Gắn trách nhiệm cụ thể, xử lý vi phạm trong áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt

Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung chế tài gắn trách nhiệm cụ thể, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực hiện.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chiều 6.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Nghiên cứu chính sách ưu đãi đầu tư theo ngành, lĩnh vực và địa bàn khó khăn

Các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhằm bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.

 ĐBQH Khương Thị Mai (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Khương Thị Mai (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Khương Thị Mai (Nam Định) nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung 4 luật này thể hiện sự mạnh mẽ của Chính phủ, Quốc hội trong thực hiện đột phá về cơ chế, chính sách, khơi thông nguồn lực và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư và quy hoạch.

Đơn cử, việc phân cấp cho địa phương phê duyệt kế hoạch thực hiện kế hoạch tỉnh, bổ sung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch theo trình tự rút gọn trên cơ sở Nghị quyết số 61 phân cấp thẩm quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu chế xuất.

Dự thảo Luật quy định chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án công nghệ cao, quy mô lớn. Những dự án này thường tập trung ở những thành phố lớn, địa phương có khu thương mại đặc biệt. Do đó, đại biểu Khương Thị Mai đề nghị, Chính phủ nghiên cứu chính sách ưu đãi đầu tư theo ngành, lĩnh vực và các địa bàn khó khăn. Đại biểu Khương Thị Mai cũng đề nghị rà soát nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư cho phù hợp với luật chuyên ngành.

Bảo đảm tính minh bạch, khả thi, hiệu quả trong áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt

Đánh giá cao dự thảo Luật bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án, các đại biểu cho rằng, quy định này sẽ giúp tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

 ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền cho Ban quản lý khu công nghệ, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế là hướng đi hợp lý, giúp rút ngắn quy trình, giảm tải cho các cấp cao hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án.

Tuy nhiên, việc này cần đi kèm với các tiêu chí cụ thể về năng lực và nguồn lực cho từng Ban quản lý để bảo đảm khả năng thực hiện nhiệm vụ. Lưu ý vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, cần bổ sung các chế tài rõ ràng về trách nhiệm của Ban quản lý đối với các dự án có quy mô và tính chất phức tạp, nhằm bảo đảm tính minh bạch, tránh tình trạng buông lỏng quản lý.

Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, dự thảo Luật miễn một số thủ tục theo pháp luật về xây dựng, môi trường hay phòng cháy, chữa cháy nhằm giảm chi phí cho nhà đầu tư là hợp lý. Tuy nhiên, để bảo đảm công bằng và cạnh tranh lành mạnh, nên quy định rõ ràng các điều kiện áp dụng, hạn chế đối tượng áp dụng ưu đãi đặc biệt này cho các dự án có quy mô lớn và có tác động kinh tế - xã hội rõ rệt, tránh trường hợp lợi dụng chính sách.

Mặt khác, Điều 36 dự thảo Luật hiện đang mâu thuẫn với quy định của Luật Bảo vệ môi trường về cấp giấy phép môi trường. Do vậy, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, rà soát kỹ để bảo đảm đồng bộ quy định và bảo đảm tính khả thi trong thực hiện, tránh tạo rào cản pháp lý, làm khó khăn cho nhà đầu tư khi triển khai dự án. Chính phủ cũng cần báo cáo chi tiết về các tác động tiêu cực và nguy cơ rủi ro đối với việc miễn, giảm thủ tục về môi trường, đặc biệt trong bối cảnh ưu tiên bảo vệ môi trường hiện nay.

 ĐBQH Nguyễn Duy Minh (TP. Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Duy Minh (TP. Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cũng quan tâm đến quy định về đầu tư đặc biệt, ĐBQH Nguyễn Duy Minh (TP. Đà Nẵng) đề nghị bổ sung khu thương mại tự do và khu công nghệ thông tin tập trung vào nhóm đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt theo quy định tại Điều 36a dự thảo Luật.

Theo đại biểu, nếu được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt này sẽ rất thu hút các nhà đầu tư vào các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu chức năng trong khu thương mại tự do và khu công nghệ thông tin tập trung. Trong hồ sơ đăng ký đầu tư, nhà đầu tư chỉ cần cam kết về mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, công nghệ, tiến độ thực hiện dự án, việc chấp hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường, công nghệ, phòng cháy, chữa cháy…

Việc đầu tư hạ tầng tại các khu thương mại tự do, khu công nghệ thông tin tập trung sẽ rút ngắn thời gian, kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp, từ đó có cơ sở đánh giá hiệu quả của chủ trương thí điểm thành lập các khu thương mại tự do, khu công nghệ thông tin tập trung.

Tại khoản 1, Điều 36a dự thảo Luật về cấp giấy đăng ký đầu tư đối với các dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế.

 ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Lâm

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Lâm

Góp ý vào nội dung này, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đề nghị, cần giao Chính phủ quy định chi tiết quy định này nhằm cụ thể hóa khung tiêu chí, quy mô, danh mục dự án được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt, nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh xảy ra cơ chế xin - cho.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng đề nghị, cần quy định rõ cơ quan chủ trì thẩm định nhằm đóng vai trò thẩm định, xét duyệt dự án cũng như tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn đối với các dự án đầu tư đặc biệt; đồng thời, cần tổ chức hậu kiểm sau khi dự án đi vào hoạt động.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/gan-trach-nhiem-cu-the-xu-ly-vi-pham-trong-ap-dung-thu-tuc-dau-tu-dac-biet-post395575.html