Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo

Ngày cuối tuần tháng 6, thoáng thấy bóng dáng các cô bộ đội bước vào đến cổng, mấy cháu nhỏ Trung tâm khuyết tật, mồ côi Giáo xứ Bố Sơn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đang vui đùa trong sân chạy ùa cả ra, sà vào lòng, hớn hở: 'Cô ơi, chúng con nhớ cô lắm. Hôm nay các cô ở đây cả ngày với chúng con nhé…'.

Âu yếm ôm cháu bé nhỏ nhất vào lòng, Đại úy QNCN Hoàng Vân Anh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An xoa đầu thủ thỉ: “Mấy hôm nay con có ngoan không, có nghe lời sơ không? Phải chịu khó học bài con nhé”.

Những năm gần đây, đều đặn hai tuần một lần, cán bộ, hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An lại đến động viên, chăm sóc những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt Giáo xứ Bố Sơn, nên từ lâu chúng đã coi các chị như người mẹ thứ hai của mình. Sau khi hỏi han tình hình sức khỏe, kết quả học tập của từng cháu, các cô bộ đội bắt đầu chia nhau mỗi người một việc, người thái thịt, mổ cá, nhặt rau, người nhóm bếp, vo gạo, rán trứng, hối hả chuẩn bị bữa cơm tươm tất cho những đứa con nuôi của mình.

 Cán bộ, hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An trong một lần chăm sóc các cháu mồ côi Trung tâm khuyết tật, mồ côi Giáo xứ Bố Sơn.

Cán bộ, hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An trong một lần chăm sóc các cháu mồ côi Trung tâm khuyết tật, mồ côi Giáo xứ Bố Sơn.

Theo Đại úy QNCN Hoàng Vân Anh, 50 đứa trẻ sống trong Trung tâm này đều có hoàn cảnh hết sức tội nghiệp. Có cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, có cháu bị gia đình bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, có cháu mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị khuyết tật bẩm sinh… Trong khi đó, điều kiện kinh tế cũng như hệ thống cơ sở vật chất của Giáo xứ Bố Sơn cũng hết sức khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, cái ăn, cái mặc của những cháu bé đáng thương này chủ yếu trông vào nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn.

Quá trình làm công tác dân vận, nắm được những khó khăn, vất vả của Trung tâm khuyết tật, mồ côi Giáo xứ Bố Sơn, Ban chấp hành Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An không khỏi trăn trở. Các chị phát động trong cán bộ, hội viên trong LLVT tỉnh tiết kiệm từng đồng tiền lẻ, bó rau, cọng hành trong sinh hoạt hằng ngày, góp nhặt lại, để bảo đảm mỗi tháng có hai bữa dinh dưỡng đầy đủ cho những đứa trẻ bất hạnh nơi đây. Đồng thời phân công cán bộ, hội viên luân phiên đến thăm hỏi, động viên, trực tiếp nấu ăn, thậm chí là tắm rửa, giặt giũ quần áo, vệ sinh cho các cháu. Với những cháu mắc bệnh hiểm nghèo, mất ý thức thường nhận được quan tâm, chăm sóc chu đáo hơn của các cô bộ đội. Cùng với những bữa cơm giàu dưỡng chất như kể trên, vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6, rằm Trung thu, hay các ngày lễ-Tết, cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đều dành thời gian tổ chức các chương trình vui chơi, tặng quà, động viên các cháu.

 Cán bộ, hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An trong một lần chăm sóc các cháu mồ côi Trung tâm khuyết tật, mồ côi Giáo xứ Bố Sơn.

Cán bộ, hội viên phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An trong một lần chăm sóc các cháu mồ côi Trung tâm khuyết tật, mồ côi Giáo xứ Bố Sơn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mấy năm trước đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An nổi lên nhiều vụ việc phức tạp. Kẻ xấu thường lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ tình đoàn kết lương giáo, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trước thực trạng đó, ngoài việc nhận đỡ đầu, chăm sóc các cháu nhỏ mồ côi Giáo xứ Bố Sơn, Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An còn tham mưu cho Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh cho triển khai thực hiện mô hình kết nghĩa: “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”. Thời gian đầu, mô hình này gặp không ít trở ngại, do bà con giáo dân chưa tin tưởng và ủng hộ bộ đội. Tuy nhiên, bằng những hành động cụ thể, thiết thực như thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, tích cực cùng nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, theo thời gian, bà con vùng giáo từ chỗ băn khoăn, e ngại, dần tin tưởng bộ đội, lắng nghe những điều hay, lẽ phải của cán bộ, hội viên, tự giác chấp hành các chủ trương của Đảng, quy định của địa phương, tình cảm quân dân trở nên gần gũi, gắn bó.

Theo Thượng tá Thái Đức Hạnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, cùng với hiệu quả của mô hình kết nghĩa lương giáo, các chi hội phụ nữ cơ quan quân sự địa bàn có đồng bào theo đạo còn tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp huy động nhiều nguồn lực khác nhau, tiến hành trao tặng các hội viên phụ nữ vùng giáo 7 con bò giống, 10 xe đạp học sinh, 186 suất quà cùng một số đồ dùng sinh hoạt với tổng số tiền hơn 380 triệu đồng. Những việc làm thiết thực đó của cán bộ, hội viên phụ nữ LLVT tỉnh Nghệ An giúp chia sẻ không ít khó khăn với các hội viên phụ nữ vùng giáo, góp phần tăng cường đoàn kết quân dân, đoàn kết lương giáo.

Có thể nói, những tình cảm ấm áp, mối đoàn kết gắn bó giữa lương và giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mà Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh là một trong những đơn vị tiêu biểu đã và đang góp phần thắp sáng thêm hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân, là minh chứng sinh động cho kết quả triển khai chương trình phối hợp hoạt động giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại cơ sở.

Bài, ảnh: HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/gan-ket-yeu-thuong-giua-luong-va-giao-581930