Game online, chất độc vô hình 'gặm nhấm' tương lai giới trẻ
'Một người nghiện game chẳng khác gì nghiện ma túy. Vì vậy, game online được ví như bóng đêm phủ đầy tương lai của giới trẻ, nhất là đối với các em học sinh, sinh viên'.
Đó là chia sẻ của ông Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS), tại buổi tọa đàm “Nghiện game online - Hậu quả khôn lường” được tổ chức tại trường THPT Thành Nhân (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) sáng ngày 16/6.
Game online tác hại nguy hiểm hơn ma túy
Nhớ lại hai năm trước khi vào trường cai nghiện game tại IVS, B.N đã tiêu tốn rất nhiều tiền và sức khỏe bản thân khi chơi game online. B.N cho biết: "Nghe trên mạng xã hội chia sẻ có thể kiếm được nhiều tiền từ chơi game online, em đã nói với gia đình chơi game để kiếm tiền. Tuy nhiên, sau một thời gian không kiếm được đồng nào từ chơi game mà ngày càng nghiện nó".
Theo B.N, em bắt đầu chơi game online với những trò chơi phổ biến như Liên minh, PUBG, FIFA. Mỗi ngày, B.N chơi 8 -12 tiếng/ngày, những ngày không đi học thì chơi xuyên đến đêm; thậm chí trốn học, bỏ nhà chơi game. Gia đình biết chuyện đã tìm B.N về nhà và nhốt lại. Tuy nhiên, khi cơn nghiện game online lên, B.N lại tìm mọi cách trốn ra ngoài. Để có tiền chơi game, B.N quyết định đi tìm việc làm nhưng một ngày chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng, không đủ tiền thỏa mãn cơn nghiện game. Rất may, gia đình em đã tìm được B.N và đưa vào trường cai nghiện game.
Là người từng ăn, từng ngủ với người nghiện game, ông Đặng Lê Anh, chuyên gia tâm lý - giáo dục trị liệu nghiện game chia sẻ: "Khi một ai đó chơi game online thì rất dễ bị nghiện, rất khó để khuyên bảo bỏ game ngay tức thì. Vì vậy, khi gia đình và nhà trường phối hợp giúp trẻ từ bỏ nghiện game online, cần có phương pháp mềm dẻo, đúng cách. Bởi càng có hình phạt cứng rắn, trẻ càng chán nản, thậm chí bỏ học và bỏ nhà để chơi game".
Còn theo TS. Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân, game online là một “món ăn tinh thần”, song nếu không kiểm soát và không làm chủ được sẽ rất nguy hiểm… thậm chí nguy hiểm hơn cả ma túy. Vì ma túy có thể gây hậu quả ngay lập tức nhưng game thì âm thầm, khi đến thời điểm xác định là nghiện thì gần như không còn đường lùi.
TS. Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm đánh giá: “Dưới góc nhìn xã hội học, tôi cho rằng nghiện game là một hiện tượng xã hội “gần gũi” với hiện tượng tội phạm. Bởi lẽ, nếu nghiện game sẽ có thể phát sinh vô vàn những tình huống. Không có tiền chơi game sẽ nghĩ ra cách để có tiền như trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người; bố mẹ không cho chơi có thể dẫn đến cáu gắt, khó chịu, chửi bới, thậm chí giết cả bố mẹ; khi mua bán các vật dụng liên quan đến các trò chơi có thể dẫn đến những bất đồng, xung đột giữa các cá nhân, nhóm… với những hậu quả khó lường”.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Trưởng Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 175, nghiện game còn dẫn đến nhiều bệnh. Thứ nhất, nếu ngồi chơi game quá lâu, các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể sẽ xảy ra như chuyển hóa đường, mỡ dẫn đến béo phì. Thứ hai, cơ quan sinh dục sẽ bị giảm cung cấp máu do tư thế ngồi lâu, dẫn đến vô sinh. Thứ 3, đó là tác hại về tinh thần. Đây là tác hại rất khủng khiếp, người chơi game bị giảm trí nhớ, bị biến đổi cảm xúc, dẫn đến bồn chồn, khó chịu, cáu kỉnh. Không chỉ thế, game còn làm biến đổi nhân cách của con người vì những cảm xúc chiến thắng ảo, gây ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ đang phát triển.
“Game online là chất độc vô hình, khi sa vào thì gặp rất nhiều hậu quả. Nhưng khi các bạn có thể nhận ra và dừng lại kịp thời thì các bạn sẽ dứt ra được”, bác sĩ Nguyễn Văn Ca nhấn mạnh.
