Gần 3 tỉ USD tài trợ bền vững cho doanh nghiệp

Ngân hàng Standard Chartered đã ký 5 biên bản ghi nhớ có tổng giá trị gần ba tỉ USD về tài trợ bền vững cho 5 doanh nghiệp Việt Nam

Bên lề hội nghị COP28 tại Dubai (UAE), Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã đồng tổ chức sự kiện "Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu" với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ngân hàng Standard Chartered ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn SOVICO (tập đoàn đầu tư đa lĩnh vực) về các dự án điện gió và dự án xanh

Ngân hàng Standard Chartered ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn SOVICO (tập đoàn đầu tư đa lĩnh vực) về các dự án điện gió và dự án xanh

Tại sự kiện này, Ngân hàng Standard Chartered đã ký 5 biên bản ghi nhớ có tổng giá trị gần ba tỉ USD về tài trợ bền vững cho 5 doanh nghiệp Việt Nam nhằm đạt các mục tiêu về phát triển bền vững.

Các biên bản bao gồm: Biên bản ghi nhớ với tập đoàn SOVICO (tập đoàn đầu tư đa lĩnh vực) về các dự án điện gió và dự án xanh; biên bản ghi nhớ với tập đoàn Green Solutions về tư vấn tài chính và thu xếp vốn cho dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh Trà Vinh và các dự án đủ tiêu chuẩn khác; biên bản ghi nhớ với GuaranCo (thuộc tập đoàn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tư nhân PIDG) về tài trợ biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng; thỏa thuận khung về tài trợ thương mại bền vững cho ngân hàng BIDV; biên bản ghi nhớ với tập đoàn PAN (tập đoàn tiên phong về lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm) cho các dự án phát triển bền vững.

Dịp COP28, ngày 3-12, các ngân hàng phát triển đa phương đã đưa ra một tuyên bố chung trình bày những hành động cấp thiết và cụ thể để gia tăng quy mô tài trợ và nâng cao việc đo lường kết quả khí hậu, đẩy mạnh hợp tác cấp quốc gia và tăng cường đồng tài trợ cũng như sự tham gia của khu vực tư nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong tuyên bố chung, các ngân hàng tái khẳng định cam kết của mình đối với hành động khí hậu và phát triển bao trùm về mặt xã hội, đáp ứng giới và tích cực với tự nhiên, phát huy các sứ mệnh khác nhau và tận dụng các mạng lưới khách hàng và quốc gia, các mô hình hoạt động, khu vực địa lý và chuyên môn riêng biệt. Các ngân hàng sẽ đạt được mục tiêu này thông qua: Tăng cường tập trung vào việc đo lường kết quả, đầu ra và tác động về khí hậu; hỗ trợ có phối hợp cho các quốc gia và thể chế địa phương trong việc xây dựng và triển khai các Chiến lược dài hạn (LTS); hợp tác cấp quốc gia; thu hút nguồn vốn tư nhân với quy mô lớn; và hỗ trợ các nỗ lực nâng cao về thích ứng và quản lý rủi ro thiên tai.

Những cuộc khủng hoảng về khí hậu và sinh thái gắn liền với nhiều thách thức toàn cầu khác. Các ngân hàng cũng cam kết tăng cường hợp tác phù hợp với các sứ mệnh và khuôn khổ quản trị tương ứng về thiên nhiên, nước, y tế và giới.

Trong năm 2022, các ngân hàng phát triển đa phương đã cung cấp tài trợ khí hậu và huy động tài chính tư nhân ở mức kỷ lục. Cùng với nhau, các ngân hàng đã cam kết 61 tỉ USD tài trợ khí hậu cho các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, tăng 18% so với năm 2021; và gần 100 tỉ USD ở tất cả các nền kinh tế nơi họ hoạt động. Ở các nước thu nhập thấp và trung bình, tài trợ cho thích ứng khí hậu chiếm 37% số tài trợ cam kết và tổng số tiền đồng tài trợ cho khí hậu đạt 46 tỉ USD, trong đó 15 tỉ USD là huy động tài chính tư nhân.

Ông Warren Evens, Đặc phái viên về Khí hậu của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), cho biết: "Hợp tác giữa các ngân hàng phát triển đa phương là hết sức quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Đây là một nhiệm vụ lớn và phức tạp, cần được khẩn trương thực hiện ngay từ bây giờ. Với vai trò là ngân hàng khí hậu của Châu Á và Thái Bình Dương, ADB cam kết tăng cường nguồn tài trợ khí hậu hết sức cần thiết từ nguồn lực tự thân và thông qua quan hệ đối tác để giúp các quốc gia thành viên đang phát triển của ngân hàng cắt giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng trước tác động của khí hậu".

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gan-3-ti-usd-tai-tro-ben-vung-cho-doanh-nghiep-196231204171519922.htm