi bí đỏ. Tôi hạn chế ăn những loại rau bởi vì nó có nhiều thuốc sâu mà trong quá trình nấu ăn mình không thể rửa sạch được”, ông nhấn mạnh.

Cuối cùng, ông bảo, cuộc đời mình, ông có thể nói tóm gọn là sống như quân đội, ăn như nhà sư và làm việc như điên. Có lẽ vì thế mà các tác phẩm của Vi Quốc Hiệp cứ được “ra lò” thường xuyên. Đấy đâu chỉ là các bức vẽ mà còn vài tập thơ, truyện ngắn và vài chục bài hát.

Ngô Khiêm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ga-thanh-nien-vi-quoc-hiep-n176172.html