Gạo Việt Nam tiếp tục giữ 'ngôi vương' tại thị trường Philippines
Tính đến cuối tháng 10, Philippines nhập khẩu 2,91 tấn gạo từ Việt Nam chiếm gần 80% trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong 10 tháng năm 2024.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines ngày 1.11 cho biết, theo thông tin thống kê của Cơ quan quản lý cấp phép nhập khẩu gạo thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines, tính đến cuối tháng 10.2024, Philippines đã nhập khẩu tổng số 3,68 triệu tấn gạo.
Con số này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023 (trong 10 tháng cùng kỳ năm 2023, Philippine nhập khẩu 2,84 triệu tấn gạo), và vượt qua tổng lượng gạo nhập khẩu năm 2023 của Philippines theo tính toán của cơ quan này (Cơ quan quản lý cấp phép nhập khẩu gạo thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines thống kê tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines năm 2023 là 3,61 triệu tấn).
Tính riêng từ đầu tháng đến ngày 24/10, Philippines nhập khẩu 380.541,58 tấn gạo, cao hơn rất nhiều so với con số 163.217,40 tấn gạo nhập khẩu trong tháng 10/2023.
Việt Nam vẫn giữ vững ngôi đầu xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines. Tính đến cuối tháng 10/2024, Philippines nhập khẩu 2,91 tấn gạo từ Việt Nam, chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Đứng thứ 2 là Thái Lan với 457.673,28 tấn, chiếm 12,4%. Tiếp theo là Pakistan với 162.369,48 tấn, chiếm 4,5%, Myanmar và Ấn Độ lần lượt là 114.766,75 tấn và 22.039,04 tấn.
Với xu hướng tăng trưởng này, dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong cả năm 2024 sẽ ở mức trên 4 triệu tấn, có thể đạt 4,5 triệu tấn.
Bộ Công Thương đánh giá, với khoảng cách địa lý gần, tương đồng về văn hóa tiêu dùng... Philippines là thị trường có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Thị trường Philippines không đòi hỏi quá cao hay quá khắt khe trong tiêu thụ các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Nhu cầu tiêu dùng trong nước đối với hàng hóa, dịch vụ lớn nhưng phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm nhập khẩu.
Gạo của Việt Nam phù hợp với thị hiếu, thói quen tiêu dùng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp cho đến các tầng lớp giàu có, giá cả phải chăng nên có tính cạnh tranh. Ngoài ra, nguồn cung gạo Việt Nam ổn định cả về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hằng năm của Philippines. Khoảng cách địa lý gần nên chi phí thấp và thuận tiện trong chuyên chở.
Gạo Việt Nam cũng tận dụng được ưu thế trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai bên tham gia, như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... trong khi các đối tác ngoài ASEAN của Philippines (như Ấn Độ, Pakistan) không có.
Bên cạnh gạo, hiện có khoảng 34 mặt hàng/ngành hàng của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Philippines; Trong đó có 20 mặt hàng/ngành hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể là gạo tăng 53,3%; cà phê tăng 120,7%; hạt tiêu tăng 37,6%; phân bón các loại tăng 21,6%; sản phẩm từ sắt thép tăng 71,2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 42,8%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 64,6%.
Với đà tăng trưởng như hiện nay, cơ quan thương vụ dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippines trong năm 2024 sẽ lần đầu tiên vượt mức 8 tỉ USD, đạt khoảng 8,5 tỉ USD, trong đó xuất siêu trên 3 tỉ USD.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho hay, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines. Để xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines bền vững, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Philippines khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước ngoài việc tiếp cận xuất khẩu sang thị trường mới phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines đồng thời lưu ý, hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm gạo xuất khẩu, qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, giữ được giá bán ổn định. Không để xảy ra cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp.