Gần 50.000 địa điểm tại TP.HCM không an toàn
Các cơ sở lao động, chợ, trung tâm thương mại là những địa điểm nóng nhất tại TP.HCM. Bộ Y tế đánh giá những nơi này không an toàn, nhiều nguy cơ lây nhiễm nCoV.
Tối 8/7, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), thành phố có 915 trường hợp nhiễm mới. Những người này gồm 848 trường hợp là các tiếp xúc được truy vết, đã cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa và 67 trường hợp đang điều tra dịch tễ.
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố có tổng cộng 9.066 bệnh nhân Covid-19 được Bộ Y tế công bố.
Đặc biệt trong 10 ngày gần đây, trung bình mỗi ngày phát hiện 500-600 trường hợp nhiễm mới. Số ca bệnh trong cộng đồng tăng hàng ngày, nhất là các trường hợp có triệu chứng đi khám các cơ sở y tế. Điều này cho thấy, tác nhân gây bệnh đã có ở khắp thành phố.
Nguy cơ rất cao ở những cơ sở lao động, chợ và trung tâm thương mại
Theo Bản đồ An toàn Covid-19 (do các chuyên gia của Bộ Y tế xây dựng), tính đến trưa 6/7, TP.HCM có 49.670 địa điểm không an toàn (chiếm 82,6%). Bên cạnh đó, 1.349 địa điểm (tương đương 2,2%) được xếp vào nhóm có rủi ro. Chỉ 9.092 địa điểm an toàn, chiếm 15,1%.
12 quận/huyện với hơn 6 triệu dân tại TP.HCM thuộc nhóm nguy cơ rất cao. Gần 8,7 triệu người ở 9 quận, huyện nằm trong vùng nguy cơ cao. Hơn 8,7 triệu người khác và một quận/huyện ở nhóm nguy cơ. Đặc biệt, toàn bộ 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đều được xếp vào nhóm không an toàn.
Trong đợt dịch này, các ổ lây nhiễm tập trung ở gia đình, nơi làm việc, đặc biệt là chợ đầu mối, cơ sở sản xuất. Hàng loạt công ty liên quan các F0 như nhà máy Công ty Nidec Sankyo (TP Thủ Đức), công ty trong hẻm 42 đường Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh), cửa hàng Satra Food, 20-22 Châu Văn Liêm (phường 10, quận 5)...
Thống kê đến chiều 6/7, theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, tổng F0 liên quan các công ty là 796 người, tập trung ở 38 doanh nghiệp. Những công ty hoạt động trong môi trường máy lạnh, giao lưu tiếp xúc nhiều trong thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh xâm nhập và lây lan.
Bên cạnh đó, từ chuỗi lây nhiễm được phát hiện ở chợ đầu mối Hóc Môn, dịch đã ra chợ Sơn Kỳ, Tân Hương với tổng số F0 là 150 ca, tính đến ngày 2/7, theo Sở Y tế TP.HCM. Ngoài ra, ổ dịch chợ đầu mối Bình Điền, chợ khu phố 2, phường An Lạc và chợ Bình Trị Đông (quận Bình Tân), cũng xuất hiện cùng lúc, làm tình hình phức tạp hơn.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định sự giao lưu, tiếp xúc, mua bán ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống hiện không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; mật độ giao lưu, tiếp xúc, không đeo khẩu trang, khoảng cách và khử khuẩn không đảm bảo.
Những điểm "cốt tử" được bảo vệ tốt
Ở đợt dịch lần này, địa điểm an toàn nhất hiện nay tại TP.HCM theo đánh giá của Bản đồ An toàn Covid-19 là bệnh viện (93,82%). Có thể thấy, điểm trọng yếu của thành phố đã được bảo vệ tốt.
Trên thực tế, ở đợt dịch đang bùng phát, F0 lang thang, chưa rõ nguồn lây thường xuyên được phát hiện trong 43 ngày qua tại TP.HCM. Những người chỉ được phát hiện qua khám sàng lọc nên nguy cơ dịch xâm nhập bệnh viện rất cao.
Tuy nhiên, nhờ sự ứng phó bài bản, có quy trình, các ca F0 xuất hiện tại bệnh viện, cơ sở y tế hầu hết được truy vết sớm, chặt đứt nguồn lây nhanh. Điều này giúp số ít thành trì y tế cuối cùng không trở thành ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng.
Một số bệnh viện phát hiện các F0 như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đều đã có phương án ứng biến chủ động, kích hoạt hệ thống phân luồng, tạm dừng tiếp nhận người tới khám hoặc phong tỏa nhanh.
Nhờ vậy, các F0 được phát hiện không bùng thành ổ dịch lớn hay lây lan ra cộng đồng như những chùm ca bệnh khác hiện nay. Chuỗi lây nhiễm lớn nhất liên quan các cơ sở y tế là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ngày cuối cùng ghi nhận F0 mới liên quan bệnh viện này là 29/6.
Trong khi đó, bến tàu, nhà ga cũng được thành phố bảo toàn tốt. Đây vốn là địa điểm có nhiều nguy cơ bởi lượng người ra, vào đông, từ nhiều địa phương đi, về.
Từ ngày 15/5, TP.HCM lập 69 trạm kiểm dịch Covid-19. Trong đó, 12 trạm chính và 57 trạm phụ để thực hiện công tác kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố, bến tàu, bến xe, nhà ga, nơi tiếp nhận các phương tiện giao thông ra vào. Người dân ra vào các địa điểm này bắt buộc phải khai báo y tế.
5K là biện pháp quan trọng
Các địa điểm trọng yếu an toàn nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta được phép lơ là, chủ quan. Hiện tại, người dân ở TP.HCM bắt buộc quét mã QR khi rời thành phố. Ngoài ra, người dân cần phải giấy xác nhận xét nghiệm âm tính để di chuyển đến các địa phương ngoài TP.HCM như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều này đã dẫn tới hiện tượng nguy hiểm: Ngày 5/7, khoảng 14.000-15.000 tiểu thương tại chợ đầu mối Bình Điền tập trung chen lấn để lấy mẫu giấy đăng ký. Tình trạng này diễn ra sau khi ban quản lý chợ thông báo thực hiện xét nghiệm cho người dân, tiểu thương trong chợ.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), "với tình trạng biển người chen chân lấy giấy xét nghiệm Covid-19 tại chợ Bình Điền, người âm tính có thể chuyển thành dương tính mà không hay biết".
Vị chuyên gia nhấn mạnh lúc này, tờ chứng nhận test nhanh chỉ có giá trị thời điểm trước đó, không có nghĩa người này không bị nhiễm bệnh.
Do đó, người di chuyển thường xuyên giữa các khu vực có dịch cần tuân thủ biện pháp phòng, chống lây nhiễm, tuân thủ 5K. "Không nên chỉ dựa vào một tờ giấy xác nhận là có thể di chuyển thoải mái", ông Khanh nói.
Ngoài ra, chuyên gia này nhấn mạnh giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 không thay thế 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khai báo y tế - khoảng cách - không tập trung) trong quá trình sinh hoạt, di chuyển.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh: "5K nghiêm túc tại công ty, trên đường đi và trong gia đình là điều cần thiết nhất và quan trọng hơn tất cả giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính trước đó".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gan-50000-dia-diem-tai-tphcm-khong-an-toan-post1235333.html