Gần nửa thế kỷ 'vít đầu thiên hạ'
Một buổi chiều cuối năm, bên trong cửa hàng cắt tóc nhỏ xinh trên phố Xã Đàn, không gian yên tĩnh, chỉ vang lên tiếng kéo lách cách của người thợ. Vài khách hàng ngồi ngay ngắn đọc báo, chờ đến lượt. Lạ là, họ hầu hết là sếp của nhiều doanh nghiệp.
“Kim Liên đệ nhất kéo”
Trong không gian khoảng hơn 20m2 của cửa hàng treo đầy huy chương, bằng khen, giải thưởng của nghệ nhân được mệnh danh “Kim Liên đệ nhất kéo” Phạm Duy Hào. Ông Hào đang cắt tóc cho một chủ doanh nghiệp xe máy lớn nhất nhì Hà Nội. Vị khách ngồi yên cho nghệ nhân làng tóc mặc sức múa kéo. Anh cho biết, mình là khách ruột của cửa hàng hơn 10 năm nay. Thỉnh thoảng cao hứng, ông Hào vừa nhún nhảy vừa hát, tay vẫn thoăn thoắt tỉa tót từng lọn tóc. Sinh năm 1957, nghệ nhân U70 trông trẻ hơn so với tuổi. Mái tóc thời thượng, phong cách lịch lãm, nhanh nhẹn, cách nói chuyện duyên dáng khiến ông giống một nghệ sĩ hơn là nghệ nhân.
“Ngày xưa, một thầy phong thủy đến ô Đồng Lầm. Khi nói chuyện cùng các cụ bô lão trong làng, ngài đã hỏi các cụ muốn làm nghề gì, các cụ mới thưa rằng: Dân làng chúng tôi muốn làm nghề đè đầu vít cổ thiên hạ. Thế là ngài trấn yểm trong một hòm bằng đá, một cây kéo, một cái lược bằng đá và làm một bài thơ”, vừa thoăn thoắt tay kéo, Phạm Duy Hào mở đầu câu chuyện bằng sự tích về làng cắt tóc Kim Liên. Rồi ông ngâm nga: “Giang sơn một tráp, gương, lược, dao/ Chơi ngông gọt gáy khách anh hào/ Giàu thánh tướng ai, ta cũng mặc/ Vít cổ vua, xoay, chẳng sợ nào”.
Sinh ra trong gia đình con nhà nòi, ông nội của Phạm Duy Hào chính là cụ Phạm Duy Hiền (tức cụ Đảng), người chuyên cắt tóc cho vua Bảo Đại và các quần thần. Cụ Đảng cũng là người đã mở nghiệp cắt tóc cho làng Kim Liên. Đến ông Hào, dòng họ Phạm đã có ba đời sống bằng nghề cắt tóc.
Ông kể, ngày xưa người thợ Kim Liên rất chuẩn chỉ, cầu kỳ với nghề. Trước khi cắt, họ phải ngâm dao cạo, kéo, lược qua nước nóng và cồn để tẩy rửa cho sạch. Sau đó, người thợ lấy khăn nước ấm lau mặt, lấy bông nhét lỗ tai cho khách khỏi nghe thấy tiếng kéo. Nước xả lên tóc phải có mùi nước hoa để tạo hương thơm. Khi cắt xong, trên người khách không có sợi tóc nào dính lên đó mới là đạt. Cả nước làm nghề tóc nhưng riêng thợ tóc làng Kim Liên có tiếng đánh kéo rất đặc trưng, mà ông chỉ cần nghe là nhận ra ngay.
“Nghề cắt tóc không đơn thuần là cắt ngắn một mái tóc, mà phải có con mắt thẩm mỹ, lòng yêu nghề, sự kiên trì, đầu óc sáng tạo và chất nghệ sĩ thì mới thành công. Bây giờ nhiều thợ học nghề 2-3 tháng đã sốt sắng mở cửa hàng, chứ ngày xưa chúng tôi được đào tạo khắt khe lắm. Có khi mất 3-6 tháng chỉ để tập đánh kéo. Tập đến tóe máu, phồng rộp bàn tay. Tập bao giờ cơ tay khỏe, dẻo dai, cầm kéo như cầm bút vẽ, thầy mới cho làm nghề”, vừa nói, ông vừa chìa ra bộ kéo 6 cái luôn đeo bên hông. Trong số này, có cái đã theo ông suốt hơn 40 năm làm nghề.
Mặc dù “đẻ ra đã biết cắt tóc”, nhưng Phạm Duy Hào không đến với nghề tóc theo kiểu cha truyền con nối mà được đào tạo chính quy bài bản. Năm 1977, ông tham gia khóa đào tạo 18 tháng do Sở Quản lý Ăn uống và Phục vụ Hà Nội cấp bằng hành nghề. Tốt nghiệp với tấm bằng thủ khoa, ông bắt đầu làm việc ở các hợp tác xã cắt tóc trên phố Hàng Trống, Hàng Khay,... hay thậm chí ở nước ngoài. Nói về danh hiệu “Kim Liên đệ nhất kéo”, ông cho biết, khi xưa lúc mới làm nghề, thanh niên Kim Liên có mở cuộc thi cắt tóc phong trào, ai chiến thắng thì được phong danh hiệu “đệ nhất”. Cuối cùng ông đã thắng và đoạt được danh hiệu này. Gọi nhiều thành quen, đồng nghiệp, bạn bè nhớ đến ông là nhớ đến mấy chữ “Kim Liên đệ nhất kéo”.
