Gắn bó tình quân - dân
Xây dựng nhà 'Tình nghĩa quân - dân' là một trong những nội dung hoạt động cụ thể của mô hình 'Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận tăng cường đoàn kết với dân tộc, tôn giáo' do Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2018. Là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, trên địa bàn Bình Thuận có 35 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 34 dân tộc thiểu số, với hơn 95.900 người, chiếm 7,54% dân số toàn tỉnh; có 8 tôn giáo được Nhà nước công nhận đang hoạt động với 496.295 tín đồ, chiếm 39,44% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên quán triệt thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Ðảng và Nhà nước; quan tâm chăm lo và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, đồng bào các dân tộc, đồng bào có đạo. Mối quan hệ, tình đoàn kết quân - dân ngày càng củng cố. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn có cấp ủy, chỉ huy đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc, tôn giáo, chưa thu hút, thuyết phục được hoàn toàn chức sắc, nhà tu hành, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào DTTS quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của LLVT. Vì thế, đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.
Gắn bó tình quân - dân
Xuất phát từ thực tế đó, năm 2016, tập thể Ðảng ủy, Bộ CHQS tỉnh bàn biện pháp và giải pháp thực hiện. Bước đầu đã chọn huyện Ðức Linh, địa phương có tỷ lệ đồng bào có đạo khá cao làm điểm xây dựng mô hình “LLVT huyện tăng cường đoàn kết với đồng bào tôn giáo” và huyện Bắc Bình, địa phương có đông đồng bào là người DTTS, nhất là dân tộc Chăm để làm điểm xây dựng mô hình “LLVT huyện tăng cường đoàn kết với đồng bào dân tộc”. Thượng tá Nguyễn Văn Ðương, Chính trị viên Ban CHQS huyện Ðức Linh cho biết, lúc đầu triển khai mô hình còn bỡ ngỡ, bởi chưa có đơn vị nào trong Bộ CHQS tỉnh thực hiện. Ban CHQS huyện đã tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ trong LLVT huyện; chủ động tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, UBND huyện và các đồng chí trong Ban chỉ đạo tôn giáo huyện về chủ trương để ban hành văn bản chỉ đạo các cấp ủy, địa phương phối hợp thực hiện. Ban đầu, đơn vị tổ chức đi thăm các vị chức sắc, nhà tu hành tại các cơ sở thờ tự trên địa bàn huyện vào dịp lễ, tết... Thông qua các cuộc gặp này, chỉ huy đơn vị có những thông tin chính xác hơn cung cấp chobanchỉ đạo tôn giáo chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh, không để xảy ra vụ việc phức tạp dẫn đến điểm nóng, ảnh hưởng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Không thể nói hết hiệu quả mang lại, đến tháng 3/2018, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tổ chức 1 hội nghị tổng kết, đánh giá và quyết định nhân rộng 2 mô hình trên ra toàn tỉnh với tên gọi chung là “Lực lượng vũ trang tỉnh tăng cường đoàn kết với đồng bào dân tộc, tôn giáo”. Kết quả rõ nhất là sự ủng hộ của các vị chức sắc, nhà tu hành, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cũng như động viên tín đồ thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, tham gia huấn luyện dân quân, dự bị động viên, xây dựng thôn, bản vững chắc về quốc phòng, an ninh.
Với dân tộc, tôn giáo, 2 lĩnh vực được ví là hiểm yếu nhất mà các thế lực thù địch hay lợi dụng để phá vỡ ổn định chính trị, khối đoàn kết thì Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng được thế trận lòng dân như thế. Điều ấy như củng cố niềm tin của dân ở những nơi trên với quân đội, với Đảng, vốn đã gầy dựng nhiều năm qua từ những hoạt động dân vận của LLVT mỗi khi vào đợt huấn luyện. Gắn nhiệm vụ chính trị của LLVT với nhiệm vụ của địa phương để tạo ra kết quả trên nhiều mặt. Bên cạnh việc xây dựng những căn nhà “đoàn kết”, nhà “tình nghĩa quân – dân”. 5 năm qua, Bộ CHQS tỉnh tổ chức huấn luyện, luôn dành thời gian làm công tác vận động quần chúng, lao động giúp nhân dân. Trong 97.320 ngày công của bộ đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên tham gia lao động giúp dân đã sửa chữa 45,7km đường giao thông nông thôn; đổ 450m3 bê tông; nạo vét hơn 100km kênh mương nội đồng; đắp hơn 700m3 kè biển, chống biển xâm thực và nhiều việc làm trong phòng chống thiên tai, vệ sinh môi trường… Ngoài ra, phối hợp các các bệnh viện của quân khu, cơ sở y tế trong tỉnh, tổ chức 13 đợt khám bệnh, cấp thuốc, điều trị bệnh miễn phí cho trên 5.400 lượt người dân ở các vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người và khu căn cứ kháng chiến trước đây; tổ chức tặng 2.840 suất quà, trị giá trên 3 tỷ đồng cho nhân dân.
Ðại tá Lê Văn Hội, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Thông qua việc thực hiện nội dung của mô hình đã tăng cường sự hiểu biết, gắn bó giữa lực lượng vũ trang với đồng bào các dân tộc và đồng bào tôn giáo, làm cầu nối giữa đồng bào các dân tộc, tôn giáo với cấp ủy, chính quyền và LLVT, từ đó gặp gỡ, trao đổi và thống nhất giải quyết các vấn đề liên quan. Ðồng thời, kịp thời động viên, khích lệ chức sắc, chức việc các tôn giáo phát huy truyền thống yêu nước, tích cực tham gia vận động tín đồ, giáo dân thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch”.
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/gan-bo-tinh-quan-dan-bai-2-131241.html