Gần 300 doanh nghiệp tại tỉnh Hải Dương được tư vấn, đối thoại chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN
Ngày 7/12, tại Hải Dương, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tuyên truyền, tư vấn đối thoại chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tới gần 300 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
Tham dự Hội nghị có bà Phan Thị Thanh Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH; bà Lê Thị Lan Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, đại diện Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ và Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam); Ông Bùi Quốc Trình - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh; Ông Vũ Đức Khiên - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cùng đại diện các phòng nghiệp vụ BHXH tỉnh Hải Dương.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Thông qua, Hội nghị này sẽ giúp đội ngũ cán bộ nhân sự trong các doanh nghiệp nắm bắt được những vấn đề cơ bản của chính sách BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời được tư vấn, giải đáp về hướng xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.
Trao đổi tại hội nghị, đại diện Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ và Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) đã hướng dẫn về những điểm mới trong các văn bản luật mới được ban hành như: Những điểm cần lưu ý trong thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHTN: Việc tham gia BHXH bắt buộc, tỷ lệ đóng vào các quỹ BHXH, tuổi nghỉ hưu/điều kiện về tuổi hưởng lương hưu, cách tính lương hưu đối với lao động nam, điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH, bảo hiểm tai nạn lao động…Trong đó lưu ý các mốc thời gian hợp đồng lao động để xác định đối tượng tham gia BHXH; những nội dung quy định tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, cũng như quy định đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, là những điểm cần lưu ý trong công tác xét duyệt, giải quyết các chế độ BHXH; công tác thu - đóng BHXH; nội dung và sự cần thiết sửa đổi Luật BHXH; pháp luật về hợp đồng lao động và tiền lương.
Trong phần đối thoại, đại diện các doanh nghiệp đã đặt nhiều câu hỏi về các vướng mắc liên quan đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN mà các doanh nghiệp đang gặp phải như: Trách nhiệm trong sử dụng lao động đã nghỉ hưu; Giải quyết quyền lợi cho NLĐ ở doanh nghiệp nợ BHXH; Quy định về danh mục nghề nặng nhọc độc hại, thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức; mức tiền lương đóng BHXH; thủ tục hồ sơ xác định các khoản hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Các câu hỏi, vướng mắc về BHXH, BHYT, BHTN nêu tại Hội nghị đã được các báo cáo viên trao đổi, giải đáp đầy đủ, kịp thời, sâu sát. Qua đó giúp cán bộ phụ trách công tác BHXH tại các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BHTN, hợp đồng lao động, việc làm, đồng thời nắm được chính sách, pháp luật của Nhà nước để kịp thời điều chỉnh phù hợp, thống nhất thực hiện tại đơn vị theo đúng quy định. Từ đó, tạo sự đồng thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động./.