Gần 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có lãi trong năm 2021
Dù nền kinh tế chịu nhiều hệ lụy từ những ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch Covid-19 thứ tư, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam dự báo có lãi trong năm 2021 vẫn tăng 4,7 điểm so với năm 2020, lên mức 54,3%...
Hơn 55% doanh nghiệp Nhật Bản vẫn muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam 1-2 năm tới (cao nhất khu vực ASEAN).
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) vừa công bố báo cáo khảo sát từ 4.600 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại gần 20 thị trường châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có 700 doanh nghiệp ở Việt Nam.
Kết quả khảo sát cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo có lãi trong năm 2021 là 54,3%, tăng 4,7 điểm so với năm trước. Trong khi tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ là 28,6%, giảm 1,5 điểm so với năm trước.
Mặc dù “nhích khẽ” so với năm 2021, song do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 thứ tư nên việc phục hồi của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vẫn chậm hơn so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, tại miền Nam và miền Trung, có hơn 40% doanh nghiệp có lợi nhuận kinh doanh bị suy giảm do phải đóng cửa nhà máy.
Dù từng có lo ngại các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt và kéo dài song theo ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng Jetro Hà Nội, hơn 55% doanh nghiệp Nhật Bản vẫn muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam 1-2 năm tới (cao nhất khu vực ASEAN); 42,5% doanh nghiệp dự kiến duy trì ở quy mô hiện tại và chỉ có 1,9% doanh nghiệp muốn thu hẹp hoạt động và chưa đến 0,3% doanh nghiệp có ý định chuyển sang quốc gia khác.
“Lợi thế lớn nhất khiến Việt Nam luôn trong top các nước được doanh nghiệp Nhật mở rộng hoạt động là nhờ quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng. Ngoài ra là sự ổn định chính trị - xã hội, chất lượng nhân công cao là những yếu tố nổi bật của Việt Nam so với các quốc gia khác”, ông Takeo cho biết.
Đánh giá về triển vọng trong thời gian tới, đại diện Jetro Hà Nội khá lạc quan về dòng vốn đầu tư của Nhật Bản. Đặc biệt, trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 11/2021 của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã có nhiều thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trị giá hàng tỷ USD được ký kết. Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho những dự án đầu tư mới của Nhật Bản tại Việt Nam.
Chia sẻ về kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam, ông Takeo cho biết, 39 doanh nghiệp Nhật Bản nằm trong danh sách các công ty được nhận hỗ trợ từ Chính phủ trong việc đa dạng chuỗi cung ứng đang trong quá trình đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, dịch chuyển dây chuyển sản xuất sang Việt Nam.
“Tuy nhiên, việc dịch chuyển này mới ở giai đoạn đầu tư ban đầu và các công ty này đều đã có mặt tại hiện nay”, Trưởng đại diện Jetro Hà Nội nói.
Trong những năm gần đây, doanh nghiệp Nhật ngày càng đánh giá cao về hệ thống pháp luật minh bạch và thủ tục hành chính của Việt Nam. Nhưng điểm số về vấn đề này giảm mạnh trong hai năm 2020 và 2021, theo Jetro có thể do tác động từ các quyết sách chống dịch.
“Chúng tôi hiểu đó là những giải pháp ngắn hạn để chống dịch. Về dài hạn, doanh nghiệp kỳ vọng có sự cải thiện hơn nữa trong phòng chống dịch. Ngoài ra, những vấn đề về cung ứng lao động sau đại dịch, tăng lương và áp lực lạm phát gia tăng cũng là những vấn đề khiến doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại trong năm 2022”, ông Takeo Nakajima nhấn mạnh.