Ông Lê Minh Dũng, Trưởng phòng Bưu chính-Viễn thông Sở Thông tin truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết: Người chơi game có thể sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi: Mua, bán vật phẩm ảo hoặc đơn vị ảo, điểm thưởng; lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Ngoài ra, người chơi game mua bán tài khoản, vật phẩm game sẽ bị phạt tối đa 3 triệu đồng. Người chơi không chấp hành quy định về quản lý giờ chơi tại điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng còn bị phạt tiền từ 600.000 - 1 triệu đồng.
Cần sự chung tay của gia đình và nhà trường
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn được tình trạng nghiện game ở giới trẻ, cần phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người chơi, trách nhiệm của người nhà và sự hỗ trợ cần thiết của nhà trường.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến nghiện game, thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm thẳng thắng cho rằng, hệ lụy của việc nghiện game chịu sự tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau, song gia đình có lỗi lớn nhất trong chuyện này. Thiếu tá Lâm đưa ra dẫn chứng thực tế: con cái không ăn, nhiều gia đình thường áp dụng là cho trẻ chơi game để ăn; hoặc bố mẹ muốn thư thái khi ngồi uống cà phê mà không bị trẻ quấy chính là việc 'giao hẳn' điện thoại cho trẻ; khi trẻ khóc, cách nhiều bố mẹ hay dùng là 'hay để bố mẹ cho con chơi game nhé'.
Theo thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, để trẻ không rơi vào tình trạng nghiện game online, cách tốt nhất là mỗi thành viên trong gia đình, nhất là bố mẹ phải có cách giáo dục, dạy con khoa học, kiểm soát hợp lý và hiệu quả khi con sử dụng điện thoại, chơi trò chơi trực tuyến như: đặt giới hạn thời gian khi cho con chơi game, nếu con vi phạm cần có hướng xử lý thích hợp; cho con đọc những bài báo, xem những clip nói về tác hại của nghiện game; tuyệt đối không sử dụng những hình thức “khen thưởng” bằng việc cho chơi game; sắp xếp thời gian đưa con đi chơi những địa điểm, trò chơi bổ ích; sớm nhận diện những dấu hiệu nghiện game của con cái để có cách xử lý thích hợp; bản thân cha, mẹ không chơi game hoặc chơi game trong thời gian phù hợp để nêu gương cho con cái…
Để giúp trẻ thoát khỏi “bóng tối” của game, ông Đặng Lê Anh cho rằng, không thể chỉ dùng lời nói vì trẻ thường không nghe, do đó sẽ không giải quyết được nội tại bên trong. “Cùng với các hoạt động thể chất giúp não bộ trở về nguyên thủy để cân bằng lại, chúng ta còn phải thực hiện các bước đột phá như tập bơi, yoga, kéo co, chạy bộ… để trẻ phân tán cảm xúc, không nghỉ đến game và từ đó không muốn chơi game nữa. Có như vậy, những sang chấn của trẻ sẽ dần được khắc phục, các rối loạn cảm xúc của trẻ cũng sẽ được giảm dần”, ông Đặng Lê Anh chia sẻ.
“Game online nguy hiểm vô cùng nên chúng ta phải tuyệt đối tránh xa. Tôi mong các em học sinh nếu có chơi game thì chỉ chơi ở mức giải trí, rơi vào khoảng thời gian tối đa 30 phút với những trò chơi nhẹ nhàng, vui nhộn khai thông trí lực. Đặc biệt tránh xa những game bạo lực”, ông Đặng Lê Anh chia sẻ thêm.
Thiếu tá Nguyễn Văn Đức, trợ lý thanh niên bệnh viện Quân y 175, cho rằng đối với học sinh, sinh viên, nhà trường cần có những chương trình dã ngoại, thể thao để giúp các em có sân chơi thể chất. Tổ chức các hoạt động nhân ái để giúp học sinh, sinh viên cảm thấy yêu đời, không còn thời gian rảnh để nghĩ về những trò chơi không lành mạnh.
Về hướng điều trị, theo bác sĩ Nguyễn Văn Ca, nếu phát hiện nghiện game sớm thì việc điều trị sẽ dễ hơn. Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có nhiều cơ sơ điều trị phù hợp với cai nghiện game và chưa có sự liên kết giữa các cơ sở. "Việc điều trị mang tính cá thể hóa, tùy từng trường hợp khác nhau mà chúng ta áp dụng biện pháp khác nhau, đặc biệt phải tạo ra môi trường điều trị thuận lợi cho người nghiện", bác sĩ Nguyễn Văn Ca chia sẻ.