Gác nỗi lo toan thường nhật để theo đuổi đam mê

Xưa nay, quan niệm 'phụ nữ chỉ làm việc nhà' đã làm nhiều người phụ nữ không dám nghĩ đến, không dám thực hiện ước mơ của mình, cho dù bản thân họ tiềm ẩn rất nhiều nội lực. Nếu như có được sự đồng hành thấu hiểu, tin rằng cũng chính những người phụ nữ với vạn lần 'không dám' ấy sẽ nhận ra rằng mình cũng hoàn toàn có thể nắm giữ nhiều trọng trách khác nhau trong công việc, cuộc sống.

Ban Tổ chức trao giải Phụ nữ tự tin làm kinh tế năm 2020 cho các tổ chức, cá nhân.

Ban Tổ chức trao giải Phụ nữ tự tin làm kinh tế năm 2020 cho các tổ chức, cá nhân.

Nếu không làm thì đến bao giờ làm?

Chị Nguyễn Thị Châu Trinh ở Bến Tre đã có hơn 20 năm làm mướn. Chị gánh hàng trăm cân muối mỗi ngày mong kiếm hơn trăm nghìn mưu sinh. Thế nhưng, cái nghèo cứ đeo bám mãi, đã thế 4 năm trước, căn bệnh thoát vị đĩa đệm khiến đôi chân không thể mang vác nặng.

Gia cảnh nhà chị Châu lâm vào khốn khó vì “đi chiếc cần câu cơm” bấy lâu đã bị bẻ gãy. Cùng vừa lúc này, đứa con gái thứ 2 của chị Châu đậu đại học. Mừng bao nhiêu thì càng thương con bấy nhiêu vì chị không biết làm cách gì để kiếm ra tiền cho con đi học.

Trò chuyện với chị em chòm xóm, chị thấy ai cũng nghèo như chị và mong ước ở địa phương có hàng may quần áo giá rẻ để giúp mọi người có manh áo quần mới thay vì đi mua ngoài cửa tiệm giá rất cao. Chị Châu thầm ước mơ được đi học may để mở một tiệm may, vừa cho mình nguồn sống ổn định, vừa giúp chị em trong xóm có việc làm.

Thế nhưng, sau mỗi sớm mai thức dậy, chị thấy giấc mơ càng xa mình hơn vì cơm còn không đủ ăn lấy tiền đầu ra đi học, sắm đồ mở tiệm. Chị chỉ ước ao mình có kiến thức, kỹ năng về cắt may hay có người chỉ cho từng bước đến gần những điều đó.Biết được hoàn cảnh của người hội viên nghèo khó, Hội Phụ nữ địa phương đã hướng dẫn chị Châu đến với chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” để giúp chị mở ra trang mới cho cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Châu Trinh.

Chị Nguyễn Thị Châu Trinh.

Ítt ai biết, chị Như Hoa chủ sở hữu xưởng may Hoa Như với quy mô hơn 10 nhân sự, tạo thu nhập từ 5 đến 9 triệu đồng cho những phụ nữ khuyết tật, chuyên sản xuất mặt hàng may sẵn cho các cửa hàng thời trang tại thành phố Vinh, Nghệ An, cũng mang khiếm khuyết về cơ thể. Chị Như Hoa bị khuyết tật vận động, làm mẹ đơn thân, từng không có nghề nghiệp. Làm quen và gắn bó với nghề may, sau 6 năm đầy nỗ lực, xưởng may Hoa Như ra đời.

Vượt lên chính mình, người phụ nữ ấy không những đã làm kinh tế thành công, tự chủ trong cuộc sống, mà còn trao cơ hội cho nhiều phụ nữ khác, để họ tiếp tục thực hiện giấc mơ đang dang dở, cống hiến cho xã hội và chứng minh phụ nữ khuyết tật không phải là “gánh nặng” của cộng đồng. Dự án “Xưởng may cho người khuyết tật” của chị Trần Thị Như Hoa với những ý nghĩa thiết thực từ tạo việc làm cho người khuyết tật đến tận dụng sáng tạo những mẩu vải vụn, vải thừa để làm ra những sản phẩm đẹp mắt đã xuất sắc đoạt giải Ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020”.

Ấp ủ làm trang trại dâu tây từ tuổi đôi mươi, chị Đỗ Thị Kim Dung dành toàn bộ những gì mình có để biến ước mơ thành hiện thực. Song, hai mùa vụ thất bại, chị mất trắng. Tất cả không làm người phụ nữ 23 tuổi chùn bước. Từ shipper đến bán hàng online, việc gì chị cũng làm với mong muốn tích lũy để tiếp tục giấc mơ đang dang dở. Đáp lại niềm đam mê cháy bỏng và lòng kiên trì ấy, Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi ra đời, ngày càng được nhiều người biết đến và trở thành dự án đoạt giải Ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020”.

“Mình còn trẻ, nếu không làm thì bao giờ làm?” - câu nói của chị Đỗ Thị Kim Dung- Giám đốc Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi tại buổi tập huấn “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” tổ chức tại TP. Lào Cai ngày 24/11/2020 như một lời thức tỉnh đến hơn 200 phụ nữ khác tham dự sự kiện. Theo chị Dung, bất kể ước mơ của bạn là gì, chỉ cần nuôi dưỡng đam mê đủ lớn, khát khao đủ nhiều và kiên định thì chắc chắn sẽ thành công.

Sau 5 năm khởi nghiệp và bước đầu thu về trái ngọt, chị Kim Dung khẳng định rào cản lớn nhất của phụ nữ khi làm kinh tế đó chính là không vượt qua nỗi sợ của bản thân và suy nghĩ thiếu tích cực. Phụ nữ cần một cú hích thúc đẩy sâu và thực hơn, không chỉ về nguồn lực vốn hay kỹ thuật, mà quan trọng nhất là giải phóng rào cản về tâm lý.

1 tỷ đồng đã được đầu tư cho 60 “dự án đổi đời” tiêu biểu

Câu chuyện của ba người phụ nữ đã chứng tỏ một điều rằng quan niệm “phụ nữ chỉ làm việc nhà” đã làm nhiều người phụ nữ không dám nghĩ đến, không dám thực hiện ước mơ của mình, cho dù bản thân họ tiềm ẩn rất nhiều nội lực. Thế nhưng, ngoài kia, nhiều phụ nữ vẫn đang nỗ lực theo đuổi ước mơ và chứng minh năng lực bản thân. Và bản thân mỗi người phụ nữ đều có thể làm được, miễn sao họ không từ bỏ ước mơ, cố gắng và có được sự đồng hành thấu hiểu. Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” chính là một “sự đồng hành thấu hiểu” như thế.

Từ năm 2006, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã bắt đầu thực hiện chương trình hợp tác chiến lược dài hạn với Unilever Việt Nam có tên gọi “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua kinh doanh và giáo dục sức khỏe”.

Trong suốt 15 năm hợp tác giữa Unilever Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chương trình đã tiếp cận và nâng cao chất lượng cuộc sống cho 3,5 triệu lượt phụ nữ trên cả nước thông qua các chương trình về vệ sinh, sức khỏe, giảm sử dụng rác thải và bảo vệ môi trường, sinh kế và các hoạt động xã hội nhân đạo từ thiện. Hiện tại, đã có đến 50.000 phụ nữ được vay vốn từ Quỹ Tài chính Vi mô của Unilever và Hội LHPN. Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” cũng là một phần của chiến lược dài hơi này.

Trung tuần tháng 4/2021 vừa qua, lễ tổng kết và trao giải chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tếnăm 2020” đã diễn ra tại TP.HCM. Trong năm 2020, gần 2000 phụ nữ tại 10 tỉnh thành trên cả nước đã được truyền cảm hứng tự tin kinh doanh, trang bị kiến thức kỹ năng khởi sự kinh doanh 5 mô hình kinh doanh tại gia phổ biến tại nông thôn: tiệm tạp hóa, quán ăn, tiệm may, tiệm làm tóc, kinh doanh quần áo…

Trong số đó, 368 chị em phụ nữ đã tự tin tham gia cuộc thi ý tưởng khởi sự kinh doanh và Unilever Sunlight đã tài trợ cho 60 dự án tiêu biểu với nguồn vốn 1 tỷ đồng. “Chương trình là một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi giúp các chị em ở nông thôn tiếp cận gần hơn với các ý tưởng, kỹ năng kinh doanh, từ đó tăng thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống, đóng góp cho gia đình, địa phương và xã hội” - bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPNViệt Nam nhấn mạnh.

Năm 2021, theo bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam, chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” sẽ mang đến các lớp đào tạo 5 mô hình kinh tế tại gia hỗ trợ khởi nghiệp tại 10 tỉnh thành, giúp 1000 chị em phụ nữ tiếp cận với kiến thức, kỹ năng và nguồn vốn khởi sự kinh doanh; triển khai khóa học trực tuyến “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” qua Youtube với 175 khóa học trong 8 tháng mang đến các lớp đào tạo trực tuyến miễn phí về kỹ năng kinh doanh & quản lý tài chính cơ bản đến 30,000 phụ nữ…

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/gac-noi-lo-toan-thuong-nhat-de-theo-duoi-dam-me-585878.html