Gần 67% dân số thế giới sẽ sống tại khu vực thành thị vào năm 2050
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đến năm 2050, có tới 2/3 dân số thế giới sẽ sống tại các khu vực thành thị.
Trong bài phát biểu đánh dấu kỷ niệm 25 năm của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD), ngày 16/7, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra và với tốc độ đô thị hóa hiện nay, đến năm 2050, có tới 2/3 dân số thế giới sẽ sống tại các khu vực thành thị.
Quản lý tốt vấn đề đô thị hóa sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng bền vững và chống biến đổi khí hậu.
Theo TTK LHQ Guterres, trong 25 năm trở lại đây, thế giới đã có những bước tiến đáng kể trong vấn đề dân số và phát triển.
Trước hết đó là vấn đề tăng dân số. Đây là một thành tựu của con người bởi việc tăng dân số nghĩa là tuổi thọ người dân cao hơn, sức khỏe tốt hơn đồng nghĩa với việc nền y học cũng như điều kiện sống phát triển.
Việc tăng dân số sẽ góp phần vào sự gia tăng trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng toàn cầu. Bên cạnh đó, vấn đề bình đẳng giới cũng như quyền của phụ nữ cũng có những tiến bộ đáng kể. Những tiến bộ này đã đóng góp vào việc giảm đói nghèo và cải thiện giáo dục cũng như chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng mặc dù đã có nhiều tiến bộ song vẫn còn nhiều phụ nữ và trẻ em đang phải đối mặt với những thách thức to lớn liên quan đến vấn đề sức khỏe và quyền con người.
1/3 số phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới bị bạo hành. Đặc biệt, tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn ở những khu vực bất ổn.
Chính vì vậy, TTK LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hoàn thành nốt các công việc còn dang dở của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển năm 1994 tại Cairo, Ai Cập.
Tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển diễn ra tại Cairo (Ai Cập) năm 1994, 179 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thông qua chương trình hành động kéo dài 20 năm (được gia hạn vào năm 2010), trong đó nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển.
Đây được coi là một bản định hướng toàn diện cho tiến trình phát triển, trong đó con người đòng vai trò là trung tâm./.