Trong suốt buổi trò chuyện, Phạm Duy Hào cứ nhìn tôi với ánh mắt 3 phần bất lực, 7 phần rấm rứt. Cuối buổi, nghệ nhân làng tóc thốt lên: “Anh xin lỗi, nhưng em ngồi vào đây, anh bấm lại cho em kiểu tóc phù hợp, chứ anh nhìn khó chịu quá!”. Người viết thẹn thùng cười trừ, chỉ biết ngoan ngoãn ngồi vào ghế, để mặc cho người thợ cả thỏa máu nghề…
Hơn cả cắt tóc
Đang nói chuyện dở thì có tiếng bấm còi ô tô phía ngoài đường. Ông Hào chạy ra, lúc vào hớn hở khoe hộp xì gà vị khách quen vừa đi nước ngoài về mua tặng. “Nghề này như nghề ngoại giao, nó mang lại cho mình nhiều thứ mà tiền bạc không mua được. Tôi có thêm bạn, thêm tri kỷ. Mấy chai rượu trên tủ kia cũng là của khách biếu. Có dịp tôi lại khui để mấy anh em cùng giao lưu”, ông hào hứng.
Nghệ nhân làng tóc cho biết, khách hàng đến với mình có đủ từ doanh nhân, công chức, lãng tử đến các văn nghệ sĩ,... “Nghệ sĩ Quốc Khánh, Quế Hằng, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Võ Hoài Lâm đều là những khách hàng quen thuộc của tôi. Đặc biệt “Ngọc Hoàng” Quốc Khánh đã đồng hành với tiệm tôi suốt hơn 40 năm. Nhiều khách hàng khác cũng đã gắn bó từ đời ông, đời bố và đến nay, con cháu họ vẫn tin tưởng để tôi chăm sóc cho mái tóc của họ”, ông Hào cho biết thêm.
Một điều ít ai biết: ban đầu Phạm Duy Hào không có ý định theo nghề cắt tóc truyền thống của gia đình mà lựa chọn cho mình nghiệp thể thao. Ông từng học chuyên ngành thể thao tại Từ Sơn (Bắc Ninh), chuyên ngành trọng tài, nhưng hình như tổ nghề cắt tóc đã chọn nên chỉ một thời gian, ông lại từ giã thể thao để quay lại với nghề dao kéo. Tuy nhiên, ông vẫn giữ tình yêu với bóng đá, thỉnh thoảng nhận lời mời làm trọng tài cho các đội bóng phong trào. Cũng vì thế, nếu không hẹn trước, khách cắt tóc sẽ phải ra tận sân bóng để “lôi” nghệ nhân về cửa hàng.
Suốt ngần ấy năm “múa” kéo, Phạm Duy Hào đã nhận được nhiều giải thưởng như: Bàn tay Vàng ngành tóc Việt Nam 2019; Kỷ lục Guinness năm 2020; Nhà sư phạm ưu tú ngành tạo mẫu tóc năm 2017; Giải thưởng cống hiến vì sự nghiệp phát triển ngành tóc Việt Nam; Được công nhận là một trong hai nghệ nhân đầu tiên của nghề tóc. Ông cũng là người thợ cắt tóc duy nhất trong hợp tác xã thường xuyên được mời đến các đại sứ quán cắt tóc cho người nước ngoài. Dù đã có tay nghề giỏi, nhưng ông vẫn liên tục cập nhật những trào lưu, xu hướng mới, tham gia gặp gỡ, giao lưu với các nhà tạo mẫu tóc ở Hàn Quốc, Italia,... để không trở nên “cổ lỗ sĩ” trong ngành thời trang, làm đẹp.
Thấy các cháu nhỏ mồ côi ở “Tổ bán báo xa mẹ” tụ tập trong công viên, ông Hào động lòng, gọi tất cả lại và hỏi có muốn theo nghề cắt tóc không. Cứ thế, ông cho lũ trẻ về ăn ngủ ở cửa hàng và đào tạo miễn phí. Nhiều cháu sau khi vững tay nghề đã rời Hà Nội về quê mở cửa hàng, thỉnh thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm “bố Hào”.
“Hiện số người làm nghề cắt tóc có nguồn gốc tại làng Kim Liên chỉ còn trên dưới 30 thợ giỏi, hành nghề khắp Hà Nội và một số tỉnh, thành. Tôi may mắn còn có cửa hàng ổn định, nhiều người phải đi thuê cửa hàng, có người đứng cắt tóc dưới gốc cây, hè đường khu tập thể... Tôi mong muốn quy tụ họ về đây, để làng nghề lại phát triển”.
Ông Phạm Duy Hào
Thời gian này, với vai trò là Chủ tịch HTX Làng nghề cắt tóc Kim Liên, ông Hào và các thành viên ban tổ chức đang chuẩn bị dần cho dịp giỗ tổ nghề tóc ở đình Kim Liên vào ngày 15 tháng 3 âm lịch tới đây. Đây cũng là dịp quy tụ các thợ làm tóc trên cả nước về biểu diễn cắt tóc để dâng hương tri ân nghề. Cũng là cơ hội quý để các thợ cắt tóc chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và gắn kết với những giá trị truyền thống của làng. “Hiện số người làm nghề cắt tóc có nguồn gốc tại làng Kim Liên chỉ còn trên dưới 30 thợ giỏi, hành nghề khắp Hà Nội và một số tỉnh, thành. Tôi may mắn còn có cửa hàng ổn định, nhiều người phải đi thuê cửa hàng, có người đứng cắt tóc dưới gốc cây, hè đường khu tập thể... Tôi mong muốn quy tụ họ về đây, để làng nghề lại phát triển”, ông Hào cho biết.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gan-nua-the-ky-vit-dau-thien-ha-post1605712.tpo